Tranh cãi việc bài hát "Bên trên tầng lầu" vào đề thi học sinh giỏi ngữ văn

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Trích dẫn ca khúc "Bên trên tầng lầu" của Tăng Duy Tân trong đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn đang khiến dư luận tranh cãi.

Gần đây, cư dân mạng đang tranh luận về đề thi ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2022 - 2023 của tỉnh Hậu Giang. Cụ thể, đề thi trích hai câu hát trong ca khúc "Bên trên tầng lầu" (do ca sĩ Tăng Duy Tân thể hiện): "Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi/ Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt".

Đề thi yêu cầu học sinh: "Trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em tâm đắc nhất được gợi ra từ những lời hát trên".

Tranh cãi việc bài hát Bên trên tầng lầu vào đề thi học sinh giỏi ngữ văn - 1
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của tỉnh Hậu Giang gây tranh cãi (Ảnh: Facebook Hậu Giang).

Ngữ liệu đề thi văn cần đảm bảo tính giáo dục và thẩm mỹ

Nhận xét về đề thi, cô Nguyễn Hải Lưu, cựu giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Gia Lập (Ninh Bình) cho rằng, những năm gần đây, việc đưa nhạc trẻ vào đề thi môn Văn không còn quá xa lạ nhưng nên đưa như thế nào thì cần có sự cân nhắc phù hợp.

Là một người vẫn luôn tâm huyết với việc đưa môn ngữ văn gần gũi với học sinh, cô Hải Lưu khá trăn trở trước ngữ liệu đề thi văn mang tính "thị trường" như thế này.

"Nhạc trẻ sẽ khiến học sinh dễ bắt nhịp, cảm nhận. Thế nên đưa âm nhạc vào đề thi cũng là cách giúp các em bồi dưỡng thêm sự yêu thích đối với môn ngữ văn. Tuy nhiên, việc lựa chọn các bài hát như thế nào để không có hiệu ứng ngược lại là một câu chuyện khác.

Việc lựa chọn lời bài hát làm ngữ liệu vào đề thi cần tuân thủ những yêu cầu như có tính giáo dục, tính thời sự, tính thẩm mỹ và có chất văn...

Đề thi kiểu này có thể thu hút sự chú ý của giới trẻ, hợp thị hiếu số đông, nhưng không có nhiều tầng ý nghĩa giá trị. Phần nghị luận xã hội cần đưa những vấn đề có tính chất cấp thiết, có tính giáo dục lâu dài để học sinh bàn luận, từ đó rút ra những bài học ứng xử trong cuộc sống".

Tranh cãi việc bài hát Bên trên tầng lầu vào đề thi học sinh giỏi ngữ văn - 2
Cô Hải Lưu cho rằng cần có sự lựa chọn các ngữ liệu thích hợp vào đề thi Văn (Ảnh: NVCC).

Kết luận lại, cô Hải Lưu cho rằng, lời bài hát trong đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn của tỉnh Hậu Giang chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa có tầng ý nghĩa của một đề Văn nên có.

Đề thi "bắt trend" khơi gợi hứng thú cho học sinh

Từng đạt điểm 10 môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bích Trâm (hiện là sinh viên Đại học Huế) chia sẻ: "Với đề thi này, trên mạng xã hội có khá nhiều những phản ứng trái chiều. Nếu đặt trong bối cảnh bài hát thì đúng là không thích hợp để đưa vào đề thi. Nhưng ở đây, đề thi chỉ đề cập đến 2 câu. Việc học sinh vận dụng hiểu biết và kiến thức, kỹ năng để phân tích 2 câu trên là đều có thể. Với những đề thi bắt trend mới lạ như thế này khơi gợi được sự hứng thú của thí sinh.

Tuy nhiên, có thể có nhiều cách lựa chọn khôn khéo hơn vì có rất nhiều bài hát có những lời ý nghĩa hơn, nhiều hàm ý sâu xa hơn để phân tích. Và đây là một kỳ thi chọn học sinh giỏi, mà đã là học sinh giỏi Văn thì việc khai thác những khía cạnh mới, những đề mới cũng là một trải nghiệm khó quên.

Nếu mình là thí sinh, khi nhìn vào đề, mình sẽ tách rời 2 câu trong bài và bối cảnh bài hát ra để làm. Và mình nghĩ rằng suy nghĩ của người ra đề cũng muốn thí sinh chỉ tập trung vào 2 câu được đề cập đến vì đề bài yêu cầu: "Trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống". Bởi thế, việc đề phù hợp hay không tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người".

Bích Trâm cũng đưa ra lời khuyên để đạt điểm cao môn ngữ văn. Theo đó, thí sinh phải có kĩ năng viết và diễn đạt đúng những quan điểm của mình. Hơn nữa, những góc nhìn độc đáo, quan điểm mới lạ có ý nghĩa cũng là một điểm cộng cho bài nghị luận xã hội.

Tranh cãi việc bài hát Bên trên tầng lầu vào đề thi học sinh giỏi ngữ văn - 3
Lời bài hát trong ca khúc "Đi về nhà" của ca sĩ Đen Vâu cũng từng xuất hiện trong Đề thi học kỳ I - lớp 12 của trường THPT Nguyễn Văn Linh, Phú Yên (Ảnh chụp màn hình).