Thủ tướng chỉ đạo: "Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin"

Lệ Thu

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn trường học, gắn với tiêm vắc xin cho năm học mới 2021-2022, tại hội nghị ngành giáo dục diễn ra sáng nay 28/8.

Thủ tướng chỉ đạo: Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa) chủ trì Hội nghị ngành Giáo dục tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD-ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu.

Hàng loạt câu hỏi cần được trả lời thấu đáo

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, học sinh và phụ huynh ở những nơi giãn cách xã hội đều mong muốn có câu trả lời: Khi nào các cháu được trở lại trường học bình thường? Nhiều trường lớp đóng cửa thu nhập của giáo viên nhất là hệ thống trường tư thục (ngoài công lập) và mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải có chính sách hỗ trợ thế nào?

"Tôi còn được biết nhiều thầy cô giáo phải đi bán hàng, phải làm đủ việc khác để kiếm sống nuôi đam mê với mong muốn trở lại với bảng đen, phấn trắng, với các em học sinh. Mong muốn này của các giáo viên chính đáng lắm. Ngành Sư phạm cũng khổ lắm nhưng tại sao rất nhiều người vẫn đam mê theo đuổi và khó mấy cũng không rời? Chúng ta phải tạo cơ hội cho họ cống hiến. Rất mừng là năm nay điểm vào ngành Sư phạm được tăng lên, đã có năm điểm vào ngành Sư phạm rất thấp. Sự nghiệp trồng người mà đầu vào thấp thì đúng là sẽ ảnh hưởng đến nền giáo dục của chúng ta", Thủ tướng nói.

Hàng loạt các câu hỏi trăn trở được Thủ tướng nêu ra như: Việc học sinh học trực tuyến trong thời gian dài có ảnh hưởng đến tâm lý ra sao? Các cháu đang ở độ tuổi phát triển nhưng gia đình gặp khó khăn vì bố mẹ mất việc, không có thu nhập, chất lượng bữa ăn bị ảnh hưởng… liệu có tác động đến dinh dưỡng và sự phát triển bình thường của các cháu không?

"Ngày nào cũng máy tính, ngày nào cũng không được giao lưu với xã hội, không được tiếp xúc xã hội cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý phát triển của các cháu. Điều này rất rõ ràng.

Hôm qua, tôi vào Sài Gòn rồi Đồng Nai, đến các khu nhà trọ gặp các cháu hỏi thăm, các cháu không được đi học, cả ngày quanh quẩn với bốn bức tường với bố mẹ, thậm chí là chỉ có mẹ hoặc chỉ có bố, người còn lại thì phải cách ly. Đó là vấn đề đặt ra cho chúng ta cần phải suy nghĩ. Và, nhiều phụ huynh ở vùng dịch kinh tế bị ảnh hưởng gia đình khó khăn liệu có đủ tiền đóng học phí hay không? Các cháu là con em công nhân mất việc ở khu nhà trọ khó khăn. Các con ở nhà học trực tuyến lâu ngày có ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ hay không?"

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta cần có trách nhiệm và có câu trả lời thấu đáo cho những việc này: "Chính phủ suy nghĩ, chúng tôi suy nghĩ, các đồng chí cũng phải suy nghĩ. Ngay lập tức chúng ta chưa thể đưa ra giải pháp cho phù hợp ngay được. Chúng ta vẫn phải làm thí điểm thôi, phải phát huy tinh thần sáng tạo, kết hợp đoàn kết chống dịch".

Thủ tướng cho hay, giải pháp của hội nghị tập trung vào giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, giải quyết vấn đề của kế hoạch năm học 2021-2022 và thứ hai, giải quyết các vấn đề đang còn tồn tại của ngành gắn với Nghị quyết về phát triển giáo dục 5 năm.

Thủ tướng chỉ đạo: Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự hội nghị (Ảnh: Giáo dục Thời đại).

Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em

Về kế hoạch năm học mới 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới - đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin.

Thủ tướng Phạm Minh chính khẳng định: "Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cũng tranh thủ mọi quan hệ quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vắc xin. Chúng ta đưa ra chiến lược vắc xin, bao gồm cả ngoại giao vắc xin là rất đúng. Trong đó có vắc xin cho trường học, vắc xin cho trẻ em. Về vấn đề này chúng tôi đang rất tích cực. Vừa qua, có nơi xin được vắc xin, có nơi vay được vắc xin, có nơi mượn được vắc xin".

Trường học trở lại hoạt động bình thường là mong ước của tất cả các học sinh sinh viên, giáo viên và phụ huynh học sinh. Việc này, Chính phủ đang triển khai theo hướng: Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em.

Bộ Y tế căn cứ vào khoa học và quy định của độ tuổi tiêm các loại vắc xin để tính toán, phân bổ kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp. Ví dụ vắc xin nào được nhiều nước sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trong thời gian tới khi nhập khẩu vắc xin về, chúng ta sẽ dành vắc xin đó để tiêm cho trẻ em.

Thứ hai, trẻ em ở độ tuổi 12 tuổi trở lên có thể trở lại trường học một cách bình thường nếu được tiêm vắc xin.

Về trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin và thuốc chữa bệnh thì chúng ta cũng sẽ sớm tiếp cận vấn đề này và làm việc sớm với các dự án và thúc đẩy nghiên cứu trong nước để trong thời gian tới có loại vắc xin phòng chống dịch cho các cháu.

Bộ GD-ĐT tính toán nhu cầu của từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm vắc xin sớm nhất cho các cháu. Học sinh được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể đi học bình thường kèm với các biện pháp chống dịch khác, như một số nước trên thế giới hiện nay đang làm.

"Chẳng hạn như khi tôi đàm phán với Phó Chủ tịch nước Thụy Sĩ, nước họ chỉ có khoảng hơn 5 triệu dân thôi thì việc tiêm vắc xin của họ sẽ đơn giản, còn Việt Nam gần trăm triệu dân trong bối cảnh là một nước đang phát triển thì khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên chúng ta phải khắc phục điều này.

Tôi đã đàm phán với Tổng giám đốc các hãng vắc xin lớn về vấn đề sản xuất vắc xin cho trẻ em và nhiều nước cũng đề nghị giúp đỡ chúng ta về vấn đề này. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để các cháu có thể được tiêm vắc xin sớm nhất.

Còn đối với giáo viên, chúng ta phải rà soát lại nơi nào thiếu vắc xin cho giáo viên thì phải bổ sung thêm để sớm cho giáo viên được tiêm vắc xin bước vào năm học mới", Thủ tướng lưu ý.

Theo đó, việc tiêm vắc xin cần đảm bảo các điều kiện vật chất và các biện pháp chống dịch khác để đảm bảo học sinh trở lại trường bình thường hoàn toàn. Đối với các địa phương không có dịch ở vùng xanh thì chủ động phương án quay lại trường học cho các em, có biện pháp kiểm soát, sàng lọc và phòng chống dịch phù hợp.

"Như tôi đã nói ban đầu, cái này không thể chủ quan được. Đừng lơ là, chủ quan và thấy rằng mình đã có một số kinh nghiệm chống dịch trước đó thì bây giờ áp dụng. Vì biến chủng này hoàn toàn khác. Nói tóm lại, dù có vắc xin và các biện pháp chống dịch nhưng chúng ta không thể được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không được thỏa mãn với những gì chúng ta đã làm được", Thủ tướng nêu rõ.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đối với vùng đỏ và vùng vàng - tức là các vùng mà dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì giải pháp trước mắt là học sinh sẽ học bằng hình thức trực tuyến. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có các chương trình dạy và học phù hợp. Các lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn, không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập và không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị thất học trong cuộc chiến phòng chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ vì ngày tựu trường năm nay các em không được đến trường mà chỉ được gặp thầy cô và bạn bè qua máy tính là thiệt thòi lớn. Nhưng đây cũng là một dịp để chúng ta ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học tốt hơn.

Thủ tướng chỉ đạo: Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin - 3

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Giáo dục Thời đại).

Học sinh học trực tuyến trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sinh lý và kiến thức, vì vậy khi quay trở lại trường, đề nghị các thầy cô giáo quan tâm đến các cháu để đảm bảo mỗi ngày đến trường là một niềm vui, bù lại cho các cháu những gì thiệt thòi trong quá trình thực hiện chống dịch.

"Đối với các cháu đang học trực tuyến thì càng phải được quan tâm. Tôi đánh giá rất cao nhiều trường lớp, thầy cô đã có các chương trình vừa học - vừa chơi để các con hứng thú với việc học hành và chấp hành việc giãn cách xã hội.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cũng nên tìm ra biện pháp để giảm căng thẳng của các em học sinh. Chẳng hạn, có thể có đường dây nóng để hướng dẫn, hỗ trợ tâm sinh lý cho trẻ em qua đường dây nóng nhất là trong đại dịch này".

Đưa hướng dẫn chống dịch vào hệ thống truyền thông giáo dục

Thủ tướng cũng đề nghị, đưa hướng dẫn chống dịch, cách chống dịch thường xuyên vào trong nhà trường qua hệ thống truyền thông một cách kịp thời, thích hợp. Đối với học sinh, sinh viên gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch cần triển khai miễn giảm học phí để các cháu không bị ảnh hưởng dịch bệnh vì nghèo mà không được đến trường.

"Ngoài ra, nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do nhà trường phải đóng cửa, nhất là các hệ thống trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ qua Nghị quyết 86 của Chính phủ. Các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu có chính sách nghiên cứu hỗ trợ thêm cho giáo viên, học sinh một số trường đặc thù. Tức là, ngoài chính sách chung thì phải có chính sách đặc thù. Tôi đề nghị các đồng chí quan tâm.

Trong đại dịch nhiều gia đình không có thu nhập nên ảnh hưởng đến bữa ăn và chế độ dinh dưỡng của các cháu đặc biệt là ở độ tuổi đang phát triển cần có chính sách hỗ trợ các trường bổ sung bữa ăn bán trú hoặc hỗ trợ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để phát triển thể chất tốt hơn cho các cháu".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra lại các hệ thống trường bán trú dân nuôi để nghiên cứu thấu đáo để phát triển hệ thống trường này phù hợp với các địa phương. Bởi vì cũng có một số nơi, một số lúc trường bán trú dân nuôi chưa được quan tâm, chưa được tổng kết cho thấu đáo.  Điều này rất cần ở khu vực miền núi, đặc biệt là với con em dân tộc. Nếu con em dân tộc không có bán trú dân nuôi sẽ thất học rất nhiều. 

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng kêu gọi thầy cô, toàn thể phụ huynh học sinh nêu cao tinh thần chống dịch: "Mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người và tất cả vì tương lai con em chúng ta. Phòng, chống dịch vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi người".