Ôn thi vào lớp 10 Ngữ văn: Cần xác định đúng vai trò của người kể chuyện

Nhật Hồng

(Dân trí) - Các câu hỏi liên quan đến xác định ngôi kể và người kể chuyện thường xuất hiện trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi Ngữ văn vào 10.

Muốn làm tốt phần này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chính xác và đúng trọng tâm yêu cầu của đề thi.

Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Những lưu ý khi xác định ngôi kể và người kể chuyện

Theo thầy Hùng, người kể chuyện là nhân vật do nhà văn sáng tạo để mang đến cho người đọc câu chuyện. Người kể chuyện có thể hiện diện trong tác phẩm (ngôi kể thứ nhất) hoặc ẩn mình (ngôi kể thứ 3).

Muốn làm tốt phần này, học sinh cần xác định được 2 ý chính:

Thứ nhất, người kể chuyện là ai và kể theo ngôi thứ mấy?

Thứ hai, tác dụng của ngôi kể trong việc thể hiện nội dung của tác phẩm là gì?

Bên cạnh đó, ngôi kể là một yếu tố liên quan đến nghệ thuật trần thuật của tác phẩm, thường có tác dụng là tái hiện, xây dựng hệ thống nhân vật, tạo dựng cốt truyện, làm cho cốt truyện trở nên chân thực, hấp dẫn, đáng tin cậy hơn.

Ngoài ra, ngôi kể còn liên quan đến việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm hoặc tác động đến đặc điểm nghệ thuật khác, phụ thuộc vào từng văn bản cụ thể.

Xác định ngôi kể và người kể chuyện trong 4 tác phẩm truyện ngắn lớp 9

Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, có 4 tác phẩm truyện ngắn mà thí sinh cần lưu ý là: Làng (Kim Lân), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) và Những ngôi sao xa xôi (Lưu Minh Khuê).

Cụ thể, truyện ngắn Làng được kể từ ngôi thứ 3. Với ngôi kể này, người kể truyện ẩn mình, do đó học sinh không cần nêu rõ người kể chuyện. Do lựa chọn ngôi kể thứ 3 nên xác suất xuất hiện các câu hỏi liên quan đến ngôi kể và người kể truyện của truyện ngắn Làng không cao.

Tương tự, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa cũng được kể từ ngôi thứ 3 với người kể chuyện ẩn mình. Tuy nhiên, tác phẩm này có một điểm rất đặc biệt là dù được kể từ ngôi thứ 3 nhưng điểm nhìn trần thuật lại được đặt chủ yếu ở nhân vật ông họa sĩ. Đây là dấu ấn rất độc đáo nên học sinh cần nêu được tác dụng của điểm nhìn trần thuật này.

Ở truyện ngắn Chiếc lược ngà, nhân vật người kể chuyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện là ông Ba - bạn thân, đồng đội của ông Sáu. Ông Ba là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện của đồng đội, đồng thời cũng là người tham gia vào 1 phần trong câu chuyện. Điều này góp phần tái hiện và làm nổi bật 2 nhân vật trung tâm là bé Thu và ông Sáu, đồng thời, giúp cho mạch truyện được định hướng một cách rõ ràng, sinh động, hấp dẫn hơn.

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi cũng được kể từ ngôi thứ nhất với người kể chuyện là Phương Định - nhân vật trung tâm của tác phẩm. Chọn người kể chuyện là Phương Định rất thuận lợi cho tác giả trong việc thể hiện những suy nghĩ, tâm lý, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trong các tình huống.

Trong video dưới đây, thầy Nguyễn Phi Hùng sẽ có những chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của người kể chuyện trong 4 tác phẩm truyện ngắn trọng tâm. Học sinh quan tâm có thể theo dõi!

Ôn thi vào 10 môn Ngữ văn: Cần xác định đúng vai trò của người kể chuyện