Quản trị logistics - nghề "hot" thời 4.0

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ảnh hưởng của Covid-19 cho thấy, đơn vị nào có hệ thống quản trị logistics và quản lý chuỗi cung ứng tốt thì nhanh chóng chuyển đổi, thích ứng được với hoàn cảnh mới.

Xu hướng của nền kinh tế 4.0

Theo ông Võ Công Trí, Phó giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn, quản trị logistics và quản lý chuỗi cung ứng là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới tay người dùng.

Nghe rất đơn giản nhưng thực ra đây là một hoạt động phức tạp, xâu chuỗi nhiều hoạt động gồm lưu trữ, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, thủ tục hải quan, đưa hàng hóa vào thị trường…

Mỗi hoạt động trong đó còn bao gồm nhiều khâu chi tiết. Nếu đơn vị nào có hệ thống quản trị tốt, phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, tìm ra phương án tối ưu để luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng thì hiệu quả kinh tế càng cao.

Quản trị logistics - nghề hot thời 4.0 - 1

Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng nên hoạt động logistics càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Hiện công nghệ đã được ứng dụng vào ngành này rất sâu, nâng cao hiệu quả công việc nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nguồn nhân lực logistics am hiểu công nghệ rất lớn.

Các tên tuổi mà người tiêu dùng quen thuộc như Lazada, GrabExpress, Thế giới di động… đều là những đơn vị ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị logistics, điều phối hàng hóa từ nhà sản xuất, các kho hàng, shop online đến tận tay người tiêu dùng.

Trong giai đoạn kinh tế hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng nên hoạt động logistics càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhu cầu nhân lực logistics càng cao và ngành này trở nên "hot" hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, trong những tháng ảnh hưởng Covid-19 vừa qua, tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội, bán lẻ truyền thống đóng băng, nhu cầu tiêu dùng chỉ dựa vào những đơn vị ứng dụng công nghệ điều hành logistics càng cho thấy vai trò quan trọng của ngành này. Những đơn vị có hệ thống quản trị logistics tốt mới nhanh chóng chuyển đổi, thích ứng được với hoàn cảnh mới.

Logistics là ngành trọng điểm được đầu tư mạnh mẽ

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam đã xác định logistics là 1 trong 12 ngành nghề trọng điểm sẽ được đầu tư mạnh mẽ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ông Võ Công Trí cũng đánh giá ngành logistics tuy mới xuất hiện gần đây nhưng tầm quan trọng đang gia tăng nhanh chóng trong nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân sự cao và mức lương đang có xu hướng gia tăng.

Hiện sinh viên mới ra trường có thể hưởng được mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng, tại vị trí cao hơn thì mức lương sẽ vượt ngưỡng 20 triệu đến vài chục triệu đồng.

Về chương trình đào tạo nghề này, ông Võ Công Trí cho biết, sinh viên được học nhiều kiến thức chuyên ngành như nguyên lý logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống thông tin trong chuỗi cung ứng, quản lý phân phối, quản lý bán lẻ, quản lý tồn kho, quản lý rủi ro và an toàn trong chuỗi cung ứng, hệ thống vận tải, hậu cần quốc tế...

Ngoài ra, sinh viên còn được học các kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng tiếng Anh và công nghệ thông tin. Trong quá trình học tập, sinh viên thường xuyên được trường tổ chức đi kiến tập tại các doanh nghiệp để tham gia công việc thực tế.

Quản trị logistics - nghề hot thời 4.0 - 2

Sinh viên muốn theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần có những tố chất này để phát triển bản thân.

Về vị trí việc làm, sinh viên cao đẳng học ngành này khi ra trường có thể đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau trong hệ thống logistics như: nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành vận tải, quản lý hàng hóa, quản lý kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, điều hành hoặc trực tiếp tác nghiệp tại các phòng ban chức năng…

Cơ hội khởi nghiệp trong ngành này cũng rất cao vì các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này thường sử dụng các dịch vụ thuê ngoài trong nhiều khâu ít cần nhân sự cơ hữu, nhất là trong mảng thủ tục xuất nhập khẩu, vận chuyển… Đây là những lĩnh vực mà nhân lực ngành này thường chọn để khởi sự kinh doanh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm