Nữ sinh đánh hội đồng theo kiểu tra tấn bạn, vì đâu nên nỗi?
(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường kiểu hội đồng, thậm chí như tra tấn chủ yếu liên quan đến nữ sinh lứa tuổi THCS, nhiều phụ huynh cho rằng, đây là giai đoạn "nổi loạn" của tuổi dậy thì.
Đánh bạn kiểu tra tấn
Sự việc nhóm nữ sinh cấp 2 ở xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa đánh bạn đến ngất xỉu, xong lại lấy đá chườm vào mặt cho tỉnh, mua sữa cho nạn nhân uống, rồi đánh tiếp, khiến nhiều người phải giật mình bởi tính chất hành vi của các em nằm ngoài sức tưởng tượng của người lớn.
Kinh khủng, xót xa, thật buồn… là cảm nhận chung của hầu hết phụ huynh trước những vụ bạo lực học đường thời gian qua được chia sẻ trên mạng xã hội.
Chị Nguyễn Hà (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) là giáo viên và cũng là một phụ huynh, khi xem những thông tin về các vụ bạo lực học đường, chị cũng phải thốt lên "kinh khủng quá". Chị Hà nhận thấy, hiện nay có một hiện tượng là, học sinh chỉ cần có vài tin nhắn qua lại trên mạng xã hội hoặc không thích ai đó, các em sẵn sàng lời qua, tiếng lại, thậm chí hẹn đánh nhau.
"Ở trường nơi tôi công tác, các em có xích mích, đánh nhau thì nhà trường cũng chỉ xử lý bằng cách mời phụ huynh hai phía lên làm việc, viết bản kiểm điểm, cam kết, có chữ ký của phụ huynh, nặng hơn thì đình chỉ học có thời hạn, tùy mức độ", chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, qua tìm hiểu thì hầu như những tình huống học sinh đánh nhau đều xuất phát từ các tin nhắn trêu chọc, xích mích, mâu thuẫn cá nhân... Các em nữ ở độ tuổi lớp 8-9 là độ tuổi "nổi loạn" nên chỉ cần có một chút "kích thích" là dễ dẫn đến đánh nhau.
Thực tế cho thấy, các vụ bạo lực học đường thời gian qua phần lớn đều liên quan đến nữ sinh, mà các em đều ở lứa tuổi học sinh THCS.
Chị Hà cho rằng, bố mẹ cần phải gần gũi, tâm sự với con như bạn bè để động viên, uốn nắn kịp thời khi phát hiện con có dấu hiệu "chệch choạc". Sự quan tâm của gia đình, nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng.
"Ở trường, tôi là giáo viên chủ nhiệm và cũng là phụ huynh đã từng sát cánh cùng con gái để giúp con vượt qua giai đoạn "nổi loạn" của tuổi dậy thì. Giai đoạn tuổi dậy thì, mỗi em "nổi loạn" trên những khía cạnh khác nhau. Con gái tôi thì có biểu hiện sao nhãng học hành, mượn điện thoại để học nhưng lại nhắn tin cho bạn bè, trêu chọc nhau...
Có lúc bố mẹ đã cãi nhau, khóc vì con. Nhưng tự nhủ mình là giáo viên, con nhà người ta mình dạy được, không lẽ con mình lại không. Vì vậy tôi thường gần gũi con, hạn chế đánh mắng.
Qua giai đoạn này, các con lại bình thường. Còn nếu giai đoạn này mà phụ huynh không quan tâm, chửi mắng, đánh đập, đã thế đến trường thầy cô trách móc học sinh lười nhác, hư hỏng thì sẽ khiến các em dễ rơi vào mặc cảm, tự ti, càng chán", chị Hà chia sẻ
Kinh nghiệm của chị Hà là phải thay đổi "chiến thuật", không thể vì là thầy cô, hay bố mẹ mà ép học sinh, con cái phải làm theo được, đôi khi phải "nhịn" các em theo phương châm "vừa dạy, vừa dỗ" khi các em "ăn chưa no, lo chưa tới".
Đa số các vụ bạo lực học đường đều xuất phát từ nữ sinh, theo chị Hà có mấy lý do: Mạng xã hội xuất hiện nhiều video bạo lực khiến các em dễ bắt chước, vì ở độ tuổi này thích thể hiện bản thân; liên quan đến yêu đương khi các bé gái ngày càng biết yêu sớm; gia đình, nhà trường thiếu sự quan tâm…
Về vấn đề mạng xã hội, chị Hà cho rằng, trước đây học sinh trường nọ, trường kia ít biết nhau. Tuy nhiên, hiện nay, với sự xuất hiện và phát triển của mạng xã hội, các em biết nhau, rồi yêu đương, thậm chí làm những việc mà pháp luật không cho phép.
Vừa lo lắng, vừa bức xúc
Chị Lê Thùy (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đề nghị, đối với bạo lực học đường cần có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Chị Thùy lý giải, tuy các con còn nhỏ nhưng bằng những hành vi bạo lực như chúng ta đã thấy trong thời gian qua thì phải có biện pháp mạnh.
Biện pháp mà chị Thùy nêu ra là lực lượng công an cần vào cuộc, răn đe đối với học sinh có hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, cần xem xét để cho các bạn học sinh này vào trường giáo dưỡng để học tập và rèn luyện nề nếp, đạo đức. Có như vậy, sau này mới mong các em tốt lên được.
Với những người lớn xung quanh, theo chị Thùy cần phải xem lại cách cư xử, hành vi của mình khi ở với con trẻ. Bởi các con tiếp thu và học tập cả cái xấu và cái tốt của người lớn rất nhanh. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh.
Còn anh Nguyễn Thế Dũng (thành phố Thanh Hóa) chia sẻ, sau mỗi lần đọc tin, xem hình ảnh bạo lực học đường, nhất là học sinh cấp 2, anh không chỉ thấy lo lắng mà rất bức xúc.
Theo anh Dũng, tình trạng này xảy ra có nhiều lý do: Thứ nhất là các em ở lứa tuổi dậy thì, thay đổi tính cách, dễ bị rủ rê, lôi kéo và hay chấp nhặt nhau; thứ hai, mạng xã hội phát triển mạnh, trong khi phụ huynh không kiểm soát được nên các con xem nhiều, tò mò và học theo rất nhanh; thứ 3, nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế, chiều con, sắm cho con các thiết bị thông minh...; thứ 4, phụ huynh không thường xuyên gần gũi con cái và bám sát sinh hoạt, học tập của con cùng giáo viên chủ nhiệm và nhà trường…
Là phụ huynh có con đang học lớp 6, anh Dũng tỏ ra rất lo lắng trước thực trạng bạo lực học đường.
Theo anh Dũng, để hạn chế tình trạng này, các bậc phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ cùng con, coi con là bạn, nhẹ nhàng và sát cánh cùng con; hạn chế cho con tiếp xúc với điện thoại thông minh, mạng xã hội; tăng cường cho con tham gia hoạt động trải nghiệm; nhà trường nên có những tiết sinh hoạt chung, chia sẻ cho các em biết bạo lực học đường cũng như các tệ nạn xã hội nguy hại như thế nào; đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm và nhà trường để dạy dỗ con cái, bám sát sự thay đổi tính cách của các con; cần có những hình thức khen thưởng, xử phạt hợp lý.
Thầy cô rất áp lực
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Sở liên tục ban hành các công văn chấn chỉnh, đôn đốc các nhà trường giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh; yêu cầu quản lý chặt chẽ các giờ học, hạn chế việc giao tiếp với các bạn không còn học hành để tránh bị lôi kéo; chỉ đạo các nhà trường phối hợp với địa phương trong giải quyết, ngăn chặn, không để các vụ việc phát sinh.
Giáo viên chủ nhiệm được yêu cầu đấu mối với phụ huynh để giáo dục, đôn đốc con em mình.
Cũng theo bà Thanh, các nhà trường cũng tích cực, quan tâm học sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bạo lực được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến học sinh dễ bột phát làm theo, khó kiểm soát. Đặc biệt, nhiều học sinh bị đối tượng ngoài trường lôi kéo.
"Cả ngành giáo dục cố gắng, các thầy cô cũng rất cố gắng giáo dục nhưng cũng khó tránh khỏi tình trạng này vì nó ảnh hưởng nhiều từ xã hội, gia đình vào.
Thầy cô cũng rất áp lực, không có thầy cô nào muốn điều đó xảy ra cả. Ngày nay, nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, để con cho ông bà chăm sóc, các cháu tự do nên cũng khó trong công tác quản lý", bà Thanh chia sẻ.
Theo bà Thanh, sở dĩ tình trạng này chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi học sinh cấp 2 vì các em còn tính trẻ con, bột phát, không kiềm chế được. Trước đây, có thể cũng có, nhưng vì mạng xã hội chưa phát triển nên nhiều người chưa biết, nay mạng xã hội phát triển, lan tỏa nhanh, phạm vi rộng nên mọi người cho rằng hiện nay, tình trạng bạo lực học đường nhiều.