Thủ khoa kể bí quyết "nhặt" điểm thi tốt nghiệp THPT

Hoài Nam

(Dân trí) - Ngoài việc nắm chắc kiến thức, để nhặt được nhiều điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thủ khoa tiết lộ cần nhiều bí quyết không có trong sách giáo khoa

Tại chương trình Đối thoại với thủ khoa 2022 do một trung tâm gia sư vừa tổ chức, thủ khoa đại học khối C, B, D đang theo học tại các trường ĐH ở TPHCM đã chia sẻ kinh nghiệm để "nhặt" được nhiều điểm trong kỳ thi quan trọng sắp tới. 

Thủ khoa kể bí quyết nhặt điểm thi tốt nghiệp THPT - 1

Thủ khoa toàn quốc và thủ khoa các trường đại học chia sẻ biết quyết "nhặt" điểm thi (Ảnh: TP).

Là thủ khoa toàn quốc khối C năm 2020 với số điểm 29,25, chàng sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV TPHCM Nguyễn Hữu Hưng, chia sẻ 2 yếu tố quan trọng khi vào phòng thi làm bài môn văn: Đọc kỹ đề và phân bổ thời gian hợp lý. 

Trước khi đặt bút làm bài, Hưng khuyên thí sinh đọc hết đề có thể nằm ở nhiều trang giấy để tránh việc sót. Với thời gian làm bài 120 phút, Hưng thường phân bổ thời gian theo tỷ lệ: "25 - 25 - 70", trong đó, 25 phút đầu dành cho câu học hiểu, 25 phút tiếp theo dành cho câu nghị luận xã hội và 70 phút cuối để làm câu nghị luận văn học. 

Chàng thủ khoa chia sẻ: "Khi làm bài, thí sinh đừng chờ viết hết giấy thi rồi mới xin tiếp tờ giấy tiếp theo, mà hãy xin khi viết còn vài dòng của trang. Khi nhận tờ giấy thi khác, hãy tiếp tục làm bài thay vì dừng lại đừng điền vào phần thông tin. Như vậy, thí sinh vừa không bị mất thời gian chờ đợi vừa không bị mất mạch văn".

Liên quan đến đề thi, Thủ khoa Trường ĐH Y dược TPHCM năm 2020 Tô Minh Thư cho rằng, nhiều bạn thí sinh thường lơ là phần lý thuyết, các bạn học giỏi cũng có thể xem nhẹ. Nhưng theo Thư, điển hình như môn hóa, lý thuyết có thể chiếm đến 60%, hãy ôn kỹ để "nhặt" điểm tối đa. 

Thí sinh cũng cần liên kết kiến thức, không chỉ kiến thức trong sách giáo khoa mà cần hiểu và vận dụng khi làm bài mới có thể đạt được điểm tốt nhất.

Với kinh nghiệm của mình, Minh Thư cho rằng nhiều thí sinh vừa cầm đề, đọc mấy câu đầu thấy khó, dễ hoảng. Nhưng thật ra, sắp xếp trong đề thi chỉ mang tính tương đối, thí sinh cứ bình tĩnh đọc kỹ đề, câu nào dễ mình làm trước, phần khó để sau, giành thời gian kiểm tra lại bài làm của mình.  

"Đọc kỹ đề, làm chậm lại một chút xíu, chậm mà chắc" là chia sẻ của Trần Văn Thanh Quang, sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM, thủ khoa khối B năm 2021. 

Khi làm bài thi, theo Quang, nhiều thí sinh có tâm lý cứ làm xong rồi quay lại kiểm tra, nhưng khi đó có thể bị áp lực thời gian, rất khó để kiểm tra kỹ lưỡng. Cách chắc ăn nhất là làm đến đâu kỹ đến đó - Quang đưa lời khuyên.

Chàng trai giải nhì cấp thành phố môn sinh học, đạt huy chương bạc môn hóa năm lớp 10 chia sẻ, thí sinh đừng nên chỉ tập trung vào giải các câu dạng bài tập để mong đạt điểm cao mà quên đi các câu lý thuyết cơ bản. Nên đọc kỹ, học kỹ, phân tích kỹ từng câu, từng dòng, thậm chí là từng chữ trong sách giáo khoa để có được nền tảng kiến thức vững nhất. 

Vào thời điểm ôn thi nước rút, Hồ Mỹ Anh, nữ sinh ĐH KHXH&NV TPHCM, thủ khoa khối D14 với 26,85 điểm cho rằng, thí sinh hãy tập trung ôn theo chủ đề để nắm kiến thức tốt nhất có thể. 

Với môn ngoại ngữ, Mỹ Anh nhấn mạnh, hãy học kỹ từ vựng. Có những câu ngữ pháp mình không nắm rõ nhưng nếu biết từ vựng có thể đoán được nói về cái gì. 

Thủ khoa kể bí quyết nhặt điểm thi tốt nghiệp THPT - 2

Các thủ khoa đều nhấn mạnh đến kỹ năng đọc kỹ đề khi làm bài thi (Ảnh: TP).

Đặc biệt, Mỹ Anh nhắn nhủ đàn em, đừng chỉ tập trung vào ngữ pháp mà quên trong phần thi có bài đọc - phần mà nhiều bạn thường bỏ qua, không ôn luyện kỹ vì dài, khó hiểu. Tuy nhiên, đây là câu có thể lấy rất nhiều điểm.

Mỹ Anh bộc bạch: Khi đọc đề sẽ có những câu thí sinh trúng tủ, nhưng nếu bạn quá tập trung vào một phần thì có thể mất điểm khi không kịp xử lý các phần khác.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 8/7, trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của khoảng 1 triệu thí sinh. 

Các bài thi vẫn được giữ nguyên như những năm gần đây với 3 bài độc lập: toán, văn, ngoại ngữ, cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và Khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Nội dung thi vẫn nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn văn thi tự luận, tất cả các môn còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan.