Lời cảnh tỉnh sau chuyện cậu bé 7 tuổi ở Trung Quốc bật khóc khi học online

Miên Miên

(Dân trí) - Một cậu bé 7 tuổi ở Trung Quốc đã bật khóc nức nở khi học online ở nhà. Điều này đã khiến những bậc cha mẹ suy nghĩ lại về những áp lực họ đặt lên vai con trẻ.

Mới đây, một cậu bé 7 tuổi ở Trung Quốc đã khiến cư dân mạng xôn xao vì câu chuyện học tập của em. Nhìn từ camera giám sát, bố mẹ cậu bé phát hiện ra cậu đã gặp rất nhiều khó khăn để xoay xở khi học trực tuyến một mình ở nhà.

Qua video có thể thấy cậu bé đã bất lực đến mức chỉ muốn xé sách, bật khóc và gục xuống bàn. Nhưng cuối cùng, đứa trẻ đã điều chỉnh cảm xúc của mình và lấy lại bình tĩnh để hoàn thành tiết học trực tuyến.

Có thể nói, trẻ em khi mới 7-8 tuổi vẫn chưa hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tâm lý.

Nhà thần kinh học người Mỹ Paul MacLean cho rằng bộ não con người được cấu tạo bởi 3 lớp là não bản năng, não cảm xúc và não lý trí. Vào thời thơ ấu, bộ não của trẻ em bị chi phối bởi não bản năng và cảm xúc, vì vậy chúng ít có khả năng tự kiểm soát cảm xúc của mình.

Trên thực tế, ngay cả khi không có những nghiên cứu chuyên môn, chúng ta cũng có thể hiểu rằng: não của trẻ nhỏ không thể có khả năng xử lý nhiều vấn đề như người lớn và cũng có thể mất bình tĩnh trước áp lực. Khi gặp khó khăn, việc phản kháng, hoảng sợ hay thậm chí là gục ngã, bật khóc đều là những phản ứng vô cùng bình thường của chúng.

Lời cảnh tỉnh sau chuyện cậu bé 7 tuổi ở Trung Quốc bật khóc khi học online - 1
Không nên đặt quá nhiều áp lực lên vai con trẻ (Ảnh: Sohu).

Cảm giác căng thẳng ở một mức độ phù hợp sẽ tạo ra động lực, nhưng nếu quá căng thẳng thì có thể sẽ gây hại cho trẻ.

Trước đó, một cậu bé 9 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc đang chép chính tả trong lớp học thì mắt chợt tối sầm lại. Sau đó, cậu bé được đưa vào bệnh viện và bị chẩn đoán đã mắc chứng rối loạn thị giác.

Theo bác sĩ, đây là chứng bệnh có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tinh thần, có lẽ là bởi điểm số trên lớp không được khả quan, đồng thời phải chịu áp lực từ kỳ thi cuối kỳ sắp tới nên cậu bé đã bất ngờ đổ bệnh.

Trong những năm gần đây, các chuyên gia về giáo dục về cơ bản đã thống nhất rằng trẻ em nên được đối xử đúng với lứa tuổi chứ không phải như những "người lớn thu nhỏ".

Vậy thì điều đầu tiên cha mẹ nên làm là chấp nhận cảm xúc của con mình. Khi một đứa trẻ suy sụp và bật khóc thì người lớn hãy thấu hiểu cho chúng, đồng thời cần học cách giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và giảm bớt áp lực.

Chẳng hạn, chúng ta cần hiểu rõ trình độ học vấn của trẻ, tôn trọng khả năng của chúng và không nên đưa ra những yêu cầu xa vời, ngoài tầm với. Khi con trẻ gặp thất bại, hãy để trẻ hiểu rằng thái độ học tập chăm chỉ còn quan trọng hơn kết quả, và một thất bại nhỏ không có nghĩa là cả đời này chúng sẽ đều thất bại.

Tất nhiên, ngoài điều này thì còn có một số yếu tố khác về mặt kỹ thuật, các bạn nhỏ thường sẽ gặp khó khăn với thiết bị điện tử khi học trực tuyến một mình, vì vậy phụ huynh nên học cùng con để có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề ấy.

Cuối cùng, hy vọng rằng những đứa trẻ - mầm non tương lai của đất nước sẽ lớn lên thật khỏe mạnh và hạnh phúc mà không phải chịu những áp lực vô hình đến từ người lớn.

Theo Sina