Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn: Giải đáp câu hỏi khó trong Văn học trung đại

Nhật Hồng

(Dân trí) - Chuyên đề văn học trung đại là một trong bốn chuyên đề lớn trong chương trình Ngữ văn 9. Sau đây là hướng dẫn giải đáp những câu hỏi khó trong chuyên đề này để các học sinh vững tin thi vào lớp 10.

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, phần văn học trung đại sẽ có hai nhóm thể loại chính là tác phẩm truyện kí trung đại và truyện thơ trung đại.

Phần truyện kí trung đại, học sinh tập trung vào hai văn bản là Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) và Hoàng Lê nhất thống chí - Hồi thứ mười bốn (Ngô gia văn phái). Phần truyện thơ trung đại, học sinh chú ý hai văn bản là Truyện Kiều (Nguyễn Du) và truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu).

Với tác phẩm Truyện Kiều, chương trình ngữ văn 9 có 3 đoạn trích. Tuy nhiên thầy Hùng cho biết, trong chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2020-2021, các em được giảm tải đoạn trích Cảnh ngày xuân. Đoạn trích này được đưa về dạng tự học có hướng dẫn. Với tác phẩm Lục Vân Tiên, học sinh chỉ cần học duy nhất đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

"Việc các em nắm chắc được phạm vi ôn tập sẽ giúp quá trình học ôn trong giai đoạn nước rút được trọng tâm, thiết thực và hiệu quả", thầy Hùng nhấn mạnh.

Trong phần ôn tập kiến thức về văn học trung đại, thầy Hùng giải đáp các nội dung cụ thể như sau:

  1. Phân tích phẩm chất cao đẹp và  số phận bi thảm của Vũ Nương trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Dữ).
  2. Nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du qua những đoạn trích trong "Truyện Kiều": Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích.
  3.  Hướng dẫn làm bài nghị luận xã hội: Qua văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương", hãy nêu suy nghĩ của em về nhận định: "Lòng vị tha là chìa khóa cho một cuộc sống hạnh phúc".
  4. Phân tích chủ nghĩa anh hùng trong 2 đoạn trích: "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" và "Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ 14".

 Ở câu hỏi đầu tiên, khi phân tích về phẩm chất cao đẹp của nhân vật Vũ Nương, thầy Hùng hướng dẫn học sinh làm nổi bật lên ở nhân vật vẻ đẹp ở các khía cạnh: người mẹ hiền, nàng dâu thảo, người vợ thủy chung và người phụ nữ giàu lòng tự trọng. Khi phân tích về luận điểm số phận bi thảm của nhân vật, học sinh cần làm rõ các khía cạnh đức hạnh bị vấy bẩn, gia đình tan vỡ, nỗi oan không thể thanh minh của nhân vật.

"Sau khi kết thúc việc phân tích mỗi luận điểm, các em lưu ý nâng vấn đề lên. Ví dụ với phần luận điểm về phẩm chất cao đẹp của Vũ Nương, các em có thể nâng đó là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là một biểu hiện của giá trị nhân đạo của tác phẩm khi tác giả ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của con người.

Phần số phận bi thảm các em có thể nâng lên đánh giá thành giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hiện thực ở chỗ phản ánh số phận bi thảm của người phụ nữ và bức tranh xã hội phong kiến bất công. Nhân đạo ở chỗ tác giả xót thương cho số phận bất hạnh của nhân vật và lên án, tố cáo những yếu tố của xã hội phong kiến gây nên sự bất công cho con người", thầy Hùng phân tích.

Trong video dưới đây, thầy Hùng chia sẻ chi tiết cách làm đối với từng câu hỏi giúp các em nắm vững kiến thức phần văn học trung đại để chuẩn bị cho kì thi vào 10:

Những nội dung cần lưu ý khi ôn tập chuyên đề văn học trung đại