Thanh Hóa: Đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng để nâng cao chất lượng giáo dục

Trần Lê

(Dân trí) - Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có quyết định ban hành chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 với nhu cầu kinh phí hơn 6.600 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu của Thanh Hóa là tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, hằng năm có học sinh đạt giải quốc tế; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, lối sống và kỹ năng...

Thanh Hóa: Đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng để nâng cao chất lượng giáo dục - 1

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 là gần 6.620 tỷ đồng (Ảnh: Thanh Tùng).

Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, điểm nghẽn, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục của các địa phương và của tỉnh trong thời gian tới; cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, lĩnh vực được giao.

Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, bảo đảm tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành giáo dục; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục đã được chỉ ra, nhất là bệnh thành tích trong giáo dục, công tác cán bộ, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục; khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh quản lý giáo dục các cấp học. Thực hiện việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm, bảo đảm dân chủ, khách quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế tinh giản biên chế đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên không đáp ứng yêu cầu, yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ.

Đổi mới công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục theo hướng thực chất và hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá của các nhà trường, các giải pháp thực hiện cải tiến chất lượng.

Xây dựng và triển khai Đề án "sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh", tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu so với biên chế tỉnh giao năm 2021. Thực hiện tốt việc sử dụng, bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết đối với các cấp học, môn học còn thiếu giáo viên nhưng không đủ nguồn tuyển dụng. Xây dựng quy định điều động, luân chuyển giáo viên có thời hạn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn, giải pháp được đưa ra là xây dựng phương án tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Ngoài ra, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như: Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm tại các trường đại học trên địa bàn, gắn với nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên; xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành đào tạo giáo viên ở các trường đại học hàng đầu trong nước và nước ngoài về dạy học tại các trường phổ thông trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi. Trong đó, xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở khu vực miền núi phù hợp với yêu cầu thực tiễn...

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 là gần 6.620 tỷ đồng.