Sợ thất nghiệp, “tạm lánh” vào Sư phạm?

(Dân trí) - Lo thất nghiệp khi ra trường, không ít học sinh “lái” sở thích của mình sang những ngành nghề mà các bạn cho rằng dễ kiếm việc. Trong đó, ngành Sư phạm được nhiều học trò thành phố chọn làm nơi "tạm lánh”.

Việc cử nhân ra trường khó xin việc tác động lớn đến tâm lý chọn ngành nghề của học sinh
Việc cử nhân ra trường khó xin việc tác động lớn đến tâm lý chọn ngành nghề của học sinh

Thích kinh doanh nhưng chọn… Sư phạm

Tại chương trình tư vấn mùa thi ở trường, một số học sinh (HS) Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TPHCM) chia sẻ dự định làm hồ sơ thi vào Sư phạm bởi lý do: Các ngành nghề khác đang khó xin việc, trong khi đội ngũ giáo viên ở TPHCM đang thiếu nên ra trường dễ xin việc hơn. 

Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM tham gia buổi tư vấn tại trường về ngành Sư phạm
Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM tham gia buổi tư vấn tại trường về ngành Sư phạm
 
“Em thích Quản trị kinh doanh nhưng những năm gần đây ngành này ra trường khó xin việc, thất nghiệp nhiều nên em cân nhắc thi vào Sư phạm”, một nữ sinh tên Linh bày tỏ.

Trong khi đó, em N.H.D có ý định thi ngành Kinh tế từ năm lớp 10 cũng đang lung lay bởi nỗi lo thất nghiệp. D. cho biết, chị họ mình cử nhân kinh tế, tốt nghiệp bằng giỏi ra trường hơn một năm nay vẫn chưa xin được việc. Điều này trở thành rào cản cho mong muốn từ lâu của D. và em đang cân nhắc việc thi vào ngành Sư phạm của ĐH Sài Gòn.

Nhiều HS hỏi thẳng, bản thân vẫn muốn theo học ngành nghề mình yêu thích. Nhưng điều các em quan tâm, nếu ra trường không xin được việc theo lĩnh vực đó thì có thể đi dạy học hay không? Cần học thêm những gì?

Ôm nỗi lo khó xin việc làm, Nguyễn Mạnh T. (HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TPHCM) bộc bạch, em vẫn quyết định thi vào ngân hàng. Và dự định của T., khi ra trường nếu không xin được việc đúng chuyên ngành sẽ học thêm về nghiệp vụ Sư phạm để đi dạy học.

Sư phạm không phải là nơi "tạm lánh”

Gửi lời khuyên cho học trò thích những ngành nghề khác nhưng vì lo thất nghiệp mà chọn Sư phạm, ThS Huỳnh Tổ Hạp (Trưởng phòng đào tạo ĐH Sài Gòn) cho hay, nếu các em thật sự xác định được đam mê, sở thích của mình thì hãy mạnh theo đuổi công việc đó. Dù kinh tế khó khăn, thị trường vẫn có nhu cầu tuyển dụng, điều quan trọng là bản thân phải thật sự yêu thích, có khả năng để đáp ứng được yêu cầu.

Học sinh cần xác định đam mê và tìm hiểu rõ khi chọn nghề giáo
Học sinh cần xác định đam mê và tìm hiểu rõ khi chọn nghề giáo.

Đối với ngành Sư phạm, theo ThS Huỳnh Tổ Hạp, điều quan trọng nhất là người học phải thật sự yêu nghề mới có thể theo đuổi, gắn bó lâu dài. Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý, đầu vào Sư phạm đang có xu hướng tăng, nhiều ngành điểm đầu vào cao, HS cần cân nhắc năng lực của mình.

Chọn Sư phạm vì những lý do… khách quan chứ không xuất phát từ sở thích thật sự của người học không phải đến nay mới có. Thực tế đã không ít người bước vào ngành Sư phạm không xuất phát từ đam mê thôi thúc, không hề hiểu về công việc của mình mà đơn giản vì được miễn giảm học phí, gia đình ép buộc hoặc vì... không có khả năng để vào ngành khác. 

Cũng vì vào nghề Sư phạm không từ đam mê kéo theo nhiều hệ lụy như sinh viên bỏ học giữa chừng hoặc khi ra trường không thể theo đuổi công việc, chán nản khi đi dạy học, làm trái ngành nghề. Chưa kể, một số trường Sư phạm trong quá trình đào tạo phải “ôm” thêm công việc…. tiếp lửa yêu nghề cho người học như một cách “chữa cháy”.

ThS Vũ Thị Lụa (giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TPHCM) cho rằng, HS cần được định hướng nghề nghiệp bắt đầu từ chính sở thích, năng lực, nhu cầu bản thân và nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Người học phải hiểu rõ công việc mình theo đuổi. Từ cơ sở đó, sẽ thu hút được nhiều em có đam mê, năng lực vào Sư phạm và hạn chế được tình trạng nhiều em chọn nghề không thích rồi lại phải hoay hoay tìm cách giải quyết hậu quả.

Cử nhân ra trường thất nghiệp đã tác động lớn đến tâm lý chọn ngành nghề của các thí sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhân sự nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất nghiệp chính là do các em lựa chọn nghề nghiệp không đúng khả năng, sở thích. Chọn nghề theo "mốt" hoặc theo kiểu "tạm lánh", người học càng khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn thất nghiệp do nghề yêu thích thì không có chuyên môn, nghề được đào tạo lại không đúng sở thích. 

Hoài Nam