"Rẽ sóng" gieo chữ nơi ốc đảo

Nguyễn Duy Bài, ảnh: Nguyễn Tú

(Dân trí) - Thấu hiểu được những khó khăn vất vả của các em nơi "ốc đảo" xã Hữu Khuông, Tương Dương (Nghệ An), nhiều năm qua, các thầy cô giáo vẫn lặng lẽ "rẽ sóng" để gieo chữ cho các em.

Con đường độc đạo

Vì đã có hẹn từ trước nên sáng sớm, anh Lương Văn Bù - người có 15 năm lái xuồng trên dòng sông Nậm Nơn gọi điện thúc dục để vào xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An). Từ trung tâm huyện, để vào bến Thượng Lưu nằm trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ phải mất chừng 30 phút. 

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 1

Để đến trường thầy cô giáo phải đi xuồng mất hơn 2 giờ đồng hồ.

Khi vừa đến bến, anh Bù cất cao giọng gọi khách: "Nhanh lên cho kịp chuyến các anh ơi, trời sắp trưa rồi". Đoàn chúng tôi cùng hai thầy cô đã khẩn trương có mặt trên chiếc xuồng để bắt đầu cuộc hành trình.

Gian nan đường vào ốc đảo Hữu Khuông

Thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Hữu Khuông không quên dặn dò mọi người cẩn thận tránh bị ngã xuống nước. Trong khoảng không gian chật hẹp của chiếc xuồng, mọi người như nín lặng, chỉ biết dựa lưng và bám chặt tay vào mạn xuồng. 

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 2

Hai bên lòng sông, người dân dựng nhà nổi để mưu sinh.

Tiếng lạo xạo của chiếc xuồng va vào chướng ngại vật như phá vỡ không gian tĩnh mịch. "Tay cầm chắc vào nhé anh chị" - tiếng cô Lương Thị Nhân phát ra từ đầu mạn xuồng.

Đây là lần thứ hai tôi có dịp về với ốc đảo Hữu Khuông nên cái cảm giác này cũng đã được nếm trải. Xuồng ngược sông được 30 phút, mọi người bắt đầu quen với cảm giác, sóng và gió.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 3

Trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ còn rất nhiều đảo hoang sơ.

Xuồng cứ thế rẽ sóng, sau thời gian hơn 2 giờ đồng hồ ngược sông, hiện ra trước mắt chúng tôi là "ốc đảo" Hữu Khuông. Xa xa, những mái nhà sàn lợp bằng ván gỗ Pơ Mu san sát với một màu nâu hiện lên. Con đường bê tông dẫn vào bản rực rỡ hơn với những lá cờ Tổ quốc. Xuồng cập bến, mọi người uể oải bước lên bờ với những gương mặt phờ phạc vì say sóng.

Hi sinh thầm lặng

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 4

Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Hữu Khuông còn nhiều khó khăn, vất vả.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 5

Để cho các em nắm được kiến thức, thầy cô luôn tận tụy hết mình.

Công tác 7 năm tại "ốc đảo" Hữu Khuông, cô Lê Thị Thanh (SN 1984, quê Thanh Hóa) từng giảng dạy tại 7 điểm trường Mầm non khác nhau và đã thấu hiểu hết những khó khăn vất vả của các em học sinh và người dân nơi đây.

"Cứ mỗi lần đi xuồng máy từ bến Thượng Lưu vào xã hết 50.000 đồng, cộng thêm gửi xe một tuần hết 30.000 đồng. Chiều Chủ nhật hàng tuần hoặc sáng sớm thứ 2 các thầy cô giáo vào xã thì cuối tuần mới tranh thủ ra để về thăm gia đình. Nhiều khi nhớ con, nhớ gia đình lắm nhưng phải cố gắng thôi…", cô Thanh chia sẻ.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 6

Các em học sinh tranh thủ giờ học ngoại khóa để đọc sách tại thư viện.

Cũng chính nơi này, cách đây 11 năm, cô Lương Thị Nhân (SN 1984), đặt chân đến công tác. Khi ấy, Hữu Khuông còn lưa thưa mái nhà, người dân sống chật vật trong cảnh cách trở với đất liền, thiếu điện, thiếu nước... Cơ sở vật chất của điểm trường còn ọp ẹp, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn, chỉ có ngôi nhà cấp bốn xập xệ, mấy chiếc ghế gỗ và tấm bảng đen cũ sờn.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 7

Bà xách cơm theo để cho các cháu học sinh Mầm non học bán trú.

Gia đình ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, cách xa trường hơn 200 km. Chiều thứ 6 sau khi dạy xong, cô Nhân đi xuồng máy nhiều giờ đồng hồ để ra bến Thượng Lưu rồi lại tiếp tục bắt xe về nhà.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 8

Các thầy giáo đến tận nhà để trao quà để động viên các em học sinh.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 9

Các em học sinh làm báo tường để tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

"Lúc về được tới nhà cũng đã nửa đêm. Ở nhà với con được vài tiếng đồng hồ, ăn bữa cơm với gia đình, chiều chủ nhật tôi lại vội vàng bắt xe lên Hữu Khuông, cho kịp sáng thứ 2 đứng lớp. Gian nan, vất vả nhưng vì con chữ, vì các em tôi đã vượt qua tất cả", cô Nhân trải lòng.

Thầy Nguyễn Đức Sơn cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, các giáo viên ở đây rất ít khi được về thăm nhà, trừ khi các ngày lễ, Tết. Ngày đó, sóng điện thoại, internet... chưa có, việc liên lạc về gia đình chủ yếu qua thư tay.

Rẽ sóng gieo chữ nơi ốc đảo - 10

Niềm vui của cô giáo ngày 20/11 là những bó hoa rừng.

"Năm 2015, mẹ chồng tôi mất, vì không thể liên lạc được khi nhận được thư báo tin thì chuyện hậu sự đã xong. Cảm giác buồn, ăn năn... cứ bám theo trong tâm trí của tôi mãi đến bây giờ", cô Nhân bùi ngùi.

Không thể kể hết sự khó khăn vất vả của cô Nhân và đồng nghiệp khi làm nghề gieo con chữ ở "ốc đảo" Hữu Khuông. Đã biết bao lần các thầy cô giáo lênh đênh trên sóng nước ngược xuôi nơi miền sơn cước này. Những hi sinh thầm lặng ấy đã và đang góp phần mang con chữ để tương lai cho các em được tươi sáng hơn.

Xã Hữu Khuông là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và là xã khó khăn nhất của huyện Tương Dương (Nghệ An). Sau khi sắp xếp và di dời dân lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hiện tại xã Hữu Khuông có 7 bản (Con Phen, Huồi Cọ, Chà Lâng, Pủng Bón, Tủng Hốc, Xàn, Huồi Pủng). Vị trí bản này cách bản kia từ 4-7 km, cách trung tâm huyện từ 60-70 km, giao thông đi lại khó khăn.

Theo thống kê của UBND xã đến tháng 12/2020, toàn xã có tổng nhân khẩu là 2.676 người, bao gồm 628 hộ trong đó có 627 hộ người dân tộc thiểu số gồm 3 dân tộc anh em sinh sống (Thái, Khơ Mú, Mông). 

Tại đây có  3 cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS, trong đó Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở có 19 cán bộ giáo viên, nhân viên; 209 học sinh. Trường Tiểu học có một điểm chính và 3 điểm lẻ với tổng 293 học sinh, 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường Mầm Non có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại 7 điểm lẻ, với tổng số 180 học sinh.