Sinh viên giỏi cũng có thể bị loại nếu không có khả năng thích ứng

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong thời gian tới, khi xã hội biến động mạnh hơn, sinh viên giỏi cũng có thể bị loại và có khả năng bị đẩy vào nhóm yếu thế nếu không có khả năng thích ứng.

Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi trò chuyện "Xu hướng việc làm và nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh bình thường mới" trong khuôn khổ Ngày thực tập và việc làm TPHCM, do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức trong hai ngày cuối tuần qua. 

Sinh viên giỏi cũng có thể bị loại nếu không có khả năng thích ứng  - 1

Sinh viên tham dự Ngày thực tập và việc làm TPHCM của ĐH Kinh tế TPHCM (Ảnh: T.N).

Ngày hội năm nay thu hút 5.000 sinh viên tham gia nhiều hoạt động như phỏng vấn thử, hoạt động tuyển dụng trực tiếp 1:1, tuyển dụng online ...đến từ 42 doanh nghiệp, tập đoàn.

Các chuyên gia tuyển dụng khẳng định, sau đại dịch Covid-19 hàng loạt cơ hội việc làm mở ra cho người lao động. Cơ hội tập trung nhiều ở các lĩnh vực  y hóa, y sinh, y tế, vận tải, logistics, lĩnh vực truyền thông, tài chính ngân hàng, bất động sản, xây dựng... 

Nhưng cơ hội luôn đi cùng thách thức. Thị trường lao động ở trạng thái "bình thường mới" đặt ra nhiều yêu cầu với người lao động đòi hỏi mỗi người phải thích ứng để tránh bị hụt hơi cũng như bị đào thải. 

ThS Nguyễn Văn Hóa, Khoa quản trị, trường ĐH Kinh tế TPHCM bày tỏ, từ đại dịch Covid-19, trên toàn cầu đang có một từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong mọi lĩnh vực là "bất ổn". Điều này tác động trực tiếp đến tuyển dụng và việc làm, đến hành vi của doanh nghiệp và của ứng viên. Xã hội thay đổi bắt buộc người lao động phải thay đổi để thích ứng. 

Quá trình tiếp xúc, làm việc với sinh viên, ThS Nguyễn Văn Hóa đánh giá có khoảng 70% sinh viên chấp nhận sự thay đổi và số còn lại không thích ứng kịp. 

Theo ông Hóa, sinh viên đang ngồi trên giảng đường, ngồi ở hội trường này hôm nay nằm trong nhóm 5% dân số ưu thế của xã hội. Nhưng không có nghĩa điều đó sẽ được giữ vững, có người có thể lên top 1% nhưng có nhiều không thích ứng được bạn sẽ bị đào thải. 

Vị giảng viên này cảnh báo, các bạn sinh viên cần cẩn thận nếu mình tự tin quá với những thành công trong quá khứ. Một đến hai năm tới, khi xã hội  biến động mạnh hơn, sinh viên giỏi cũng có thể bị loại và có khả năng bị đẩy vào nhóm yếu thế nếu không có khả năng thích ứng. 

Nói về xu hướng trên thị trường lao động hiện nay, theo ThS Nguyễn Văn Hóa lao động phổ thông bắt đầu trở thành yếu thế khi dần dần bị thay thế, rất nhiều hoạt động đã không cần đến yếu tố con người.  Khối văn phòng, ngày sẽ càng đòi hỏi rất cao hàng loạt kỹ năng như công nghệ, hình ảnh, khả năng trình bày... yêu cầu người lao động phải trau dồi, bổ sung. 

Ông Trương Công Trung, Trưởng phòng nhân sự Unilever Việt Nam lưu ý, năm nhất, năm hai ở giảng đường chính là thời gian vàng để sinh viên chuẩn bị cho những chặng đường sau đó và sự nghiệp của mình. 

Các bạn cần có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, tư duy để khi có cơ hội là mình sẵn sàng nhảy ngay "lên con tàu đang chạy", không có sự chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ không thể bắt nhịp kịp. 

Và đặc biệt , ông Trung nhấn mạnh, trên quá trình này, bên cạnh khả năng thích ứng, các bạn trẻ cần kiên nhẫn, kiên trì để vượt qua những khó khăn, thách thức. Nếu gặp khó khăn nhỏ mà đã bỏ cuộc, dừng lại thì các bạn không thể đi tới đích.