Phổ điểm tiếng Anh "kỳ lạ": Do chênh trình độ hay đề thi "mất chuẩn"?

Kiều Phương

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng việc đề thi "mất chuẩn" đã dẫn đến tình trạng phổ điểm môn tiếng Anh năm nay có biểu hiện "kỳ lạ" khi xuất hiện 2 tích điểm trong cùng một phổ điểm.

Năm 2021, cả nước có 866.993 thí sinh tham gia thi bài thi tiếng Anh. Điểm trung bình của môn thi này là 5,84 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm. Có 144 thí sinh bị điểm liệt (chiếm tỷ lệ 0.02%); 349.175 thí sinh có điểm dưới 5 (chiếm tỷ lệ 40.27 %).

Ngoài ra, thống kê dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT cho thấy có 4.345 bài thi Ngoại ngữ đạt điểm tuyệt đối.

Đặc biệt, so với các môn khác, phổ điểm môn tiếng Anh năm 2021 có sự khác biệt khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng tích điểm là 4-5 điểm, đỉnh thứ hai là khoảng 7-8 điểm.

Phổ điểm tiếng Anh kỳ lạ: Do chênh trình độ hay đề thi mất chuẩn? - 1
Phổ điểm môn tiếng Anh khác biệt khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm.

Xuất hiện phổ điểm "bất thường": Do đề thi quá "mềm"?

Trao đổi với Dân Trí, nhà giáo Đào Trọng Sáng (giáo viên cấp 3 môn tiếng Anh tại Hải Phòng) chia sẻ: "Tôi không quá bất ngờ về việc có hơn 4000 bài thi đạt điểm tuyệt đối, bởi sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, tôi đã dự đoán môn thi này sẽ đạt nhiều điểm 10. Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là phổ điểm môn tiếng Anh xuất hiện 2 đỉnh trên cùng một phổ điểm thay vì chỉ có một đỉnh như phổ điểm thông thường. Đây là điều chưa từng có tiền lệ".

Theo thầy Sáng, phổ điểm có hình dạng "bất thường" bắt nguồn từ độ khó của đề thi năm nay. Thầy phân tích đề thi Ngoại ngữ đợt 1 "mềm" và dễ thở hơn so với mọi năm khi có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Đặc biệt, phần đọc hiểu - dạng bài được coi là "khó nhằn" nhất thì trong đề thi năm 2021 cũng ngắn và "nhẹ nhàng" hơn rất nhiều.

"Với đề thi như vậy, tôi e rằng việc phản ánh thực lực thí sinh sẽ không được khách quan. Điểm của học sinh khá, giỏi sẽ phân bố trong khoảng từ 8-10. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch này không rõ ràng vì đề thi không có nhiều câu hỏi phân loại. Nhiều em có học lực khá, chỉ cần may mắn hơn một chút khi khoanh bừa một vài câu thì cũng có khả năng đạt điểm 9-10" - thầy Sáng chia sẻ.

Cùng quan điểm, giáo viên Nguyễn Quỳnh Hoa (Thái Bình) cho hay, đề thi năm nay không có độ phân hóa cao, số lượng câu dễ chiếm số lượng lớn trong khi ít câu hỏi khó.

"Việc ra đề "mềm" hơn có lẽ cũng là ý của Bộ bởi lứa học sinh năm nay phải chịu quá nhiều thiệt thòi do dịch Covid-19, cứ đến thời điểm "nước rút" là phải ở nhà học trực tuyến.

Song, điều này cũng khiến tôi băn khoăn. Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng số lượng điểm 10 lớn không đồng nghĩa với chất lượng học sinh tăng. Điểm tăng đột biến là do đề dễ, học sinh giỏi hay khá đều có khả năng đạt mức điểm như nhau".

Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, phổ điểm "kỳ lạ" của môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phản ánh sự "bất thường" của đề thi.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga phân tích: "Mục tiêu dùng phổ điểm chính là để đánh giá đề thi. Có 3 phổ điểm thường gặp: phổ điểm nghiêng về bên phải, thể hiện đề thi dễ; phổ điểm nghiêng về bên trái, thể hiện đề quá khó; còn phổ điểm phân bố chuẩn chứng minh đề thi đạt chuẩn, thể hiện đúng năng lực của thí sinh.

Và tất nhiên, nếu phổ điểm phân bố không bình thường, thì lỗi cũng thuộc về đề thi. Trong khi đó, phổ điểm môn tiếng Anh chia làm 2 đỉnh, một bên là khoảng điểm 4-5, một bên là 7-8; rõ ràng có sự bất thường. Như vậy, nếu dùng phổ điểm để đánh giá, thì đề thi năm nay thực sự "có vấn đề".

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Phương Nga, "vấn đề" cụ thể nằm ở chỗ nào thì cần có sự phân tích kỹ càng, không thể suy diễn lung tung.

Một bức tranh vùng miền rõ rệt

Đưa ra một cái nhìn khác, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên môn Toán tại Hà Nội) cho biết, phổ điểm năm nay đã phản ánh một tín hiệu mang tên "rắn ngóc đầu". Theo đó, sự xuất hiện của đỉnh thứ hai trong phổ điểm môn Ngoại ngữ là tín hiệu đáng mừng, khẳng định có một số lượng không nhỏ học sinh đã rất đầu tư và quan tâm đến môn học này.

Phổ điểm tiếng Anh kỳ lạ: Do chênh trình độ hay đề thi mất chuẩn? - 2
Thầy Trần Mạnh Tùng nhận định, phổ điểm tiếng Anh năm 2021 phản ánh sự chênh lệch khá lớn về việc dạy và học Ngoại ngữ tại các vùng miền.

Về việc số lượng điểm 10 tăng vọt so với các năm trước, thầy Tùng cho biết, điều này thể hiện trình độ học Ngoại ngữ của học sinh đã tăng lên, thậm chí có sự bứt phá.

"Đề thi "không có lỗi". Nếu năng lực học sinh phân thành nhiều tốp thì phổ có thể có nhiều đỉnh" - thầy Tùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhà giáo này, bên cạnh niềm vui, thì phổ điểm môn tiếng Anh năm nay cũng khiến nhiều người phải băn khoăn khi "vẽ" ra một bức tranh vùng miền.

"Hai đỉnh trên phổ điểm cho chúng ta thấy sự khác biệt. Đỉnh bên trái: điểm thấp và đỉnh rất tù, minh họa rằng có một lượng lớn học sinh có kết quả thấp. Số học sinh này tập trung chủ yếu ở nông thôn, nơi chưa có điều kiện tốt để học Ngoại ngữ. Còn đỉnh bên phải: điểm rất cao, đây là số học sinh đã có những bứt phá trong việc học tiếng Anh khi có sự đầu tư nhiều hơn, chủ yếu đến từ học sinh thành thị.

Đây là tín hiệu buồn, nó cho thấy khoảng cách vùng miền đang rất lớn, gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng môn tiếng Anh, cùng với đó là sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".

Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Quỳnh Hoa cho rằng, phổ điểm năm nay phản ánh sự chênh lệch rất lớn về trình độ, cách dạy và học tiếng Anh của học sinh giữa các vùng miền.

"Từ trước tới nay, chất lượng giảng dạy Tiếng Anh, đặc biệt ở tỉnh miền núi, có nhiều quan ngại. Trình độ giáo viên chưa đều. Đặc biệt, khi chuyển sang học online do dịch Covid-19, một số em gặp khó khăn khi không có internet hay các thiết bị để phục vụ việc học.

Đây là sự bất cập rất lớn, yêu cầu sự chung tay giải quyết của đội ngũ những người làm trong lĩnh vực giáo dục" - cô Hoa bày tỏ.

Ai thiệt, ai hơn trong quá trình xét tuyển?

Trước tình hình điểm thi tiếng Anh năm nay, thầy Đào Trọng Sáng cho rằng, việc phổ điểm phân chia rõ rệt thành 2 đỉnh sẽ ít nhiều gây khó cho các trường xét tuyển bằng môn tiếng Anh trong quá trình xác định điểm chuẩn. Trên thực tế, để phục vụ công tác xét tuyển, các trường mong muốn phổ điểm có hình "quả chuông" để thể hiện sự phân loại rõ ràng các nhóm trình độ: rất kém - kém - trung bình - khá - giỏi - rất giỏi. Theo thầy Sáng, để tuyển được thí sinh có chất lượng, các trường nên thêm một số điều kiện phụ.

Trái ngược với nhận định của thầy Sáng, thầy Trần Mạnh Tùng lại khẳng định, phổ điểm "kỳ lạ" của môn Ngoại ngữ năm nay không quá ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh.

"Số học sinh đạt đủ điểm vào Đại học chủ yếu ở phần bên phải của phổ điểm. Phần này cũng vẫn có sự phân hóa (dù xuất hiện đỉnh thứ hai nhưng rồi nó vẫn đi xuống) nên tôi nghĩ là không gây khó cho các trường Đại học, Cao đẳng" - thầy Mạnh phân tích.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Nga đưa ra một cái nhìn khách quan hơn: "Khi đề thi "có vấn đề" thì sẽ dẫn đến việc có người được lợi, có người bị thiệt, đây là nguyên tắc rồi. Nếu đề thi không được chuẩn hóa, đồng nghĩa với sai số chuẩn của đề thi sẽ cao, dẫn đến điểm năng lực thật của thí sinh sẽ không đúng với điểm số mà thí sinh đó đạt được".