TPHCM biên soạn SGK riêng cần đặc biệt quan tâm môn Sử

(Dân trí) - Đó là ý kiến đề nghị của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đối với ngành giáo dục thành phố trong quá trình biên soạn sách giáo khoa riêng dựa trên khung chương trình chung sẽ được áp dụng vào năm 2018-2019.

Sách giáo khoa riêng sẽ áp dụng từ năm 2018-2019

TPHCM đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho biên soạn và sử dụng sách giáo khoa (SGK) riêng bám sát khung chương trình của Bộ. Vậy việc xây dựng SGK riêng và đưa vào trường học được thực hiện như thế nào là vấn đề nhiều đại biểu HĐND TPHCM quan tâm, đặt vấn đề trong phiên chất vấn lãnh đạo ngành giáo dục trong kỳ họp thứ hai của HĐND TPHCM khóa IX.

Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trên cơ sở đề nghị của ngành giáo dục thành phố, Bộ GD-ĐT có công văn cho phép Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn bộ SGK theo khung chương trình mới.

Sách giáo khoa riêng sẽ được TPHCM sử dụng thời gian tới
Sách giáo khoa riêng sẽ được TPHCM sử dụng thời gian tới

Theo ông Sơn, TPHCM có đặc thù riêng, bộ sách đang sử dụng có nhiều nội dung cần phải cập nhật theo kiến thức thực tiễn. Cách biên soạn cũ còn nặng tính hàn lâm, kiến thức thiếu tính ứng dụng. TPHCM có lợi thế là nơi hội tụ nhiều chuyên gia đầu ngành để có thể mời tham gia vào việc biên soạn SGK. Việc biên soạn này sẽ gắn các nội dung đổi mới về lịch sử, về địa lý, một số ngôn ngữ, từ ngữ… gắn với địa phương để khi chuyển tải tới học sinh mang tính thực tiễn hơn, nhất là ứng dụng thực hành trong giai đoạn mới.

Sách sẽ biên soạn nhằm giảm tải tính hàn lâm, lý thuyết để tăng tính thực hành, ứng dụng theo hướng tích hợp, liên môn. Có thể sẽ thực hiện 8 môn học và xây dựng các tiết học đảm bảo chuyển tải khung của chương trình. Bộ SGK riêng của thành phố sẽ đưa vào thí điểm từ năm 2018-2019.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng nói thêm, việc dạy thêm học thêm trong nhà trường có liên quan rất nhiều đến kiến thức theo chương trình của bộ sách giáo khoa hiện tại cộng với việc thi cử hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hà đặt câu hỏi: Kết quả học tập của học sinh TPHCM rất đáng ghi nhận nhưng kỹ năng xã hội của các em lại có rất nhiều vấn đề. SGK mới quan tâm, đưa kỹ năng thực hành xã hội vào như thế nào?

Ông Lê Hồng Sơn trả lời, việc giảm tải nội dung hàn lâm là để học sinh có thời gian thực hành các kỹ năng là một trong những mục tiêu khi biên soạn SGK mới của TPHCM. Ngành giáo dục sẽ tăng cường các hoạt động cho học sinh trong trường học, xây dựng những tiết học về kỹ năng, năng khiếu… Vấn đề này cũng song song với việc TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT tin tưởng giao cho TPHCM trong việc xét tốt nghiệp THPT.

Quan tâm đặc biệt đến môn Sử

Sau khi nghe đại biểu chất vấn và giải trình từ người đứng đầu ngành giáo dục thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM bày tỏ trên tinh thần chung, khi biên soạn SGK riêng phải đảm bảo tính kế thừa những nội dung có ý nghĩa, phát huy tác dụng tốt. Chúng ta cần đổi mới với những nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp trên tinh thần chung là giảm tải và tăng các kỹ năng, rèn luyện, đào tạo con người toàn diện.

Thầy trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM trong chuyến đi tìm hiểu lịch sử về khu di tích Ấp Bắc (Tiền Giang)
Thầy trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM trong chuyến đi tìm hiểu lịch sử về khu di tích Ấp Bắc (Tiền Giang)

Ngành giáo dục TPHCM cần chú ý khi có chương trình khung, đảm bảo được yêu cầu của xã hội hiện nay là giảm tải chương trình. Để làm sao các em tiếp thu được kiến thức mà không mất quá nhiều thời gian. Các em còn phải nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe cho quá trình phát triển và trưởng thành cũng như có thời gian để giải trí.

Theo bà Tâm, việc dạy học không phải để khuyến khích học sinh mà phải thu hút được học sinh. Các khả năng, kiến thức để hưởng thụ âm nhạc, hội họa hay các hoạt động văn hóa văn nghệ thì đòi hỏi cả một quá trình chứ không phải tự nhiên mà có.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT trong việc biên soạn SGK đặc biệt quan tâm đến môn Lịch sử cũng như bồi dưỡng đội ngũ giáo viên làm sao khi dạy Sử là các em thích học.

“Đó là việc của ngành giáo dục chứ không phải bây giờ thấy học sinh không thích học Sử thì cho rằng là do lỗi của các em. Lỗi là của chương trình, lỗi của phương pháp nên phải tìm cách khắc phục”, bà Tâm nói.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)