Phía sau cảnh nhà trường, giáo viên tích cực than nghèo với phụ huynh

(Dân trí) - Mái che, rèm, sân chơi, sửa cánh cổng trường... không chỉ ở quy mô trường học, ngay trong lớp học, giáo viên nhiều nơi cũng tích cực "xin" phụ huynh hỗ trợ về vật chất phục vụ cho việc giảng dạy.

Đầu năm học, không ít trường học lại vào mùa "than nghèo kể khổ" với phụ huynh. Ti tỉ thứ chờ được làm mới, sửa sang trong trường được phô bày với phụ huynh như cần làm mái che, làm sân chơi, sửa sang cổng cửa trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, phòng ốc... 

Ngoài việc giới thiệu trực tiếp "các anh chị đi xem sẽ biết", có trường còn công phu quay clip, chụp hình lại chiếu cho phụ huynh xem "thảm cảnh" trong nhà trường, điều kiện học hành của con em. 

Phía sau cảnh nhà trường, giáo viên tích cực than nghèo với phụ huynh - 1

Ngoài các khoản theo thỏa thuận, nhiều trường học có nhiều cách vận động thu tiền từ phụ huynh 

Tại một trường tiểu học ở Bình Dương, nằm trong vùng công nhân lao động khó khăn, trẻ vừa nhập học, phụ huynh đã nghe vận động đóng tiền làm mái che, rồi làm thêm rèm cửa lên đến hàng trăm triệu đồng. Dù năm ngoái, phụ huynh có con học tại trường đã... 2 lần đóng tiền làm mái che. 

"Mô hình" kêu gọi phụ huynh tích cực đóng góp cho cơ sở vật, hoạt động của trường diễn ra không ít nơi. 

Quy mô kêu gọi không chỉ ở trường học mà ngay trong lớp học, nhiều nơi giáo viên (GV) cũng tích cực đi "xin" phụ huynh. Như trường hợp một trường tiểu học tại TPHCM, ngay trong hè, GV đã bày tỏ mong muốn là cần cần micro, mực in, quạt đứng và thay dây cắm máy vi tính. Trẻ chưa đi học, phụ huynh chưa gặp mặt để họp nên... có phụ huynh được cử ứng tiền trước để sắm vật dụng. 

Không chỉ ở đây, ở nhiều trường GV có rất nhiều cách vận động phụ huynh tham gia về mặt vật chất cho những hoạt động dạy học trong nhà trường. Có GV giao cho học sinh... in bài giảng của mình, trong năm từ em này đến em khác, có nơi phụ huynh góp tiền mua laptop, máy in cho thầy cô giáo với lý do phục vụ cho dạy học. 

Rồi các hoạt động tổ chức dạy học, tổ chức các chương trình cho dạy học... GV cũng "kéo" phụ huynh vào góp tiền.

Cô H.T., một giáo viên có thâm niên ở TPHCM cho biết, thực tế hiện nay, nhà trường rồi đến GV tích cực đi "xin" phụ huynh rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo cô, nhiều trường đặt tinh thần phải tiết kiệm, ít chi dùng một cách triệt để trên mọi hoạt động, với mọi GV.

Nhưng tiết kiệm ở đây là tiết kiệm ngân sách rót về chi cho hoạt động giáo dục, để cuối năm có khoản gọi là "thu nhập tăng thêm" tiết kiệm từ ngân sách để thưởng Tết. Muốn làm, muốn tổ chức, muốn đầu tư thì... xin và xài tiền phụ huynh. 

Phía sau cảnh nhà trường, giáo viên tích cực than nghèo với phụ huynh - 2

Tin nhắn phụ huynh tại TPHCM trao đổi về sắm micro, mực in, quạt đứng và thay dây cắm máy vi tính theo "mong muốn" của giáo viên 

"Trước đây chính tôi cũng nghĩ giáo dục chúng ta thiếu tiền nên thầy trò dạy học khổ sở nhưng không phải vậy. Ngân sách chi cho giáo dục không ít nhưng nhiều trường không tập trung, đầu tư, trang bị cho hoạt động giáo dục. Họ để dành hoặc cơ chế như thế nào đó", cô T. khẳng định. 

Nhiều năm gần đây, tiền "thưởng Tết" của GV ở TPHCM lên đến hàng chục triệu đồng, trong khi về bản chất, GV không có tiền thưởng Tết. Theo cô T., trường nào thưởng Tết cao là có thể biết, trường đó tiết kiệm mạnh, nếu có hoạt động thì... phụ huynh tha hồ mà đóng góp.

Để tiết kiệm ngân sách, có tiền chi thu nhập tăng thêm cao, nhiều trường không chịu chi, không đầu tư chất lượng cho hoạt động dạy học. GV nào đề xuất các hoạt động dạy học bị quản lý gạt ngay, bị đồng nghiệp phản đối để tiết kiệm hoặc muốn làm thì tự... xin phụ huynh.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TPHCM thừa nhận, có những nơi rất đầu tư cho các hoạt động dạy học, nhưng có những trường làm cho có để báo cáo. Còn lại tiết kiệm để cuối năm chi tiền thu nhập tăng thêm cao.

Năm vừa rồi, quận có nhắc nhở các trường phải "giới hạn" mức chi nhập tăng thêm, để hạn chế việc trường lo tiết kiệm, không đầu tư cho hoạt động giáo dục. Hay nhiều vấn đề phát sinh sau đó. 

Cô H.L. nêu quan điểm, GV lên lớp, cơ sở, dụng cụ phục vụ cho chất lượng dạy học là việc của giáo viên, nhà trường. GV phải "ngửa tay" xin phụ huynh khoản này, khoản nọ có khi là vì muốn tốt cho học sinh khi nhà trường không chịu đầu tư... nhưng rõ ràng đó là một việc không nên, cảm giác người giáo bị hèn đi.

Phía sau cảnh nhà trường, giáo viên tích cực than nghèo với phụ huynh - 3

Cần sự công khai tài chính, đầu tư cho hoạt động giáo dục (Ảnh minh họa)

Lẽ ra đây là việc phải bàn bạc trong nhà trường, để tình trạng GV "xin" phụ huynh thì nhà trường cũng phải có trách nhiệm quản lý. 

Nguyên quản lý từng công tác tại Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, với việc thu chi, lẽ ra các trường cần công khai ngân sách hàng năm được chi từng này, chúng tôi sẽ đầu tư vào cái này, cái kia. Cái nào không đủ thì có thể không làm, hoặc phụ huynh hỗ trợ theo hình thức tài trợ, xã hội hóa... Như vậy, phụ huynh sẽ có cái nhìn rõ ràng, nếu có tài trợ, đóng góp họ cũng thấy sự minh mạch, bằng lòng. 

Nhưng thực tế, ít trường làm được điều này, nhà trường nhập nhằng, còn phụ huynh rơi vào vòng xoáy đóng góp vì tâm lý lo cho con em làm biến tướng, nhếch nhác môi trường giáo dục.  

Hoài Nam