PGS trẻ nhất Việt Nam Trần Xuân Bách nhận giải thưởng Quả cầu Vàng

(Dân trí) - Ngày 27/12, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu Vàng. Phó Giáo sư Trần Xuân Bách (SN 1984) đoạt giải ở lĩnh vực Công nghệ Y - Dược.

9 tài năng trẻ đoạt giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2017.
9 tài năng trẻ đoạt giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2017.

Ngày 27/12, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2017.

Đây là giải thưởng cao quý của TƯ Đoàn dành cho các tài năng trẻ nhằm tôn vinh những thanh niên tài năng, có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, học tập, nghiên cứu khoa học và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững quốc phòng, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Được triển khai từ cuối tháng 5/2017, sau gần 4 tháng phát động, Cơ quan thường trực Giải thưởng đã nhận được 58 hồ sơ của 21 đơn vị. Hội đồng đã chấm và chọn ra 9 tài năng trẻ có thành tích xuất sắc để trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2017.

Cụ thể, lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông có 02 giải thưởng, Công nghệ y - dược có 02 giải thưởng, Công nghệ môi trường có 02 giải thưởng, Công nghệ vật liệu mới có 01 giải thưởng, Công nghệ sinh học có 02 giải thưởng.


PGS. TS Trần Xuân Bách (giữa) nhận giải thưởng Quả cầu Vàng

PGS. TS Trần Xuân Bách (giữa) nhận giải thưởng Quả cầu Vàng

Đáng chú ý, Phó Giáo sư Trần Xuân Bách (SN 1984) đoạt giải ở lĩnh vực Công nghệ Y - Dược. Anh hiện đang là giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội. Anh cũng từng là PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2016 và là Ủy viên BCH T.Ư Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Từ năm 2010-2015, anh nhận giải thưởng INSIGHT dành cho các báo cáo nghiên cứu Tiến sĩ xuất sắc tại hội nghị Khoa học Y tế công cộng năm 2010 của Đại học Alberta (Canada); Giải thưởng của Alberta Innovates-Heath Solutions năm 2012 của Canada. Anh là Lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới năm 2014 của Liên Viện Hàn lâm Quốc tế; Giải thưởng Nghiên cứu Quốc tế Lâm Sàng và dự phòng năm 2015 của ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ)...

PSG.TS Trần Xuân Bách là người đầu tiên công bố quốc tế các đánh giá mang tính khoa học về tác động của việc lạm dụng sử dụng internet và mạng xã hội với sức khỏe thể chất, tâm thần và hành vi nguy cơ của thanh thiếu niên Việt Nam.

Anh có số lượng nghiên cứu khoa học lớn: 30 bài báo khoa học (17 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí SSCI, 33 bài báo khoa học (01 bài là tác giả, 06 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí SCI, 25 bài báo khoa học (01 bài là tác giả, 14 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí SCIE,...

Chia sẻ về giải thưởng cao quý, PGS. TS Trần Xuân Bách cho biết: “Cũng giống như tất cả các nhà khoa học khác, tôi tin rằng để có thể hoạt động tốt trong lĩnh vực khoa học công nghệ chúng tôi cần có đội hình các tình nguyên viên xuất sắc cũng như mạng lưới cộng tác trong nước và quốc tế. Thứ hai là có điều kiện cần thiết để phục vụ cho nghiên cứu của mình. Và thứ ba là có một cơ chế quản lý linh hoạt, thúc đẩy sáng tạo.

Tôi có một may mắn là tại môi trường tôi làm việc chúng tôi có được sự quản lý hết sức linh hoạt và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Tôi có được sự cộng tác từ rất nhiều nghiên cứu viên, các bậc tiền bối cũng như những huấn luyện viên trẻ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế. Tôi cho đó là điều kiện cần thiết, tiền đề quan trọng để nghiên cứu viên hay nhóm nghiên cứu có thể duy trì được liên tục các công trình của mình cũng như liên tục tìm tòi, khám phá tri thức”.


20 cá nhân nhận phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu lĩnh vực kỹ thuật 2017.

20 cá nhân nhận phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu lĩnh vực kỹ thuật 2017.

Cũng trong sáng nay, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trao Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2017 tặng 20 cá nhân xuất sắc.

Đây là những tấm gương tiêu biểu nhất đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu, được chọn từ 44 hồ sơ của 28 trường đại học, học viện trên toàn quốc.

Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật là giải thưởng của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành tặng cho những nữ sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu ở các ngành kỹ thuật, có thành tích học tập xuất sắc trong các ngành kỹ thuật, gồm: Công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí. Năm nay là năm thứ 19 T.Ư Đoàn triển khai Phần thưởng này.

Danh sách 9 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2017:

1. Tiến sĩ Hà Minh Hoàng, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Phạm Văn Hạnh, Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương, Nghiên cứu viên Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

4. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy, Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

5. PGS. TS. Trần Xuân Bách, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội.

6. Tiến sĩ Hoàng Văn Tổng, Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Sinh Y dược học, Giảng viên Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y.

7. Tiến sĩ Võ Thanh Sang, Trưởng phòng Công nghệ Sinh học Dược, Viện Kỹ thuật Công nghệ Cao, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

8. Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

9. Tiến sĩ Phạm Thị Năm, Nghiên cứu viên chính Phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Danh sách 20 sinh viên được trao Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu

1. Phan Hồng Hạnh Trinh, Khoa Công nghệ thông tin, Trường

Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

2. Phạm Thị Minh Anh, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học FPT

3. Lê Thị Ngọc Trâm, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quảng Nam

4. Vương Thị Lê, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự

5. Trần Thị Minh Trang, Khoa Công nghệ phần mềm, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

6. Hoàng Cao Huyền, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách

khoa Hà Nội

7. Tạ Tài Linh, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

8. Hà Thị Lý, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì

9. Khuất Thị Ngọc Ánh, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

10. Bùi Khánh Ngọc, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy

tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

11. Nguyễn Phượng Hoa, Khoa Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học FPT

12. Lê Thị Thúy An, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ

13. Thị Na, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh

14. Dương Thị Thủy Trang, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

15. Lê Thị Trang, Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

16. Hoàng Phương Thanh, Khoa Kỹ thuật điện và Khoa Công nghệ năng lượng, Trường Đại học Điện Lực

17. Nguyễn Hà Thu, Viện Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

18. Nguyễn Thị Kim Soa, Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự

19. Lê Nguyễn Kim Ngọc, Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ

20. Nguyễn Thị Thu An, Khoa Cơ khí Dầu khí, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam

Kim Bảo Ngân

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục