Thư du học sinh Nhật Bản: "Chúng tôi sẵn sàng đối mặt!"

Cho dù bất kỳ ở thành phố nào của Nhật Bản, cho dù là lớp mẫu giáo, tiểu học, hay lên đến đại học, bài học đầu tiên mà bạn được dạy sẽ là cách đối phó và ứng xử trong thảm họa. Khi mặt đất rung chuyển, bạn sẽ làm gì đây?

Chúng tôi đã được học thế này:

Nếu bạn đang ở trong phòng kín:
- Ngồi xuống sàn nhà hoặc chui xuống một gầm bàn/giường… những khung vững chắc để chống đỡ đồ vật rơi mà vẫn tạo khoảng trống để trú nấp và có khí thở. Nhớ giữ trong tư thế sẵn sàng di chuyển dưới vật cản.
- Tránh những nơi nguy hiểm như gần cửa sổ, bên dưới những vật treo trên trần nhà, đồ nội thất có chiều cao lớn (gương, tủ…) hoặc những đồ dể rơi vỡ.
- Nếu mất điện, dùng đèn pin, điện thoại để chiếu sáng, đừng dùng nến hay diêm, vì chúng có thể gây hỏa hoạn.
- Không nên dùng thang máy.

Nếu đang đi trên đường:
- Hãy tránh xa các tòa nhà lớn, cột điện, cây cối... và di chuyển ngay tới vị trí thoáng đãng  để ngồi hoặc nằm sát xuống đường.
 - Khi đang lái xe, ghé vào lề đường và dừng lại. Nếu là ôtô, bật nhạc to hết cỡ, mở các cửa kính và ở lại trong xe cho đến khi hết chấn động.

Nếu đang ở nơi đông người:
- Không nên đổ xô đến lối ra. Tránh xa những kệ hàng chứa các vật dễ rơi. - Ngồi lại trong ghế, dùng tay bảo vệ đầu. Đừng nên di chuyển cho đến khi hết chấn động. Nếu thấy mọi thứ đã ổn, rời khỏi đó một cách trật tự.

Trong chuỗi thảm họa của Nhật Bản, theo Iesha, cô bạn người Mỹ hiện đang học tập tại Nhật cùng tôi thì tsunami (sóng thần) thực sự có sức tàn phá cực kỳ khủng khiếp khi quét qua và hủy diệt cả 3 thành phố ven biển của Nhật. Sóng thần có thể coi là một hiện tượng hy hữu, chỉ xảy ra sau những trận động đất cực lớn, nhưng hậu quả nó để lại rất ghê gớm. Với Iesha, người đã trải qua động đất nhiều lần, cô nàng cũng tự tích cóp cho mình một số kinh nghiệm đối phó với sóng thần:

- Cách nhận biết sóng thần: Động đất là dấu hiệu đầu tiên, sau đó mực nước biển thường rút đi rất nhanh trước mỗi trận sóng thần. Ngoài ra, các loài động vật sẽ nhanh chóng rời khỏi khu vực này hoặc tụ tập thành đàn tìm nơi ẩn nấp.
- Khi sóng thần ập vào, hãy lập tức tiến sâu vào đất liền, di chuyển đến những vị trí cao và khô ráo như vùng đồi núi.
-Trong trường hợp sóng thần đến quá nhanh, không kịp di chuyển, hãy leo lên những tòa nhà cao, vững chãi và bám chắc trên nóc nhà.
- Nếu bị nước cuốn trôi, kể cả biết bơi, bạn hãy bám vào ngay những vật dụng có thể nổi được như thân cây, đồ làm bằng gỗ nổi…
- Sau khi sóng rút đi, đừng quên đề phòng những đợt sóng khác rất có thể tràn vào sau đó, bằng cách tìm một chỗ trú ẩn an toàn và tìm cách liên hệ với đội cứu hộ.

Trận mưa lớn trưa ngày 15/3 tại Hà Nội đã khiến không ít bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải “sóng thần đã tới Việt Nam” hay “trận mưa lớn này là mưa axit?”. Hiện nay, rất nhiều bạn bè của tôi tại trường APU vẫn đang ở phía Nam Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.000km. Và đây vẫn là khoảng cách an toàn bởi phóng xạ chưa thể bay xa đến thế, nói gì đến chuyện “vượt biển” sang Việt Nam? Tuy nhiên, dù vậy chúng tôi vẫn luôn được học cách sẵn sàng đối phó nếu rò rỉ phóng xạ xảy ra:

- Khi được cảnh báo trước, nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực nhiễm phóng xạ càng nhanh và càng xa càng tốt. Còn nếu bạn bị bất ngờ, hãy lập tực tìm một nơi trú ẩn trong những tòa nhà xây bằng gạch hoặc bê tông.
- Tìm cách liên lạc bằng điện thoại, radio hay thậm chí bằng Facebook để biết rõ tình hình bên ngoài.
- Nếu vô tình bạn đi vào vùng nhiễm phóng xạ, hãy tạm tránh xa những người khác và tự vệ sinh cho mình: 
+ Cởi bỏ quần áo cho vào một bao nhựa và buộc kín lại.
+ Tắm bằng thật nhiều xà phòng và nước để loại bỏ chất phóng xạ, nhưng lưu ý đừng làm trầy xước da.
+ Không dùng dầu xả tóc vì nó dễ gây kết dính chất phóng xạ vào tóc.
+ Nhẹ nhàng lau mũi, mí mắt, lông mi, tai bằng khăn sạch thấm nước.
- Sau đó hãy liên hệ với cơ quan chức năng và bệnh viện gần nhất để được khám tổng thể và đảm bảo an toàn cho những người xung quanh bạn

Theo SVVN