Sinh viên nghiên cứu thành công chống bệnh bạc lá lúa cho người nông dân

Tuyết Nga

(Dân trí) - Đó là đề tài "Nghiên cứu chế tạo hạt nano bạc chitosan và thử nghiệm hoạt tính in-vitro với vi khuẩn gây bệnh bạc lá trên cây lúa" thực hiện bởi các sinh viên Khoa Công nghệ nông nghiệp.

Hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là tránh sự tổn thất nặng nề của bệnh bạc lá đối với người nông dân, đề tài "Nghiên cứu chế tạo hạt nano bạc chitosan và thử nghiệm hoạt tính in-vitro với vi khuẩn gây bệnh bạc lá trên cây lúa" thực hiện bởi các sinh viên Khoa Công nghệ nông nghiệp (Trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt giải Nhất tại hội nghị sinh viên nghiên cứu cấp trường.

Sinh viên nghiên cứu thành công chống bệnh bạc lá lúa cho người nông dân - 1

Nhóm sinh viên nghiên cứu.

Giảm gánh nặng mất mùa cho bà con nông dân

Với mục đích vì cộng đồng và tính ứng dụng cao nên đề tài do nhóm sinh viên Lê Trọng Đức, Nguyễn Thị Phương Huê và Lê Thị Vân được đề cử tham dự hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐH Quốc gia Hà Nội.

Qua quá trình tìm hiểu thông tin, các thành viên nhận thấy bệnh bạc lá trên cây lúa có thể gây giảm đến 50% năng suất dẫn đến mất mùa, trong khi việc sử dụng các loại thuốc hóa học lại làm cho vi khuẩn kháng thuốc và gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Xuất phát từ trăn trở đó, nhóm nghiên cứu đã tìm hướng nghiên cứu nhằm giảm gánh nặng mất mùa do bệnh bạc lá lúa cho người nông dân.

"Hạt nano bạc và chitosan là vật liệu thân thiện với môi trường, chúng đều có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm và kích thích sinh trưởng. Từ đó, việc kết hợp hai vật liệu này để tạo nên hạt nano bạc chitosan với tiềm năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh bạc lá lúa", đại diện nhóm nghiên cứu Lê Trọng Đức khẳng định.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, quan trọng là việc sử dụng các loại thuốc an toàn sinh học để phòng trừ bệnh hại giúp nâng cao giá trị của cây lúa, đồng thời còn bảo vệ được sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng và môi trường. Điều quan trọng là nghiên cứu này sẽ là tiền đề, chất xúc tác cho các nghiên cứu sâu hơn về việc sử dụng các loại thuốc an toàn sinh học thay cho các loại thuốc hóa học để hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

"Bắt đầu từ tháng 3/2020 đến nay, nhóm đã triển khai và thực nghiệm thành công với kết quả, tổng hợp được hạt nano bạc chitosan với các kích thước khác nhau trong đó đã tối ưu tỉ lệ các chất trong phản ứng. Đồng thời, khảo sát khả năng kháng khuẩn của hạt nano bạc chitosan với chủng vi khuẩn gây bệnh bạc lá và kết quả cho thấy vùng ức chế tăng theo nồng độ hạt nano bạc và xác định được nồng độ ức chế và diệt khuẩn", Lê Trọng Đức chia sẻ thêm.

Sinh viên nghiên cứu thành công chống bệnh bạc lá lúa cho người nông dân - 2

Các thành viên trong nhóm đều là những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và lần đầu tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học.

Vượt khó để hưởng trái ngọt khoa học

Các thành viên trong nhóm đều là những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và lần đầu tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học nên không tránh khỏi những khó khăn về kiến thức, kỹ năng thực hành, phương pháp nghiên cứu... Đặc biệt là diễn biến phức tạp của Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ cũng như quá trình nghiên cứu của nhóm. Nhưng dưới sự dẫn dắt của TS. Lê Thị Hiên - Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp và TS. Hoàng Thị Giang - Phó giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp), nhóm nghiên cứu đã từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả khả quan.

Thời gian đầu giãn cách xã hội, nhóm đã tìm hiểu thông tin về đề tài và trao đổi bằng các buổi họp trực tuyến để sẵn sàng cho giai đoạn thực nghiệm. Khi hết giãn cách xã hội, các thành viên trong nhóm đã tận dụng tối đa thời gian trống giữa các giờ học ở giảng đường để thay phiên nhau đến phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật làm thực nghiệm. 

Khi Nhà trường triển khai học tập trực tuyến, nhóm nghiên cứu bắt đầu viết báo cáo về các kết quả, kết hợp với việc tìm hiểu và đọc thêm các tài liệu cũng như trao đổi trực tuyến với giảng viên hướng dẫn để nghiên cứu sâu hơn về đề tài.

"Với mong muốn đạt kết quả tốt nhất trong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thử nghiệm hạt nano bạc chitosan để quản lý bệnh ở cây lúa (thử nghiệm trên đồng ruộng). Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ thử nghiệm các ứng dụng của hạt nano bạc chitosan này trong lĩnh vực bảo quản nông sản và nảy mầm hạt", Lê Trọng Đức chia sẻ.