Tâm sự của một nhà giáo về phong trào “Hai không”

(Dân trí) - “Tôi mạo muội gửi tới Bộ trưởng những dòng này vì lương tâm không cho phép tôi thờ ơ trước số phận các học sinh yếu kém đang bị “bỏ rơi” trong cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” hiện nay”.

Đó là lời tâm sự của thầy giáo Dương Văn Thuận, giáo viên trường THCS Phước Long - quận 9, TPHCM - gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư dài hơn 2.000 từ nói về thực trạng số lượng học sinh yếu kém ngày càng gia tăng hiện tay.

 

Đừng đỗ lỗi cho phong trào “Hai không”.

 

Tôi được biết tại “Hội nghị đối thoại thường niên giữa Bộ GD-ĐT và các nhà tài trợ” diễn ra ngày 29/01 vừa qua ở Hà Nội, Bộ trưởng đã phát biểu: “Chúng tôi vui khi tỷ lệ học sinh giỏi giảm và trung bình, kém tăng, vì chúng tôi đang tập trung chống bệnh thành tích trong giáo dục…”

 

Câu nói này trên cương vị Bộ trưởng là nhà quản lý để chứng minh với các đối tác, thì sự vui mừng đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng trên cương vị của người làm thầy, tôi cứ suy nghĩ mãi! Không hưởng ứng với cuộc vận động đương nhiên là một thái độ đáng chê trách. Nhưng vui vì bắt được nhiều em ngồi nhầm lớp liệu có “cổ súy” cho việc thẳng tay trừng trị học sinh? Đó có phải là thái độ tích cực duy nhất trong giáo dục hiện nay không?

 

Kết quả của học kỳ I vừa qua ở trường tôi và các nơi, tỉ lệ học sinh yếu kém gia tăng rất đáng kể. Tất cả đều đổ lỗi cho học sinh và ca tụng (hoặc đổ thừa) là kết quả tất yếu của cuộc vận động.

 

Thật ra theo tôi, cuộc vận động chỉ có tác dụng đưa ra ánh sáng sự yếu kém đã tồn tại hàng bao nhiêu năm nay! Điều đáng buồn là hiện nay, mọi người đều hả hê hoặc bối rối trước con số trên nhưng chưa ai tự hỏi rằng “Vì sao yếu kém nhiều đến thế? Hệ thống giáo dục của chúng ta đã vận hành ra sao? Có lỗi hoặc hỏng hóc gì không?...”

 

Tại sao chúng ta không tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân cụ thể chứ không phải đổ cho “bệnh thành tích” một cách chung chung. Nhằm tìm ra giải pháp để sữa chữa mà cứ chăm chăm vào việc loại bỏ toàn bộ các sản phẩm bị “lỗi”! Đó là phẩm chất tốt của nhà sản xuất nhưng lại là thái độ thiếu trách nhiệm của các cấp “đào tạo” vì dẫu sao sản phẩm của họ là một con người!

 

Câu chuyện “Nửa ổ bánh mì” và bài toán giải pháp

 

Chuyện kể rằng, có hai bà mẹ cùng ẵm con đến gặp nhà thông thái để tìm được một lời khuyên cho con của họ được khoẻ mạnh như những đứa trẻ khác vì cả hai đứa bé đều bị suy dinh dưỡng rất nặng.

 

Nhà thông thái đã đưa ra lời khuyên là nên cho hai đứa trẻ mỗi ngày ăn một ổ bánh mì và sau ba tháng hãy quay lại đây.

 

Ba tháng sau, hai bà mẹ đều ẵm con đến. Đúng hẹn, cả hai đều ẵm con đến. Tình trạng đứa trẻ thứ nhất có vẻ còn tồi tệ hơn trước… Bà mẹ òa khóc: “Nó vẫn chẳng chịu ăn. Tôi đã tìm mọi cách để nó phải ăn đúng lời ngài dạy. Thậm chí cả đánh đập, bắt ép… Nhưng rồi nó cứ nôn ra”.

 

Nhìn đứa bé thứ hai đang tung tăng chạy nhảy, tuy không bụ bẫm như những đứa trẻ khỏe mạnh khác nhưng rõ ràng nó đã hoạt bát hẳn lên. Bà ngậm ngùi nói với người kia:

 

- Chị thật may mắn, thằng bé còn chịu ăn.

 

- Không! Cháu nó cũng vậy. Mỗi khi thấy ổ bánh là khóc thét lên không chịu ăn…

 

- Vậy chị làm cách nào?

 

Bà mẹ thứ hai nở nụ cười tươi tắn, hạnh phúc nói:

 

- Nhìn nó ngày càng yếu hẳn đi, thương quá nên tôi cố gắng dụ dỗ, chỉ cho cháu ăn… nửa ổ bánh mì!

 

Nhìn ánh mắt cầu cứu của bà mẹ thứ nhất, nhà thông thái thở dài:

 

- Ta chỉ có thể cho biết “phải làm gì”. Còn “nên làm gì”, trái tim người mẹ sẽ mách bảo cho các người.

 

Qua câu chuyện này chúng ta có thể xem tình trạng học sinh yếu kém hiện nay là một dạng “Suy… kiến thức” trầm trọng. Các em không còn khả năng tiếp thu và “tiêu hóa” những kiến thức mới. Nguy hiểm hơn cả hiện nay đã có biến chứng tâm lý khiến các em chán học và buông xuôi tất cả!

 

Một số địa phương đã tổ chức việc “sáng học chính khóa, chiều học bổ sung” hòng giúp các em “ngồi nhầm lớp” lấy lại căn bản để tiếp tục việc học. Theo tôi nghĩ, giải pháp này mang tính xoa dịu dư luận và lương tâm của mình hơn là một giải pháp thiết thực cho học sinh. Cái mà học sinh yếu đang cần là tiếp thu một lượng kiến thức vừa phải để có thể “tiêu hóa” được chúng, chứ không phải là bổ sung thêm.

 

Nếu xem nội dung cần truyền đạt theo chương trình và SGK thống nhất của Bộ GD-ĐT ban hành trên cả nước mà học sinh phải tiếp thu hàng ngày là một ổ bánh mì thì rõ ràng ổ bánh này “khá to” đối với các học sinh bình thường và “quá khổ” đối với những học sinh yếu.

 

Có thể cung cấp “Nửa ổ bánh mì” trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh yếu hay không? Bằng cách nào?

 

Rõ ràng là được nếu chúng ta xác định mục tiêu bài dạy cho chính xác.

 

Thành thật mà nói từ trước đến nay việc soạn giáo án nói chung chỉ chủ yếu phục vụ cho việc kiểm tra của cấp quản lý. Do đó, hầu hết các phần mục trong đó, kể cả mục tiêu đều chủ yếu thể hiện năng lực của giáo viên chứ chưa thể hiện được khả năng tiếp thu của học sinh đối với bài dạy.

 

Cộng với kết quả khá giỏi “ảo” của học sinh, nên tất cả các mục tiêu đều nhằm phục vụ cho đối tượng này. Chính vì thế, đa số giáo viên cứ theo quán tính mà thực hiện. Lớp chọn cũng như lớp thường, học sinh giỏi cũng như học sinh yếu, kém tất cả đều bình đẳng nhai một ổ bánh mì như nhau. Từ đó dẫn đến các em yếu kém không thể tiếp thu nên chán nản buông xuôi.

 

Thật sự chúng ta chưa có mục tiêu phù hợp với đối tượng. Từ đó dẫn đến nội dung truyền đạt, phương pháp giảng dạy, kể cả kiểm tra đều đòi hỏi quá cao! Tất yếu , các em không có khả năng đáp ứng và bị loại bỏ!

 

Tuy “Sách giáo khoa” là pháp lệnh nhưng thật sự việc truyền đạt kiến thức cho học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu mà từng giáo viên đề ra.

 

Đương nhiên việc thay đổi mục tiêu hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến giảm tải nội dung truyền đạt. Điều này thật sự tạo ra nhiều vướng mắc trong giáo viên. Liệu bớt bao nhiêu thì vừa? Số lượng kiến thức cung cấp bao nhiêu là đạt chuẩn tối thiểu?... Trả lời được câu hỏi này có lẽ chỉ các chuyên viên phụ trách bộ môn.

 

Ở đây tôi chỉ nêu một ý kiến chung. Có lẽ chúng ta chỉ cần “Cung cấp cho học sinh kiến thức tối thiểu nhất mà các em cần phải có để bảo đảm đủ năng lực theo cấp lớp học”.

 

Vấn đề băn khoăn nhất của giải pháp này là liệu nó có rơi vào bệnh thành tích hoặc tạo điều kiện cho tiêu cực trong kiểm tra thi cử xuất hiện hay không?

 

Trước tiên, phải khẳng định một điều rằng có hay không có giải pháp này, bệnh thành tích và tiêu cực vẫn âm ỉ tồn tại. Do đó, có rơi vào bệnh thành tích hay tiêu cực hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và lương tâm của giáo viên.

 

P.V (lược soạn)