PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh: Cố gắng thu hút nhân tài để không bị "chảy máu chất xám"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành trường Đại học hàng đầu cả nước trong khoa học cơ bản.

Phóng viên đã có những trao đổi với PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN về hoạt động của Trường.

Thưa ông, để có được thành công như hiện nay, nhà trường đã làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ đội ngũ cán bộ, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ và giải quyết các vấn đề thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội?

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh: Để công tác đào tạo có chất lượng tốt Nhà trường phải đáp ứng được 2 điều kiện chính. Trước hết, đó là đội ngũ cán bộ giảng viên. Trường hiện có tỉ lệ GS, PGS nhóm đầu trong cả nước, khoảng 40% trên tổng số giảng viên cơ hữu. Bên cạnh đó trên 90% giảng viên của Trường có bằng tiến sĩ, hầu hết có công bố quốc tế.

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh: Cố gắng thu hút nhân tài để không bị chảy máu chất xám - 1
PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh

Đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường, trong giai đoạn trước năm 1990 được nhà nước cử đi đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Còn sau năm 2000, những thế hệ cán bộ dưới 50 tuổi hiện nay được đào tạo ở các nước phương Tây, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore. Gần như 100% cán bộ, giảng viên đều đã có thời gian đào tạo hay trao đổi nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài.

Điều kiện quan trọng thứ hai là cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Để có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt, sinh viên cần được thực hành, thực tập trong những phòng thí nghiệm hiện đại. Do đó, trường huy động bằng nhiều nguồn, từ sự hỗ trợ của nhà nước đến các dự án hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, trang bị các thiết bị phục vụ thực hành và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Trường xác định không chỉ chú trọng giảng dạy đơn thuần, mà phát triển theo mô hình ĐH nghiên cứu. Đây là mô hình lý tưởng cho sự kết hợp đào tạo với nghiên cứu, đặc biệt là công tác đào tạo sau ĐH. Giảng viên có nghiên cứu thì mới có những đề tài và kiến thức chuyên sâu để phục vụ giảng dạy sau đại học. Trường đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo sau ĐH. Điều đó thể hiện ở số lượng thạc sĩ, tiến sĩ mà trường đã đào tạo được (tính từ năm 1992 đào tạo hơn 7000 thạc sĩ và tính từ 2002 hơn 700 tiến sĩ).

Mô hình đại học nghiên cứu còn được thể hiện ở các đề tài khoa học, công bố quốc tế, sáng chế, bằng độc quyền sở hữu trí tuệ, vv. Từ đầu những năm 1960, các giảng viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã có công bố quốc tế trên những tạp chí khoa học hàng đầu ở Liên Xô. Một trong những bài báo rất nổi tiếng thời đó là công trình công bố của GS. Hoàng Tụy năm 1964. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, Trường sơ tán lên Thái Nguyên, điều kiện học tập, giảng dạy, nghiên cứu rất vất vả, nhưng thầy vẫn có thể nghiên cứu và gửi công trình ra công bố ở nước ngoài. Đây là công trình tạo nền móng cho cả lĩnh vực Tối ưu toàn cục, sau này gắn liền với tên tuổi GS. Hoàng Tụy. Còn thế hệ trẻ hiện nay, nhiều người được đào tạo bài bản và trao đổi nghiên cứu ở nước ngoài, nên việc công bố quốc tế được thực hiện rất tốt. Mỗi năm, trường công bố gần 500 bài báo quốc tế trong danh mục ISI/Scopus, có thể nói đây là thành tích nổi bật của Nhà trường.

Có thể nói trường đang sở hữu một lực lượng giảng viên rất có chất lượng. Vậy trường làm thế nào để thu hút và giữ chân những cán bộ, nhà khoa học này?

Đây là một bài toán khó. Với đặc thù là đào tạo khoa học cơ bản, nên sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó, mức thu nhập của cán bộ, giảng viên so với mặt bằng chung của những trường khác và so với doanh nghiệp bên ngoài chưa thể bằng, bởi thầy cô không thể giảng dạy quá nhiều mà phải giành thời gian nghiên cứu. Nguồn tài chính của Nhà trường một phần từ ngân sách Nhà nước, một phần từ học phí và từ nguồn thu khác như khoa học công nghệ, nên chưa thể đáp ứng đầy đủ.

Do đó, điều mà trường xác định thu hút được những cán bộ, giảng viên này chính là môi trường làm việc. Đặc biệt với những người yêu khoa học, các thầy cô có rất nhiều cơ hội vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài và đặc biệt có điều kiện tham gia dự án quốc tế, thực tập, trao đổi tại nước ngoài, tham gia hội thảo ở nước ngoài. Có thể nói, học khoa học cơ bản có thiệt thòi là học khó, ra trường đi làm trong lĩnh vực đó hoặc giảng dạy, nghiên cứu có thu nhập không cao nhưng cơ hội học tập, nghiên cứu đỉnh cao, hợp tác quốc tế và làm việc ở nước ngoài rất lớn.

Cùng với những thành tựu về nghiên cứu khoa học, Trường ĐH KHTN cũng rất tự hào khi sở hữu thương hiệu Trường THPT chuyên KHTN. Ông có thể cho biết thêm về hệ đào tạo đặc biệt này?

Đào tạo THPT chuyên là mảng riêng, là nét đặc sắc của Trường ĐH KHTN. Khối phổ thông chuyên Toán ra đời đầu tiên vào năm 1965. Sau đó trường có thêm các khối chuyên khác. Năm 2010, Trường THPT chuyên KHTN được hình thành, trực thuộc Trường ĐH KHTN. Mục đích là tạo kết nối giữa các khoa của Trường và các khối THPT chuyên, giảng viên ĐH thường xuyên tham gia giảng dạy tại hệ chuyên. Với tên gọi là A0, học sinh khối chuyên Toán có thể coi như một nguồn đầu vào của trường ĐH. Đây là sự khác biệt so với những trường THPT chuyên khác, nay được thành lập ở các địa phương.

Trường THPT chuyên KHTN còn là nôi đào tạo học sinh giỏi tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Một số cựu học sinh nổi tiếng nhất của Nhà trường như các GS: Trần Văn Nhung, Đào Trọng Thi, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu,…

Bên cạnh thành tích của các khối chuyên Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, với sự hợp tác chặt chẽ của các thầy cô trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, có thể nói khối chuyên Tin của trường trong những năm gần đây chiếm vị trí độc tôn ở Việt Nam, đóng góp phần lớn thành viên cho đội tuyển Tin học Việt Nam. Nhiều năm gần đây, 2-3 thành viên (chiếm 50% đội tuyển) được cử đi thi Olympic Tin học quốc tế được giải đều là học sinh của Trường THPT chuyên KHTN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 65 năm ngày truyền thống Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngày 06/4/2021, tại Trường ĐH KHTN đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa trường ĐH KHTN với Công ty TNHH Quảng cáo và giải trí Mỹ Thanh.

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh: Cố gắng thu hút nhân tài để không bị chảy máu chất xám - 2

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh phát biểu tại sự kiện

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh: Cố gắng thu hút nhân tài để không bị chảy máu chất xám - 3

Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc công ty THHH Quảng cáo và Giải trí Mỹ Thanh phát biểu tại sự kiện

PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh: Cố gắng thu hút nhân tài để không bị chảy máu chất xám - 4
PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh cũng lãnh đạo Công ty TNHH Quảng cáo và giải trí Mỹ Thanh ký kết biên bản ghi nhớ

Đây là thỏa thuận hợp tác được ký kết với mục đích đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, khẳng định vị thế, chất lượng, uy tín của Nhà trường. Đồng thời, hai bên thống nhất triển khai một số nội dung cụ thể: Tổ chức các hoạt động cho sinh viên trường ĐH KHTN để sinh viên phát huy khả năng, sức trẻ và trí tuệ, đóng góp sức mình cho cộng đồng và cho xã hội; Thành lập và tổ chức hoạt động cho các CLB Sinh viên Nghiên cứu khoa học, CLB nghệ thuật, CLB Ngoại ngữ, CLB Thể thao... ; Kết nối các sinh viên, cựu sinh viên của trường ĐH KHTN...; Tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, bao gồm các đêm nhạc, thơ, các buổi ra mắt sách, giới thiệu tranh ảnh, kiến trúc, điện ảnh, ẩm thực...