Trường ĐH Kinh tế công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022
(Dân trí) - Ngày 20/5, Trường ĐH Kinh Tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm trọng điểm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), được liên tục công bố trong 14 năm qua.
Hội thảo năm nay với chủ đề: "Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ" đã thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các Hội và Hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí…
Phát biểu tại hội thảo, GS. Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, hội thảo thêm nhiều phần ý nghĩa khi Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế. Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế suy giảm, đình đốn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản khiến cho hàng triệu lao động mất việc làm.
Ngành dịch vụ đối mặt với những sức ép rất lớn từ tác động của dịch bệnh, cũng như phương thức phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dịch vụ, đã trở thành dấu ấn quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích ứng, dần hồi phục trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các con số và dự báo của Tổng cục thống kê trong gần nửa đầu năm 2022, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phần nào chậm nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các chính sách hỗ trợ và giải pháp phục hồi quyết liệt cũng đã được Đảng và Chính phủ ban hành và đòi hỏi các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phát huy mọi động lực để duy trì nhịp tăng trưởng về mức trước đại dịch. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và nâng cao nền tảng kinh tế số.
GS Quân cho rằng: "Trong số các chính sách và giải pháp, chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và cho ngành dịch vụ nói riêng, được đánh giá sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Mặt khác nền tảng dịch vụ số hiệu quả và sáng tạo sẽ tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các ngành công - nông nghiệp mũi nhọn của Việt nam.
Chính vì thế, ĐHQGHN đã phê duyệt và tài trợ cho VEPR và Trường ĐH Kinh tế thực hiện Báo cáo thường niên năm nay với trọng tâm về chuyển đổi số trong ngành dịch vụ. Tôi hy vọng đây sẽ là một sản phẩm có tính thời sự và thiết thực, góp phần xây dựng định hướng và giải pháp chính sách cụ thể nhằm phát triển kinh tế số của Việt nam trong điều kiện bình thường mới".
Các báo cáo thường niên của Viện tập trung nghiên cứu, phân tích một cách độc lập, dựa trên bằng chứng từ thực tế các vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nghiên cứu và dự báo cho năm tiếp theo.
Ngoài ra, các báo cáo cũng nêu bật được thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế nổi bật và chuyên sâu của Việt Nam.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 năm nay do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, TS. Nguyễn Quốc Việt chủ biên, đã quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các Viện nghiên cứu và Trường đại học tham gia.
Báo cáo đã nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Nội dung chính của Báo cáo gồm 6 Chương, trong đó:
Chương 1,"Tổng quan kinh tế thế giới năm 2021": Tóm lược bức tranh kinh tế trên toàn cầu trong năm 2021. Sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã nỗ lực vượt qua khó khăn.
Chương 2, "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021": Cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng phương thức phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng của tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 đã làm chệch hướng phục hồi kinh tế năm 2021.
Chương 3, "Chuyển đổi số trong ngành dịch vụ ở Việt Nam": Trái ngược với các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch Covid-19 không những không làm suy giảm nền kinh tế số mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy doanh nghiệp và chính phủ chuyển đổi.
Chương 4, "Phân tích thực trạng chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng": Nội dung chương này là một cấu phần quan trọng của Báo cáo, tập trung vào tình hình, thực trạng phát triển của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam năm 2021 và những năm gần đây. Đồng thời, nhóm tác giả đi sâu phân tích về tiềm năng, thực tiễn và triển vọng của quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu tại các ngành nghề, đối tượng kinh tế liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực có liên quan.
Chương 5, "Phân tích thực trạng chuyển đổi số trong ngành logistics năm 2022": Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn tới ngành logistics toàn cầu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao và trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việt Nam bị tác động mạnh mẽ bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong nước bị ngưng trệ, nhất là thời gian giãn cách xã hội do không thống nhất quy định chống dịch giữa các địa phương làm cho chi phí logistics gia tăng, sản xuất bị gián đoạn và thiếu lao động hoạt động dịch vụ.
Chương 6, "Triển vọng Kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh chuyển đổi số": Trên cơ sở phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, có thể nhận định phạm vi và mức độ của các rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và xa hơn.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho phát triển ngành dịch vụ. Tuy nhiên, đại dịch cũng tạo ra những động lực ứng dụng chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thể thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với kịch bản lạc quan nhất, kinh tế vĩ mô Việt Nam có những bước phục hồi nhanh chóng sau khi trở về "trạng thái bình thường mới". Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 - 6,1%. Với kịch bản xấu nhất, lạm phát tăng cao và nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga - Ukcraina, Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để có thể ổn định kinh tế vĩ mô và là điểm đến thu hút FDI. Xu hướng chuyển đổi số trở thành động lực và cơ hội tăng trưởng cho không chỉ ngành dịch vụ mà cả nền kinh tế.