Trường huyện treo thưởng 30 triệu đồng nếu học sinh đỗ thủ khoa, á khoa

M. Hà

(Dân trí) - Để khuyến khích học sinh, thầy Nguyễn Hữu Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Nghinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) treo giải thưởng 30 triệu đồng cho những em đạt thủ khoa, á khoa vào các trường đại học.

Số tiền tặng thưởng được thầy hiệu trưởng này kêu gọi xã hội hóa từ nhiều nguồn, trong đó có các cựu học sinh thành đạt.

Treo thưởng để nâng chất lượng

Nhiều năm qua, học sinh vùng đông của huyện Duy Xuyên phải vượt quãng đường hàng chục km để theo học cấp THPT, bởi khu vực này chưa có trường cấp THPT.

Trường THPT Hồ Nghinh ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình và là ước mơ của người dân trong vùng hơn 40 năm qua.

Được biết trường THPT Hồ Nghinh là trường công lập thuộc huyện Duy Xuyên, không tuyển chọn đầu vào nhưng sau 3 năm thành lập có thành tích đáng nể. Điều này được khẳng định qua các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh; thi Olympic; thi tốt nghiệp THPT.

Trường huyện treo thưởng 30 triệu đồng nếu học sinh đỗ thủ khoa, á khoa - 1

Học sinh Trường THPT Hồ Nghinh (Ảnh: M. Hà). 

"Trước đây, học sinh 5 xã vùng biển thuộc huyện Duy Xuyên không có trường THPT, do đó phải đạp xe hơn 10 km học THPT.

Địa phương cho thành lập ngôi trường mới để học sinh nơi đây có ngôi trường học tập. Ngôi trường mới, giáo viên gom từ các trường về nên phụ huynh ban đầu rất tâm tư, lo lắng.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm hoạt động, không chỉ đứng đầu khu vực về thành tích, nhà trường có cơ sở vật chất rất khang trang", thầy Hưng cho hay.

Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Hưng nói, năm đầu tiên tuyển sinh nhà trường chỉ có mười lớp 10. Năm đó, thầy quyết định "chơi lớn", cho học sinh đăng ký tham gia cuộc thi Olympic tỉnh Quảng Nam ở 3 môn học.

Thật bất ngờ trong 27 em tham gia của năm học ấy, có 25 em đoạt huy chương/3 môn, nhất toàn đoàn.

Năm thứ 2 có 2 khối lớp, trường tiếp tục thi Olympic của tỉnh và tiếp tục nhất toàn đoàn.

Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên nhà trường hội đủ 3 khối lớp 10, 11, 12 với tổng số 1.131 học sinh, được chia làm 29 lớp, có 47 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Với sự nỗ lực của học sinh và đội ngũ giáo viên, nhà trường đã đạt được những kết quả đáng tự hào khi lần đầu tiên khối lớp 12 tham gia kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh Quảng Nam và xuất sắc đoạt giải nhì toàn đoàn.

Như vậy, sau 3 năm thành lập, Trường THPT Hồ Nghinh liên tục nằm ở tốp dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

"Để khuyến khích học sinh giỏi nỗ lực, tôi treo giải thưởng tặng 30 triệu đồng cho những em đỗ thủ khoa, á khoa các trường ĐH, Học viện. Số tiền tặng thưởng do tôi kêu gọi xã hội hóa từ nhiều nguồn, trong đó có đội ngũ học trò cũ hiện đã rất thành đạt", thầy Hưng cho biết.

Trường huyện treo thưởng 30 triệu đồng nếu học sinh đỗ thủ khoa, á khoa - 2

Sân bóng của học sinh được nhà trường đầu tư hiện đại 

Luyện học sinh như "luyện gà đá"

Chia sẻ lý do mặc dù không "lọc" đầu vào nhưng học sinh của trường đạt thành tích "khủng" trong các kỳ thi, thầy Hưng cho biết, nhà trường "lao tâm khổ tứ" để nâng cao chất lượng.

Vào mùa thi, tất cả các góc của trường đều có học sinh ngồi học. Giáo viên luyện học sinh như "luyện gà đá".

Khi Bộ GD&ĐT có đề minh họa, trường chỉ đạo các tổ trưởng, tổ phó bộ môn soạn lại đề cương theo chương trình tinh giản, làm các bộ đề để học sinh tập dượt.

Phương thức ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp của trường này, lấy điểm học kỳ cộng với 3 lần thi thử, sau đó chia đều ra phân làm 4 nhóm gồm: nhóm chắc chắn đỗ, nhóm có khả năng đỗ, nhóm chắc chắn trượt, nhóm có khả năng trượt... Trên cơ sở phân loại này, nhà trường sẽ có cách thức ôn tập phù hợp.

Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, trước khi dạy kiến thức, nhà trường đặc biệt quan tâm đến dạy đạo đức, lễ nghĩa, chăm lo xây dựng các khu thể thao, giải trí.

Chẳng hạn, nhà trường dạy học sinh đi ra đường gặp đám tang phải dừng xe, ngả mũ chờ người ta đi qua; về nhà phải hiếu thuận với ông bà, cha mẹ.

Những buổi sinh hoạt dưới cờ, những giờ sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, học sinh được dạy về ứng xử, kỹ năng xã hội, những tình huống, mâu thuẫn có thể gặp phải.

Ngoài ra, các CLB, tổ chức Đoàn thanh niên cũng nghe ngóng, nắm bắt thông tin học sinh cả trong và ngoài trường học để nếu có vấn đề gì có thể giải quyết ngay, không để xảy ra tình huống bạo lực học đường.

"Chúng tôi quan niệm, trước hết phải tạo ra ngôi trường hạnh phúc. Từ đó, học sinh, giáo viên yêu thích và gắn bó", thầy Hưng nói.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho hay, Trường THPT Hồ Nghinh hoạt động nhưng có nhiều thành tích đáng nể, ngang với những ngôi trường hàng chục năm tuổi.