Trung Quốc: Cử nhân đại học xin đi làm bảo mẫu vì mức lương hậu hĩnh

Miên Miên

(Dân trí) - Ngày nay, nghề bảo mẫu - nghề chăm sóc và dạy dỗ trẻ đang ngày càng phổ biến với giới trẻ ở Trung Quốc bởi sự linh động trong thời gian làm việc và mức lương cực kỳ hậu hĩnh của ngành nghề này.

Bạn Trương Lâm, khi sắp tốt nghiệp một trường đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cô đã tình cờ đọc được thông báo tuyển dụng của công ty trung gian tuyển bảo mẫu trên mạng với mức lương vô cùng hậu hĩnh; trong đó ghi rõ tiền lương hàng tháng của sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ rơi vào khoảng 10.000 đến 15.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đến 50 triệu đồng).

Công việc chính của bảo mẫu sẽ gần giống với "gia sư tất cả các môn", họ sẽ cần đưa đón trẻ đến trường, rèn luyện thói quen tốt cho trẻ sau giờ học và giảng dạy tại nhà cho trẻ… Họ có thể không chỉ chăm sóc trẻ em mà còn chăm người già, người khiếm khuyết về thể chất, người thiểu năng trí tuệ hoặc có vấn đề về tâm lý.

Khác với những người giúp việc truyền thống, về mặt lý thuyết, bảo mẫu sẽ không cần làm việc nhà, nhưng trên thực tế, nhiều bảo mẫu cũng sẽ nấu ăn hoặc làm việc nhà nếu bên thuê đưa ra yêu cầu và được phía bảo mẫu đồng ý.

Trung Quốc: Cử nhân đại học xin đi làm bảo mẫu vì mức lương hậu hĩnh - 1

Ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn làm nghề bảo mẫu ở Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Lương cao là vì có thể mang lại giá trị tương đương với mức lương ấy

Vương Kỳ, học chuyên ngành thiết kế mỹ thuật ở đại học. Sau khi tốt nghiệp, cô quyết định về quê để làm giáo viên mẫu giáo. Trong ba năm sau đó, cô đã lập gia đình và dự định sẽ sống một cuộc sống ổn định như thế. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện với một người bạn làm bảo mẫu với mức lương khá cao ở Bắc Kinh đã khiến cô có ý định đổi nghề.

Chồng của cô làm việc ở một cửa hàng bán đồ uống nên nguồn thu nhập của vợ chồng cô không được ổn định. Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và đồng thời cô cũng có niềm đam mê với việc chăm trẻ, Vương Kỳ đã lựa chọn đến Bắc Kinh để làm bảo mẫu.

Cô thích gọi nghề của mình là "người chăm trẻ", cô cho rằng nghề này có mức lương cao là vì có thể mang lại giá trị lớn cho con trẻ. Bởi lẽ giai đoạn trước 6 tuổi của trẻ là thời điểm quan trọng nhất để hình thành nhận thức và rèn luyện các thói quen tốt, vì vậy trẻ cần người có chuyên môn để dạy dỗ và uốn nắn chúng.

Khi làm bảo mẫu, Vương Kỳ nhận thấy hiện tượng trẻ em nghiện xem điện thoại ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, để tránh tình trạng này, cô cho rằng cha mẹ cũng cần phải làm gương cho con, không nên quá chú tâm vào điện thoại mà bỏ qua cảm xúc của con cái. Bên cạnh đó, khi trông trẻ, cô cũng giới hạn thời gian chơi điện thoại của chúng và để chế độ tự động khóa sau 15 phút.

Bảo mẫu là một công việc tử tế và cần nhận được cái nhìn tích cực hơn

Trước đó, cô Từ Hiểu Xuyên, 27 tuổi, là một giáo viên dạy thư pháp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau khi trung tâm giảng dạy của cô chuyển trụ sở tới thành phố khác, cô đã xin nghỉ việc vì không muốn chuyển đi và phải bắt đầu lại ở một thành phố mới.

Dù bố mẹ của Hiểu Xuyên đều theo ngành xây dựng nhưng sau khi tốt nghiệp, cô lại lựa chọn làm giáo viên dạy thư pháp. Cô chia sẻ rằng, một mặt là do cô đã học thư pháp từ khi còn nhỏ; mặt khác, cô cũng rất thích trẻ con bởi vì thế giới của trẻ con luôn diệu kỳ và tràn đầy niềm vui.

Nhưng bố mẹ của cô lại không hiểu được điều đó. Họ cảm thấy rằng nghề giáo viên không hề có địa vị trong xã hội và cũng không kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, sau khi trở thành bảo mẫu chăm trẻ, cô đã có được những trải nghiệm thú vị và được thỏa mãn niềm đam mê làm giáo viên của mình.

Trung Quốc: Cử nhân đại học xin đi làm bảo mẫu vì mức lương hậu hĩnh - 2
Bảo mẫu là một nghề rất phù hợp với những người yêu thích trẻ con (Ảnh: Freepik).

Hàng ngày, Hiểu Xuyên sẽ nấu bữa sáng cho trẻ, đưa trẻ đến trường mầm non, mua thức ăn rồi quay về dọn dẹp nhà cửa, hơn 3 giờ chiều sẽ đón trẻ về nhà, hướng dẫn trẻ làm bài tập, sau đó luyện thư pháp rồi nấu bữa tối trước khi vợ chồng chủ nhà trở về.

Trong vòng hai tháng, cộng với tiền lì xì dịp Tết của chủ nhà, Từ Hiểu Xuyên đã nhận được gần 21.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng). Cô cảm thấy điều thoải mái nhất khi làm công việc này là được tự sắp xếp thời gian của bản thân, lúc rảnh rỗi cũng có thể tranh thủ viết tiểu thuyết trên mạng.

Là một cô gái đến từ Bắc Kinh và lớn lên trong một gia đình có nề nếp, Hiểu Xuyên cũng gặp khó khăn từ phía gia đình khi chọn nghề này. Mẹ của cô đã phản đối và cho rằng làm bảo mẫu là một việc rất đáng xấu hổ, hơn nữa chủ nhà còn là người quen của Hiểu Xuyên.

Tuy nhiên, Hiểu Xuyên từ lâu đã quen với sự không đồng cảm của cha mẹ. Theo cô, hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đang dần lựa chọn ngành nghề này và mọi người cũng đang dần mở lòng hơn nghề bảo mẫu; vì vậy, những ấn tượng có phần rập khuôn của xã hội về nghề này rồi cũng sẽ dần phai nhạt.

Nhìn chung, nghề bảo mẫu là một công việc khá tự do và đơn giản, đồng thời cũng rất phù hợp với những người thích trẻ con. Có thể nói, nghề bảo mẫu - công việc đóng góp to lớn cho các gia đình trong xã hội sẽ nhận được cái nhìn tích cực hơn từ mọi người.

Theo Tân Hoa Xã