Tranh luận: Giờ dùng máy tính, điện thoại thì rèn viết chữ đẹp làm gì?

Kiều Phương

(Dân trí) - Một số ý kiến cho rằng, trẻ viết chữ xấu hay đẹp không còn quan trọng trong thời buổi công nghệ số. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra không đồng tình bởi "nét chữ, nết người" chưa bao giờ lỗi thời.

Đoạn tin nhắn được cho là của một cô giáo và phụ huynh đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trong đoạn tin nhắn này, người được cho là cô giáo khen học sinh học Toán ổn nhưng Tiếng Việt thì hơi kém vì chữ viết còn gãy, không đều nét...

Đáp lại, phụ huynh bày tỏ: "Toán ổn là được rồi, sau này dùng điện thoại, máy tính chủ yếu là gõ nên không cần lo chữ xấu. Cảm ơn cô giáo nhé".

Tranh luận: Giờ dùng máy tính, điện thoại thì rèn viết chữ đẹp làm gì? - 1
Đoạn hội thoại đang gây tranh luận sôi nổi trên Diễn đàn Toán học Việt Nam. (Ảnh: Fanpage Diễn đàn Toán học Việt Nam)

Suy nghĩ của bậc phụ huynh này lập tức gây ra luồng tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng việc trẻ viết chữ xấu hay đẹp không còn quá quan trọng trong thời buổi công nghệ số hiện nay. T

uy nhiên, nhiều người tỏ ra không đồng tình bởi ở bất cứ thời đại nào, quan niệm "nét chữ, nết người" chưa bao giờ lỗi thời, lạc hậu.

Học gõ máy tính nhanh còn hơn… viết đẹp

Với phụ huynh Ngô Minh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), quan niệm "nét chữ nết người" trong xã hội hiện nay đã có phần lạc hậu. "Nhiều người cho rằng rèn chữ đẹp để luyện tâm tính cho trẻ. Vậy tại sao người lớn lại không luyện tính cách cho trẻ thông qua những hành động hay bài học trực tiếp để trẻ dễ hiểu và làm theo?.

Trong cuộc sống hối hả hiện nay, cần phải tinh lọc những thứ cần thiết, lược bỏ những thứ màu mè, râu ria. Thời giờ, nết người không còn thể hiện qua con chữ, bởi tôi biết nhiều người viết rất đẹp nhưng tâm tính lại không ra sao".

Cũng theo phụ huynh này, học sinh viết đẹp rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, viết xấu hay đẹp là phụ thuộc vào năng khiếu. Do đó, thực sự là lãng phí thời gian nếu cứ mải mê bỏ công sức rèn luyện cho những trẻ không có năng khiếu viết chữ đẹp.

"Theo tôi, trước hết cứ phải học thật giỏi môn Toán và tiếng Anh. Học tốt hai môn này, "vứt" đâu các con cũng sống.

Tất nhiên không thể bỏ qua Tiếng Việt, nhưng chỉ nên dừng lại ở việc đọc sách, làm văn… để trau dồi khả năng ngôn ngữ. Thay vì bắt con luyện chữ đẹp, hãy dạy con cách gõ máy tính nhanh và viết tốc ký. Đây mới chính là những kỹ năng cần thiết trong thời đại 4.0".

Có con gái học lớp 3, phụ huynh Nguyễn Bích Luân (Hải Phòng) khẳng định, với học sinh, đặc biệt là trẻ tiểu học, tập viết là việc làm tất yếu. Tuy nhiên, thay vì yêu cầu con gái phải viết chữ quá đẹp, theo chuẩn "khuôn mẫu", chị Luân chỉ cần con luyện viết chữ sao rõ ràng, đủ nét, đủ dấu và mắt nhìn có thể chấp nhận được.

Lý giải cho quan điểm này, chị Luân cho rằng, hiện nay, trẻ có rất nhiều thứ cần học. Do đó, sẽ vô cùng lãng phí thời gian nếu như các ông bố, bà mẹ ép con "gò lưng" ngồi luyện chữ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày.

"Mỗi tối, ngoài bài tập luyện viết, con còn phải đối diện với khối lượng bài về nhà lớn, bao gồm các môn học như: Toán, Âm nhạc, luyện đọc… Do đó, để con có thể hoàn thành đủ số lượng bài vở, tôi chỉ yêu cầu con luyện viết trong vòng 30 phút, thời gian còn lại được phân bổ để làm những môn khác.

Nếu nắn nót, chữ của con khá đẹp, nhưng khi viết nhanh thì chỉ dừng ở mức mắt thường có thể đọc được mà thôi. Tuy nhiên, tôi cũng không quá khắt khe bởi viết xấu hay đẹp là do năng khiếu, bố mẹ có bắt ép cũng chẳng thay đổi được gì".

Tranh luận: Giờ dùng máy tính, điện thoại thì rèn viết chữ đẹp làm gì? - 2
Nhiều phụ huynh cho rằng không nên ép trẻ luyện viết chữ đẹp bởi tương lai chủ yếu sử dụng máy tính và điện thoại. (Ảnh: K.P)

Phụ huynh Vũ Hải (Hà Đông, Hà Nội) cũng tán thành với quan điểm này. Ngay từ khi con chập chững vào lớp 1, không chạy theo các "lò luyện chữ" hay ép con viết chữ đẹp, chỉn chu, yêu cầu của anh Hải về vấn đề luyện viết này chỉ cần xoay quanh 3 chữ "đúng": con cầm bút đúng cách, ngồi viết đúng tư thế và quan trọng nhất là đúng chính tả.

"Nhiều trẻ hồi tiểu học viết rất đẹp, nhưng lên tới cấp hai, cấp ba, khi bài vở phải ghi chép nhiều hơn, các con không thể duy trì được sự "sạch, đẹp" ban đầu. Do đó, thay vì cứ khăng khăng bắt học sinh viết chữ thật đẹp, thật nắn nót, hãy thay đổi bằng việc rèn cho trẻ viết đúng, viết đủ. Không chỉ phục vụ 12 năm học, thói quen "viết đúng" sẽ giúp ích các con rất nhiều trong công việc cũng như cuộc sống về sau" - anh Hải phân tích.

Rèn chữ là rèn tâm, rèn đức

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quan niệm "thời đại công nghệ, không lo chữ xấu" là sai lầm, gây ảnh hưởng tới quá trình học tập cũng như phát triển của trẻ.

"Người xưa có câu "nét chữ nết người". Tôi cho rằng, dù bây giờ hay 100 năm sau, câu nói này không hề mất đi giá trị. Những câu chữ thẳng hàng, đẹp, rõ nét thể hiện sự trang trọng và tính cách cẩn thận của người viết", phụ huynh Trần Ngọc Oanh nêu quan điểm.

Là một phụ huynh, đồng thời là một nhà giáo, chị Oanh khẳng định, tương lai, như hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh, phải học trực tuyến, mỗi học sinh sở hữu một máy tính hay thiết bị điện tử để học và làm bài, nhưng chắc chắn các con vẫn phải tập viết. Vì trong cuộc đời, rất nhiều lúc phải viết tay chứ không chỉ trông cậy vào máy tính. Một số công ty vẫn yêu cầu ứng cử viên viết đơn xin việc bằng tay, hay những lá đơn xin phép nghỉ học…

"Tôi luôn cảm thấy việc cho các con viết chữ đẹp và cẩn thận rất quan trọng. Hai con học lớp 5 và lớp 1, tối nào, tôi cũng dành ra một khoảng thời gian nhất định, ngồi lại cùng các con uốn nắn con chữ. Rèn nét chữ chính là luyện nết người. Không cần tới các trung tâm, cha mẹ chính là những người thầy giúp con rèn luyện một cách hiệu quả nhất".

Tranh luận: Giờ dùng máy tính, điện thoại thì rèn viết chữ đẹp làm gì? - 3
Nét chữ của con trai học lớp 1 (bên trái) và cô con gái học lớp 5 của phụ huynh Trần Ngọc Oanh. (Ảnh: NVCC)

Nhìn ở góc độ khác, phụ huynh Đoàn Thị Nga chia sẻ, việc rèn chữ đẹp còn thể hiện tình yêu cũng như sự trân trọng đối với ngôn ngữ dân tộc. Chị cho rằng suy nghĩ "không cần rèn chữ vì tương lai chỉ gõ máy tính, điện thoại" có phần lệch lạc, bao biện và tiếp tay cho sự lười biếng. Công nghệ ra đời là để giúp cuộc sống trở nên thuận tiện hơn, chứ không phải biến con người thành những cá thể lười nhác, ỷ lại.

"Không cần viết chữ quá đẹp, theo kiểu "rồng bay phượng múa", nhưng rèn chữ cho trẻ vẫn là việc nên làm. Đây là một cách rèn luyện sự tập trung, sự khéo léo của tay, tính cẩn thận và trách nhiệm. Còn cứ khăng khăng nói chữ đẹp sau này không có ích, thì ngay cả môn Toán, nhiều người nói rằng đi làm rồi đâu dùng tới mấy công thức hàm số, logarit... Vậy học giỏi Toán để làm gì, có máy tính, Google đó rồi.

Trong xã hội ngày nay, cái tâm, cái tính của con người đã xuống cấp rất nhiều. Thiết nghĩ phải nhân rộng việc luyện viết để bồi bổ cho tâm hồn, đặc biệt phải bắt đầu từ lứa tuổi trẻ thơ".

Trao đổi về vấn đề luyện chữ, cô Khổng Thị Hà, giáo viên môn Văn tại Hải Phòng cho biết, ngày nay, công nghệ phát triển, con người chủ yếu giao tiếp qua màn hình máy tính, do đó, nét chữ đã không còn được coi trọng. Quan điểm "không lo chữ xấu vì gõ máy tính" của phụ huynh trong đoạn tin nhắn trên cũng không phải là cá biệt trong thời đại ngày nay.

Tuy nhiên, nhà giáo này cho biết, bản thân cô vẫn đề cao việc luyện chữ cho trẻ. Không chỉ là cách rèn luyện tính cách, điều chỉnh hành vi, việc kiên trì ngồi luyện chữ, cho ra những trang vở sạch, chữ đẹp còn giúp học sinh gia tăng sự lạc quan, hãnh diện về bản thân và những kết quả tốt đẹp mình đã đạt được.

Những bài viết được trình bày ngay hàng, thẳng lối, chữ viết tinh tế, dễ nhìn còn để lại ấn tượng sâu đậm với giáo viên. Nhìn xa hơn, việc được tặng một lá thư tay sẽ mang lại cảm giác ngọt ngào hơn so với việc chỉ gửi lời hỏi thăm nhau qua Zalo, Facebook…

"Tập viết chữ đẹp không đơn thuần là viết chữ mà còn là bài học đầu tiên về lòng kiên trì ý chí và sự tập trung của mỗi học sinh. Nó không bao giờ là lạc hậu và cần có sự duy trì.

Tuy nhiên, để hành trình rèn luyện nét chữ, nết người thể hiện đúng giá trị của nó, bên cạnh sự nỗ lực của học sinh và các bậc phụ huynh, thầy cô cũng cần là người có cái nhìn nhân văn, cởi mở về con chữ.

Khi chấm bài, giáo viên không nên quá khắt khe, rập khuôn, yêu cầu học sinh phải viết đúng ly, đúng nét từng chút một. Cần có cái nhìn toàn diện khi đánh giá một trang vở. Vẻ đẹp không chỉ nằm ở nét chữ, mà còn thể hiện ở sự say mê hay tinh thần cầu tiến của các em.

Bên cạnh đó, đối với việc rèn chữ cho trẻ, giáo viên cần có sự đổi mới và nâng cao. Ban đầu là dạy trẻ viết chậm, nhưng cần đúng, đủ và nắn nót; theo thời gian có thể dạy trẻ viết đúng, viết rõ và ưu tiên về tốc độ, mách các con cần tốc ký khi nào, viết ra sao… Điều này sẽ giúp ích cho cả quá trình học và công việc sau này của con em".