Tiến sĩ Việt tại Mỹ bàn luận việc cải tiến nội dung SGK tiếng Việt lớp 1

TS. Ellie Phương Nguyễn

(Dân trí) - TS. Ellie Phương Nguyễn - Giáo sư ĐH bang Oklahoma cho biết, một khác biệt lớn với giáo dục Việt Nam là hệ thống trường phổ thông ở Mỹ không có SGK dùng cho toàn quốc.

Tiến sĩ Việt tại Mỹ bàn luận việc cải tiến nội dung SGK tiếng Việt lớp 1 - 1

TS. Nguyễn Thị Phương Dung (Ellie Phương Nguyễn).

Đề tài gây nhiều tranh cãi trong năm học mới là nội dung sách lớp 1 mới cải biên của ban biên tập SGK tiếng Việt của bộ Cánh diều xoay quanh nội dung truyện minh họa, mà nhiều nhất là truyện con cò và hai con ngựa, vì thấy ngay là nó mang màu sắc tiêu cực như “lừa lọc, khôn lõi” nhiều hơn là cổ súy sự tích cực cho các bé lớp 1, vốn như tờ giấy trắng mới bước vào trường.

Một khác biệt rất lớn với giáo dục Việt Nam là hệ thống các trường phổ thông ở Mỹ không có khái niệm SGK dùng cho toàn quốc, mà chỉ có khung chương trình chuẩn (Common Core) của mỗi bang trong đó liệt kê các nội dung và yêu cầu chính cho mỗi cấp lớp.

Còn lại thì mỗi trường và thậm chí mỗi thầy cô đứng lớp có quyền lựa chọn các sách phù hợp từ nhiều NXB, hoặc nguồn học liệu tham khảo từ các website khác nhau để triển khai các nội dung đó cho hiệu quả nhất và phù hợp với trình độ và đặc thù của học sinh trong mỗi lớp, miễn là khi đánh giá chất lượng học sinh sẽ đạt được các tiêu chí đã đề ra trong khung chương trình chuẩn (Common Core) của bang.

Còn về các tiêu chí để viết sách dùng trong dạy học (textbook), thì các nghiên cứu giáo dục ở Mỹ có đề ra các bảng tiêu chí rất rõ ràng để đánh giá chất lượng sách có đạt yêu cầu hay không, đạt đến mức nào & những chỗ nào cần cải thiện.

Nhân tiện tò mò về việc làm sao để cải thiện những hạn chế trong sách giáo khoa tiếng Việt ở Việt Nam, tôi đã thử tìm hiểu các bài báo nói về tiêu chuẩn đánh giá sách Ngữ văn từ chương trình ESL/EFL của Mỹ dành cho người học không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, trong đó có 1 bảng tiêu chí đánh giá với nhiều hạng mục & thang đo lường chất lượng khác nhau như trong hình để tham khảo & đối chiếu:

- Các tiêu chí quan trọng cần đánh giá: về 1) nội dung sách, 2) từ vựng & ngữ pháp, 3) bài tập thực hành, 4) sự hấp dẫn về nội dung, 5) phần hướng dẫn cho giáo viên, 6) sự phù hợp cho toàn bộ khung chương trình & trình độ giáo viên.

- Thang đo lường chất lượng cho mỗi hạng mục: 1-xuất sắc (excellent), 2-tốt (good), 3-vừa đủ (adequate), 4-nghèo nàn (poor), 5-hoàn toàn thiếu sót (totally lacking), 5-bắt buộc (mandatory), 6-không bắt buộc (optional), 7-không thể áp dụng (not applicable).

Để đỡ cảm tính hơn trong việc đánh giá, tôi sẽ thử phân tích tiêu chí gây tranh cãi nhiều nhất trong sách giáo khoa mới là về mục số 1) nội dung sách (content), để tìm xem vấn đề cần sửa đổi nằm ở đâu, vì cái hay của việc đánh giá có tính hệ thống là để tìm ra những cái hay để giữ lại, và phát hiện cái dở hay hạn chế để sửa đổi cho phù hợp hơn.

Tiến sĩ Việt tại Mỹ bàn luận việc cải tiến nội dung SGK tiếng Việt lớp 1 - 2

Các tiêu chí đo lường chất lượng sách Ngữ văn từ chương trình ESL/EFL của Mỹ dành cho người học không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính.

Trong hình phần đánh giá nội dung (content) có mũi tên đỏ cho mục cần sửa đổi, mũi tên xanh dương cho phần làm tốt, và xanh lá cây cho phần cần nhiều thông tin hơn để đánh giá, và lược dịch ý chính trong 5 hạng mục đánh giá:

  • Chủ đề có được trình bài logic & có tổ chức hay không? - Một điểm tốt của sách đã được chủ biên đề cập là các từ vựng của bài sau sẽ được xây dựng trên bài trước. Tuy nhiên cần xem lại toàn bộ nội dung quyển sách để đánh giá sự liền mạch xuyên suốt trong cấu trúc & nội dung các bài để giúp các em nâng cao khả năng đọc hiểu từ đơn giản đến phức tạp.
  • Nội dung có hướng đến việc học về văn hóa ngôn ngữ? - Cái này thì tôi thấy có nhiều vấn đề như chưa nhấn mạnh văn hoá đặc trưng của Việt Nam, ví dụ hình tượng con cò gian manh, thay vì lặn lội tảo tần, là rất lạ lẫm trong thơ văn Việt Nam. Dù nội dung được dựa trên các truyện ngụ ngôn nổi tiếng thế giới, nhưng khi áp dụng thì cần chọn lọc cho phù hợp với văn hoá lâu đời của dân tộc.
  • Bài đọc có chọn lọc ngôn ngữ tin cậy? - Cái này cũng rất cần cải thiện như việc dùng các từ “nhá cỏ, nhá dưa” tuy phổ biến ở nhiều vùng miền và được đề cập trong từ điển tiếng Việt, nhưng không phải là từ phổ biến trên cả nước và ngay cả từ điển cũng bao gồm trong đó đủ các loại từ vựng từ thông tục bình dân đến trí thức; mà sách giáo khoa lại dùng trên toàn quốc nên sự chọn lọc từ càng phải có độ chuẩn mực & tinh tế cao hơn để các em lớp 1 sẽ được bắt đầu từ những gì chuẩn mực nhất.
  • So sánh với các câu truyện bản địa, nội dung có chứa đựng các vấn đề đời thực để làm người đọc phải suy nghĩ phản biện đa chiều về thế giới quan? – Việc này thì có thể đạt được nếu giáo viên phân tích tốt nội dung truyện để hướng học sinh đến việc phát triển tư duy phản biện, như qua truyện con cò thì không nên dễ tin người khác mà phải biết quan sát & đặt câu hỏi để kiểm chứng thông tin, nhưng như đã nói ở mục số 2, nên chọn một loài chim khác thay vì con cò dễ gây phản cảm về văn hoá.
  • Nội dung có chọn lọc đa dạng các thể loại & nhiều cấu trúc câu? – Tiêu chí này thì đọc qua vài truyện tiêu biểu thì thấy có sự vận dụng đa dạng, từ các mẩu đối thoại đến các câu kể chuyện, liên từ, câu hỏi câu cảm thán có đủ cả. Tuy nhiên cần có thêm sự mượt mà trong cách hành văn và cấu trúc câu, để xây dựng một ví dụ tốt trong ngữ điệu câu từ những ngày đầu.

Như vậy nếu dựa trên 5 tiêu chí trong hạng mục nội dung thôi thì có 2 cái chưa được, 1 cái được, và 2 cái cần xem xét thêm.

Bên cạnh đó dĩ nhiên vẫn có rất nhiều hạng mục khác cần xem xét đánh giá như từ vựng & ngữ pháp, bài tập thực hành, sự hấp dẫn về nội dung, phần hướng dẫn cho giáo viên,v.v…

Qua đây tôi hi vọng là trong tương lai việc biên soạn SGK cần công khai rõ hơn các tiêu chí và cách thức đánh giá có hệ thống, để qua đó giúp phụ huynh và người đọc hình dung rõ hơn về cách thức xây dựng và chọn lọc nội dung thế nào cho phù hợp, đồng thời hướng đến tính nhân bản & đặc thù văn hóa dân tộc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm