Sinh viên Lào háo hức khi lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam

Tiến Thành

(Dân trí) - Khác với các bạn đồng hương sẽ trở về nước, không ít sinh viên người Lào đã quyết định ở lại Quảng Bình để trải nghiệm không khí đón Tết cổ truyền cùng những người bạn Việt Nam.

Latxaphon Xokamnouay (SN 2000) là chàng sinh viên người Lào đang theo học ngành Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Đại học Quảng Bình. Đến nay, chàng trai người Lào này đã sinh sống và học tập tại Quảng Bình được 5 năm.

Dịp Tết Nguyên đán 2023, khi những người bạn đồng hương hối hả với túi đồ, hành lý trở về quê sau những tháng ngày học tập xa nhà thì Latxaphon Xokamnouay chọn ở lại đón Tết cùng thầy cô và những người bạn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên chàng sinh viên người Lào đón Tết Việt nên tỏ ra rất háo hức.

Sinh viên Lào háo hức khi lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam - 1

Chàng sinh viên Latxaphon Xokamnouay cùng bạn đồng hương người Lào đang theo học tại Đại học Quảng Bình.

"Em đã học tập tại Quảng Bình 5 năm nhưng chưa khi nào được trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của người Việt Nam, đây là năm cuối trong chương trình học tập nên em quyết định ở lại. Những ngày qua em rất háo hức và thích thú khi thấy phố phường nhộn nhịp, người dân bày bán nhiều cây cảnh, hoa Tết rất đẹp", Latxaphon Xokamnouay nói.

Latxaphon Xokamnouay chia sẻ, bên cạnh những kiến thức quý giá trong quá trình học tập, ở Việt nam, chàng sinh viên người Lào còn được khám phá rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là các bãi biển, bởi nước bạn không có.

Dịp Tết, Latxaphon Xokamnouay cũng đã lên lịch đầy đủ cho những ngày ở lại Việt Nam để đến chúc Tết thầy cô và đón năm mới cùng những người bạn Việt Nam với mong muốn có những trải nghiệm đầy lý thú.

Sinh viên Lào háo hức khi lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam - 2

Dịp Tết, Latxaphon Xokamnouay cũng đã lên lịch đầy đủ cho những ngày ở lại Việt Nam để đến chúc Tết thầy cô và đón năm mới cùng những người bạn Việt Nam.

"Em cũng đã về nhà một người bạn cùng lớp để ăn tất niên, cùng gói bánh chưng. Khi biết em là người Lào, mọi người chào đón rất nhiệt tình. Ở Lào bọn em cũng có bánh chưng nhưng cách gói là hình tam giác chứ không phải hình vuông như ở Việt Nam. Em thật sự rất vui khi được đón Tết ở đây", Latxaphon Xokamnouay chia sẻ.

Cũng như Latxaphon Xokamnouay, nữ sinh Sengsoukkha Keot (SN 2003) trong dịp Tết này cũng đã quyết định ở lại Việt Nam. Hiện Sengsoukkha Keot đang học dự bị tiếng Việt để phục vụ cho việc theo học ngành y tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình.

"Em vừa sang Việt Nam được một năm, vì nghe nói Tết cổ truyền ở Việt Nam rất vui nên em và một số bạn đã xin gia đình ở lại. Ở Lào Tết cổ truyền là vào tháng 4, do vậy em muốn dành thời gian này để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, nơi em theo học trong những năm tới", Sengsoukkha Keot chia sẻ.

Sinh viên Lào háo hức khi lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam - 3

Nữ sinh Sengsoukkha Keot (bên phải) cùng bạn học trải nghiệm không khí Tết Việt Nam.

Theo chia sẻ của một số sinh viên người Lào, khi biết các em ở lại, rất nhiều người bạn Việt Nam đã ngỏ lời mời về nhà đón Tết cùng. Ai cũng háo hức chờ đợi đến Tết Nguyên đán để cảm nhận xem Tết Việt Nam giống và khác gì so với Tết Bun Pi May của đất nước triệu voi.

Trao đổi với Dân trí, thầy Nguyễn Đình Hùng - Trưởng Phòng khoa học công nghệ và đối ngoại, Trường Đại học Quảng Bình cho biết, trong năm học 2022-2023, Trường Đại học Quảng Bình có 141 lưu học sinh Lào học tập.

"Tết Nguyên đán năm nay có 12 em người Lào ở lại trường đón Tết cổ truyền Việt Nam. Để các em đón Tết vui tươi, đầm ấm, nhà trường cũng đã lên kế hoạch để tổ chức các hoạt động đón Tết ý nghĩa", thầy Hùng nói.

Sinh viên Lào háo hức khi lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam - 4

Các thầy cô giáo dặn dò, giới thiệu để sinh viên người Lào hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hóa Tết của người Việt Nam.

Theo thầy Hùng, trong dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, các bạn sinh viên Lào luôn nhận được sự quan tâm từ các ban, ngành, đoàn thể với nhiều hoạt động như: Nấu bánh chưng, các trò chơi… và đều nhận được quà Tết.

Đây là những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, ấm tình người, góp phần tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Giúp sinh viên người Lào hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hóa Tết của người Việt Nam, gắn kết các du học sinh, tạo cầu nối truyền đi thông điệp tích cực và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với nước bạn Lào.