Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự

Quang Trường

(Dân trí) - Nhiều sự kiện giáo dục nóng tuần qua như tin đồn tại Trường Quân sự Quân khu 7, chuyện xin học sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, quà Tết, luyện chữ đẹp, phương án tuyển sinh của gần 30 trường đại học.

Tin đồn thất thiệt tại Trường Quân sự Quân khu 7

Vào tối 11/1, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin thời điểm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) học quân sự tại Trung tâm GDQP&AN, Trường Quân sự Quân khu 7, có 2 nữ sinh bị xâm hại trong trung tâm. Sau đó, 2 nữ sinh đã tự tử và một người chết, một người bị thương nặng.

Ngay trong tối 11/1, Trung tâm GDQP&AN, Trường Quân sự Quân khu 7 đã gửi công văn cho Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM khẳng định: "Một số trang mạng xã hội Facebook, Zalo đã lan truyền thông tin thất thiệt kèm theo clip phản ánh không đúng sự thật về hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM tại Trung tâm GDQP&AN, Trường Quân sự Quân khu 7".

Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự - 1
Nhiều thông tin liên quan nữ sinh HUFLIT lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Trả lời PV Dân trí vào tối 11/1, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cũng cho biết, đây là tin đồn thất thiệt.

Đến ngày 12/1, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TPHCM cho biết, thông tin phát tán liên quan 2 nữ sinh HUFLIT bị xâm hại là tin giả.

Chiều ngày 12/1, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM và Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức họp báo liên quan đến sự việc trên.

Tại buổi họp báo, nữ sinh trực tiếp quay clip cho biết, cảm thấy hối lỗi vì clip bị cắt ghép, thông tin không đúng sự thật được lan truyền trên mạng xã hội.

Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự - 2
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (ngoài cùng bên phải) cùng hai nữ sinh liên quan đến vụ việc tham gia họp báo (Ảnh: Hải Long).

Theo nữ sinh này, tối 10/1, em có ca gác đêm và đang trực cùng với một bạn khác thì nghe tiếng la hét ở khu đối diện. Vì tính tò mò nên em dùng điện thoại quay lại. Đoạn clip này, nữ sinh gửi cho 2 người bạn, trong đó có một bạn nam.

Em này khẳng định, mình không đăng clip và nội dung nữ sinh bị hiếp dâm lên mạng xã hội.

Đại tá Hà Công Chờ, Phó Chính ủy Quân khu 7 cho biết, tại Trường Quân sự Quân khu 7, mỗi một phòng sinh hoạt của các em có 18 người, nhiều phòng liền với nhau, nhiều tầng.

"Không có chuyện xảy ra việc hiếp dâm, chết người. Báo chí hoàn toàn có thể xác minh, đối chiếu với bạn sinh viên mất tiền và bạn sinh viên quay clip", Đại tá Hà Công Chờ nói.

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Sơn - Chủ nhiệm Trường Chính trị Quân khu 7, tối 10/1, các bạn sinh viên chung phòng khoảng 18-20 người/phòng có xảy ra việc mất tiền và nghi ngờ bạn nữ tên H.

"Các bạn khác gặng hỏi khiến bạn H. nghĩ mình bị nghi ngờ nên kích động tâm lý, la hét. Cán bộ đến đưa về phòng để ổn định tâm lý. Mời phụ huynh lên nắm tình hình và đưa con về chăm sóc tại nhà", Đại tá Nguyễn Tiến Sơn nói.

Mất "lệnh bài" sổ hộ khẩu, phụ huynh lo trái tuyến, chuyển trường

Theo quy định, từ ngày 1/1, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng, nhiều phụ huynh băn khoăn việc đăng ký tuyển sinh vào lớp 1 cho con sẽ ra sao?

Các trường sẽ căn cứ vào đâu để phân tuyến tuyển sinh bởi theo quy định trước đây, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục bắt buộc khi học sinh nộp hồ sơ vào đầu cấp.

Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự - 3
Sổ hộ khẩu giấy bị "khai tử" từ ngày 1/1/2023 (Ảnh: Công an Hà Nội).

Trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ công an trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú chỉ là hình thức quản lý bằng giấy tờ và khi Luật Cư trú có hiệu lực thì chuyển sang hình thức quản lý bằng số hóa.

Điều này đồng nghĩa mọi thông tin cư trú và quan hệ trong hộ gia đình đều cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.

Tương tự, việc đăng ký tuyển sinh ở các trường cũng được thực hiện trên máy tính sau khi nguồn dữ liệu phân bổ cho giáo dục được đẩy về cho các trường.

Trường hợp đủ điều kiện nhập khẩu về Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ không cấp sổ hộ khẩu nữa mà cập nhật thông tin trên hệ thống và cấp giấy thông báo kết quả.

Theo đó, người dân có thể yêu cầu nhà trường khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp, nhà trường chưa đảm bảo việc khai thác cơ sở dữ liệu, người dân sẽ trình giấy thông báo kết quả nêu trên để xin học cho con.

Như vậy, việc "khai tử" hộ khẩu giấy không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, quy định phân tuyến học sinh vào lớp 1, lớp 6 bởi tất cả được cập nhật cụ thể trên mạng.

Nhiều phụ huynh cho rằng, sổ hộ khẩu chính là cách "chắc ăn" nhất để học sinh được xét tuyển đúng tuyến. Lâu nay, sổ hộ khẩu là cơ sở quan trọng để các địa bàn phân tuyến trường học cho học sinh. Việc "khai tử" sổ hộ khẩu làm nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình có hộ khẩu ngay tại các khu vực trường điểm lo lắng con mình sẽ bị giảm cơ hội vào những ngôi trường ưng ý theo tuyến và lo ngại việc chuyển trường...

Vậy thủ tục nhập học đầu cấp sẽ ra sao khi "khai tử" hộ khẩu giấy?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, với thủ tục nhập học cho học sinh, phụ huynh cần xuất trình giấy thông báo mã số định danh cá nhân của học sinh và giấy xác nhận thông tin về cư trú là có thể chứng minh được thông tin nhân thân của học sinh, làm cơ sở nhập học theo quy định.

Gần 30 trường ĐH công bố phương án tuyển sinh năm 2023

Từ tháng 12/2022 tới nay, 28 trường đại học trên cả nước đã công bố thông tin ban đầu về phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2023.

Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự - 4
28 trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tại báo cáo giao ban quý IV tuyển sinh và đào tạo năm 2022 khối đại học và cao đẳng sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh năm 2023. Trong đó, Bộ khuyến cáo các trường xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù).

Tất cả các phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.

Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các trường rà soát những phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Luyện viết chữ đẹp: "Nét chữ nết người" hay là gánh nặng

Theo quan niệm "Nét chữ nết người", đối với một số phụ huynh rèn chữ cũng là rèn nết. Tuy nhiên, số phụ huynh khác cho rằng việc luyện chữ tuy không hại, nhưng cũng không mang lại quá nhiều lợi ích.

Cho rằng việc luyện chữ là bài học cơ bản và quan trọng của trẻ, vì vậy chị Trần Hồng Nhung (TPHCM) đã tạo lập thói quen luyện chữ cho con ngay từ khi con còn nhỏ.

Chị Nhung cho rằng việc để con rèn chữ là một cách khổ luyện giúp con hình thành tính nhẫn nại và chịu khó, nếu kiên trì rèn sẽ đạt được kết quả tốt.

Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự - 5
Chị Nhung cho rằng việc con viết chữ đẹp và cẩn thận rất quan trọng (Ảnh minh họa: P.N.L).

"Từ ngày xưa, người ta đã quan niệm nhìn nét chữ biết tính người nên tôi luôn để tâm vấn đề này.

Việc rèn chữ ở tiểu học không chỉ để chữ đẹp mà còn để rèn tính cẩn thận tỉ mỉ của trẻ, nên tôi vẫn luôn khuyến khích con làm điều đó. Tôi tin đó là kỹ năng cần thiết để tạo nên tính cách và thói quen tốt cho con", chị Nhung chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Nhung, chị Nguyễn Minh Hòa (Thái Bình) cũng cho rằng nên coi trọng việc rèn luyện chữ đẹp cho con trẻ ở bậc tiểu học.

"Trẻ nhỏ đến cái chữ là cái đầu tiên học, đầu tiên làm. Không phải tính toán mà còn không nắn nót được, không cẩn thận được thì làm sao chắc chắn khi học môn toán, hóa, sinh... con có thể kiên nhẫn để học, cẩn thận và chăm chỉ để học được", chị Hòa nói.

Bên cạnh đó, cũng có một số phụ huynh cho rằng rèn chữ là việc làm cần nhưng không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian.

Tán thành với quan điểm của những phụ huynh trên, tuy nhiên chị Mai Anh (Hà Nội) cho rằng bài học về sự kiên nhẫn không phải chỉ gắn liền với việc nắn nót từng chữ.

"Ai mà ko mong muốn con mình viết đẹp viết đúng. Tôi biết viết theo kiểu mẫu phải có chuẩn ô li, độ cao độ rộng của riêng từng chữ, nhưng áp dụng thực tế thì hơi khó.

Nếu phụ huynh hoặc giáo viên quá chú trọng tới mặt hình thức đó thì chỉ khiến các con mất hứng thú với việc học, cản trở việc tiếp nhận thông tin", chị Mai Anh bày tỏ.

Phụ huynh này khẳng định việc luyện chữ đẹp không sai nhưng không nên để việc đó "lấn chiếm" quỹ thời gian của các thứ kiến thức, kỹ năng cần thiết khác của con bậc tiểu học như là hoạt động tập thể, làm việc nhóm, ứng xử, hoạt động thể chất.

Theo chị Nguyễn Thanh Huyền (TPHCM), yêu cầu phải viết chữ đẹp là không thực tế, vì mỗi đứa trẻ mỗi khác, có đứa viết không đẹp nhưng vẽ đẹp, đứa khác không vẽ đẹp nhưng hát hay đồng nghĩa không thể mọi đứa trẻ đều có thể viết đẹp được.

"Con tôi mới vào lớp 1 mà cháu phải viết theo cô nhiều lúc tới sưng cả tay. Nhiều lúc chưa kịp viết bài về nhà, đến lớp thì cô giáo la, con sợ viết kinh khủng.

Viết liên tục trong suốt từ 4-5 tiếng cho một buổi luyện chữ thì người lớn viết nhiều thì còn đau tay, huống chi mấy bé nhỏ", chị Thanh Huyền chia sẻ.

Quan tâm đến vấn đề này, bạn đọc Bùi Tiên Phong bình luận: "Tôi thấy viết đẹp chẳng có tác dụng gì, đừng ép buộc là được, phải nắn nót tốn thời gian, mà mục đích cũng chỉ là ghi chép lại thông tin, nếu ghi chép theo lời người nói mà nắn nót thì sẽ ghi được bao nhiêu?"

Bạn đọc Minh Tài Bùi cho rằng, chữ viết miễn sao nhìn rõ ràng, thẳng hàng thẳng lối, không lem nhem là được. Thời gian luyện chữ đẹp nên để cho trẻ học kỹ năng, vui chơi cho có tuổi thơ.

Chuyện phong bì chúc Tết giáo viên

Chuyện chúc Tết giáo viên bằng phong bì cũng thu hút nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau đến từ các giáo viên và phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) - một giáo viên tiểu học tại Hà Nội kể lại, ngày giáp Tết, một học sinh xách túi quà to lên bục giảng và dõng dạc: "Thưa cô cho em nộp". Cô Nga hỏi: "Em nộp gì?". Học sinh này đáp: "Thưa cô em không biết, bố mẹ em bảo đưa cho cô".

Mở chiếc túi, cô Nga thấy một giỏ quà Tết và chiếc phong bì trắng, không ghi bất kỳ thông tin gì. Cô gửi lại học sinh và dặn em mang về cho bố mẹ, "Cô cảm ơn nhưng cô không biết bố mẹ nhờ em đưa cho cô làm gì?", cô Nga nói.

Tâm điểm giáo dục tuần qua: Tin đồn ở trường quân sự - 6
Thầy cô khó xử trước phong bì chúc Tết của phụ huynh (Ảnh minh họa: D.T).

Buổi tối hôm đó, mẹ của học sinh này gọi điện giải thích đây là quà Tết, do gia đình bận nên không trực tiếp tặng cô được.

"Nhưng tôi kiên quyết không nhận. Tôi bảo nếu anh chị bận thì chỉ cần gọi điện chúc Tết tôi là được. Anh chị tặng quà mà một dòng chữ chúc mừng năm mới cũng không có.

Chúng tôi chỉ mong nhận được những món quà chân thành. Quà Tết giáo viên bằng phong bì cũng không hẳn là tiêu cực, nhưng phụ huynh đừng đưa chúng tôi vào thế bị động, giơ cây roi lên dạy các em mà nghĩ tới món quà lại phải hạ cây roi xuống", cô Nga nói.

Liên quan đến vấn đề này, bạn đọc Ai Tran Van bình luận: "Ngày xưa tôi đi học chỉ biết kính trọng thầy cô, học hành chăm chỉ là tri ân thầy cô rồi. Gia đình tôi có gặp thầy cô, ba tôi cũng khoanh tay chào kêu thầy đàng hoàng. Thời tôi đi học đố ai dám tặng gì cho thầy cô vì sẽ bị thầy cô mắng, giảng đạo đức ngay".

Thầy Đinh Văn Dũng - giáo viên toán tại Thái Nguyên luôn lấy lý do về quê, bận sắm sửa cho Tết, đi chúc Tết để "trốn" những món quà Tết chúc riêng của phụ huynh, học sinh vì khó xử trước chiếc phong bì.

Thầy Dũng cho biết, những lần không trốn được, để không mất lòng ai, thầy chỉ nhận giỏ quà và tìm bằng được chiếc phong bì giấu trong giỏ để mừng tuổi lại học sinh.

Có những phụ huynh gửi phong bì cho người nhà thầy. Thầy cất giữ món quà, ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết, thầy chọn con em của những phụ huynh đó lên bảng làm bài tập và lì xì cho các em bằng số tiền mà bố mẹ các em gửi.

Khác với thầy Dũng, cô Lê Thùy Phương - giáo viên tiểu học tại Hà Nội không từ chối bất kỳ món quà, chiếc phong bì chúc Tết nào. Tuy nhiên, giáo viên này chỉ nhận quà trước Tết và nói rõ với học sinh và phụ huynh rằng, món quà này không chỉ dành tặng cô.

Ngày đi học cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết, cô Phương chia đều số quà, tiền phong bì và trao cho những em có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Những học sinh này về nghỉ Tết với túi quà là hộp bánh, mứt, lon bia, nước ngọt kèm theo chiếc lì xì đựng từ 200-500 nghìn đồng tiền mặt.

Lì xì nhiều hay ít tùy vào quà mà cô Phương nhận được. Cô cũng trích một phần phong bì để mua bánh kẹo cho các em liên hoan cuối năm.

Chia sẻ với Dân trí, bạn đọc Thi Nhan Nguyen bình luận: "Vẫn có thầy cô, tấm lòng trong sáng vẹn tròn chữ tâm, thương trò thương cả phụ huynh, quà mừng thì nhận tiền thì không nhé".

Bạn đọc Khu Nguyễn Tiến bình luận: "Tôi nghĩ rằng chiếc phong bì thì không xấu, nó cũng đại diện cho vật chất như nhiều hình thức quà tặng khác. Nó chỉ xấu khi người tặng dùng với mục đích và động cơ không trong sáng".