Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ

Mỹ Hạnh

(Dân trí) - Nữ sinh học viện Báo chí và Tuyên truyền Thùy Linh dùng thơ ca để nói lên những vấn đề xã hội.

Trút bầu tâm sự qua những dòng thơ

Thùy Linh hiện là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đồng thời, cô cùng là chủ nhân của Blog "Tâm sự của Dưa" với hơn 61 nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội. Linh nhận được sự chú ý của đông đảo các bạn trẻ nhờ những bài thơ viết về hiện thực xã hội sâu sắc.

Khi nhắc đến sự ra đời "Tâm sự của Dưa", Thùy Linh chia sẻ, từ những ngày bé, cô đã thường xuyên được bà đọc cho nghe rất nhiều thơ. Cứ như vậy, tình yêu thơ trong cô đã lớn lên từng ngày.

"Đúng như cái tên, "Tâm sự của Dưa" là nơi mình trút những tâm sự, những vui buồn của mình qua thơ. Và rất vô tình, nó lại được khá nhiều người chú ý tới. Dần dần, mình không viết chỉ cho mình nữa mà mình viết cho tất cả mọi người", Thùy Linh cho hay.

Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ - 1

Một số bài thơ của Thùy Linh được độc giả thích thú đón nhận (Ảnh: Blog "Tâm sự của Dưa").

Sử dụng những vấn đề "nóng" của xã hội làm chất liệu

Từ những ngày còn nhỏ, Thùy Linh đã chứng kiến khá nhiều những sự thật trần trụi của cuộc sống. Điều này đã khiến cô cảm thấy mình trưởng thành sớm so với những người bạn đồng trang lứa và phong cách sáng tác cũng có phần khác biệt hơn.

"Dạo gần đây, khá nhiều bạn trẻ chọn lối sáng tác thơ theo hướng đáng yêu và tích cực nhưng mình lại chọn một lối đi khác hơn một chút. Có thể là do bản thân là người học báo nên mình cũng muốn đưa nhiều thực trạng xã hội, những câu chuyện hơi giật gân, nóng hổi một chút vào thơ", thi sĩ Gen Z nói.

Nguồn cảm hứng sáng tác của Linh phần nhiều đến từ chính những câu chuyện mà cô đã chứng kiến và cảm nhận từ tuổi ấu thơ:

"Một đứa trẻ không bao giờ biết ốm

Một đứa trẻ ăn gì cũng thấy ngon

Một đứa trẻ chưa bao giờ đòi hỏi

Một đứa trẻ quen những lối đường mòn.

Đứa trẻ ấy lớn lên trong con phố

Đối diện nhà quán mờ ảo sớm hôm

Chị chân dài, anh mực xăm qua lại

Họ phát ra những câu chữ vần "ồn".

Đứa trẻ ấy được nhìn đời rất sớm

Được bao bọc bởi chiếc khóa than đen

Đứa trẻ ấy biết sai và biết đúng

Biết phận tôi, phận tớ, phận sang hèn".

Bài thơ "Đứa trẻ" của Thùy Linh đã thu về tới 29 nghìn lượt yêu thích. Sau khi đăng tải, nhiều độc giả chia sẻ rằng họ cũng có một tuổi thơ không hề trọn vẹn giống như "đứa trẻ" trong bài.

Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ - 2

Nguồn cảm hứng sáng tác của Linh phần nhiều đến từ chính những câu chuyện mà cô đã chứng kiến và cảm nhận (Ảnh: T.L).

Nhân vật chính của bài thơ là một đứa trẻ với tuổi thơ không đẹp. Nhưng sau những khó khăn và tàn khốc mà nó đã chứng kiến, đứa trẻ ấy vẫn lớn lên, trở thành một người tốt, bất chấp những vết sẹo trong tâm lý từ những ngày bé.

Một bạn đọc chia sẻ câu chuyện dưới phần bình luận: "Khung cảnh trong bài thơ của bạn, giống hệt nơi mình từng sống. Mình khi còn nhỏ không dậy sớm theo ba mẹ, mỗi ngày ba mẹ đi làm thì đều sẽ khóa trái cửa bên ngoài để mình ở trong phòng trọ.

Khu mình ở khá là phức tạp, hay có các thuyền đánh cá ra vào nên các thuyền viên hay lên khu mình mua sắm, ăn chơi, hút chích và mại dâm. Các vụ đâm chém, đánh nhau diễn ra hàng ngày. Và dù là một tuổi thơ sống trong khu tệ nạn đi chăng nữa, mình vẫn ổn".

Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ - 3

Nhiều chủ đề nóng được Thùy Linh đưa vào thơ (Ảnh: T.L).

Những vấn đề mà nhiều người vẫn "né" như tình dục, hiếp dâm... đều được Thùy Linh đưa vào thơ một cách tinh tế. Một số bài thơ như "Váy hoa, kẹo ngọt, gã ba mươi", "Dục ái", "Họ thì thầm"... nhận được sự quan tâm lớn.

Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ - 4

Một đoạn trích trong bài thơ "Váy hoa, kẹo ngọt, gã ba mươi" (Ảnh: T.L).

Bài thơ "Váy hoa, kẹo ngọt, gã ba mươi" nói về vấn nạn xâm hại tình dục đã khiến nhiều người xót xa cho số phận những đứa trẻ phải gánh chịu những tổn thương quá lớn về cả thể chất lẫn tinh thần. Nhiều bạn đọc đã mở lòng chia sẻ về câu chuyện bản thân đã gặp phải trường hợp đó và nhận được những lời an ủi, động viên đến từ mọi người.

Mong muốn những gì mình viết ra sẽ đem lại nhiều giá trị cho mọi người

Dù những bài thơ về góc khuất của xã hội nhận được khá nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng, Thùy Linh lại tâm sự rằng bản thân cô không muốn đăng tải quá nhiều nội dung có phần hơi tiêu cực.

"Khi mới bắt đầu viết, có một điều mình khá sợ, đó là những lời văn mình viết ra có thể gây ra ngộ sát cho người khác. Mình lo rằng khi mình viết về những điều tiêu cực, các độc giả lại đọc được khi họ đang ở trong trạng thái rất tệ".

Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ - 5

Thùy Linh mong muốn những gì mình viết ra sẽ mang lại giá trị cho mọi người (Ảnh: NVCC).

Bởi vậy mà dưới phần bình luận của những bài đó, Thùy Linh luôn để lại những bình luận động viên mọi người hãy suy nghĩ tích cực hơn:

"Không ngờ là có nhiều người có tuổi thơ giống mình như thế, không phải buồn hay trách móc quá khứ đâu mà mình cảm thấy biết ơn nhiều hơn. Đứa trẻ ngày ấy tuy có tuổi thơ không trọn vẹn nhưng nó đã mạnh mẽ mà lớn lên, không hư hỏng, không sai lầm.

Cảm giác khoảng thời gian ấy đã cho mình sự chín chắn hơn, sâu sắc hơn và "già" hơn, cũng hạn chế bị cám dỗ hơn nữa. Không có nó chưa chắc đã có Thùy Linh hôm nay cũng như bài thơ này. Và cũng xin cảm ơn những đứa trẻ ngày ấy đã ghé thăm và chia sẻ lòng mình ở đây nha, chúng mình mạnh mẽ lắm luôn đó.

Nghe hơi đau lòng một chút nhưng chuyện gì hơi tồi tệ mình cũng đều trải qua rồi, chuyện này cũng vậy. Nên mình hy vọng ai đó đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục cũng sẽ vượt qua được nỗi ám ảnh này".

Thùy Linh mong muốn những gì mình viết ra sẽ phải mang lại giá trị cho mọi người, tránh những câu từ sáo rỗng và quá tiêu cực. Nỗi buồn trong thơ dù mang lại nhiều cảm xúc xót xa, vẫn phải mang một ý nghĩa nhất định, phản ánh được cuộc sống, tình cảm của con người.

Ngừng so sánh bản thân và viết nhiều hơn

Làm công việc sáng tác, việc bí ý tưởng diễn ra khá thường xuyên với Linh. Nguyên nhân xuất phát từ việc đôi khi, Linh nhận quá nhiều công việc bên ngoài, dẫn đến quá tải công việc.

Thùy Linh chia sẻ, "Thời gian đầu, đôi khi mình ép bản thân phải viết khá nhiều. Dần dần, mình suy nghĩ về việc làm thế nào để tìm tòi ra ý tưởng mới. Mình nhận thấy việc ép bản thân như vậy sẽ khiến mình áp lực hơn.

Thay vào đó, mình cứ thong thả và mặc kệ nó trong những ngày bí ý tưởng. Khi mình có tâm trạng ổn nhất mà không áp lực, thì ý tưởng sẽ tự khắc bật ra. Bên cạnh đó, mình có thể đi tìm nó bằng cách nghe nhạc, xem phim.

Có những lúc mình tới những nơi đông người, quan sát cuộc sống vội vã trước mặt mình, nhìn những gì họ làm, lắng nghe những gì họ nói, từ đấy ý tưởng sẽ dần dần đến với mình".

Thi sĩ Gen Z hút độc giả nhờ đưa những câu chuyện thời sự vào thơ - 6

Để cảm thấy hạnh phúc với bản thân, điều cần thiết nhất là biết bản thân mình là ai (Ảnh: NVCC).

Hiện nay có rất nhiều các bạn trẻ muốn bắt đầu theo đuổi sự nghiệp sáng tác, nhưng lại chần chừ do những áp lực đồng trang lứa, thường so sánh bản thân với người khác. Linh cho rằng việc viết thơ là tiếng nói riêng, người làm thơ cũng là những cá thể riêng biệt, vậy nên cô rất ít khi nào để bản thân rơi vào trạng thái áp lực khi so sánh với người khác.

Để cảm thấy hạnh phúc với bản thân, điều cần thiết nhất là biết bản thân mình là ai, xác định được rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết thay đổi và hài lòng với những gì mình đang có. So sánh bất cứ thứ gì trên đời thì đều mang lại kết quả khập khiễng, so sánh bản thân mình và người khác cũng vậy.