Những vụ bạo lực học đường ám ảnh dư luận năm 2022

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Bạo lực đang diễn biến đầy bất thường và đáng ngại trong môi trường giáo dục. Năm 2022, nhiều vụ việc bạo lực học đường gây ám ảnh dư luận.

Bị đâm trọng thương ở trường và học sinh hành xử kiểu "luật rừng"

Ngày 26/12, dư luận xôn xao khi nam sinh lớp 10A6 Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) bất ngờ dùng vật nhọn đâm vào vùng ngực của nam sinh L.V.K. (16 tuổi, học cùng trường) khiến nạn nhân trọng thương.

May mắn sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, sức khỏe em K. đã tạm thời qua cơn nguy kịch.

Ngày 12/9, mạng xã hội xuất hiện clip 2 nữ sinh THCS bị một nhóm nữ sinh đánh bằng mũ bảo hiểm, lột đồ trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng không ai can ngăn.

Ngày 13/9, lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho hay, đã yêu cầu công an xã mời phụ huynh và học sinh liên quan đến clip trên để làm rõ.

Đáng lưu ý là vừa qua, Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với nữ sinh Chu Thị Thu H. (SN 2006) về tội "Làm nhục người khác".

Quyết định khởi tố trên đây bắt nguồn từ ngày 8/8, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một nữ sinh lột hết quần áo của nữ sinh khác giữa đường, đồng thời túm tóc, làm nạn nhân ngã ra rồi dùng tay tát tới tấp vào mặt.

Những vụ bạo lực học đường ám ảnh dư luận năm 2022 - 1

Nữ sinh Hà Tĩnh lột hết quần áo của nữ sinh khác giữa đường rồi dùng tay tát tới tấp vào mặt (Ảnh: Từ clip).

Trước đó, ngày 28/6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh 2 thiếu nữ xông vào đánh một nữ sinh trong nhà vệ sinh.

Mặc dù liên tục khóc lóc, van xin nhưng nạn nhân vẫn bị đánh liên tiếp. Sự việc này xảy ra tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nữ sinh bị đánh đang học tại một trường THCS trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, gần đây thêm trường hợp một nam sinh lớp 12 ở Hà Nam đi xe máy bị bạn học cùng trường đạp ngã, dẫn đến tử vong hôm 3/6.

Tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước vào tháng 5/2022, một nữ sinh cấp 2 bị bạn cùng trường đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.

Nạn nhân bị nhiều nữ sinh túm tóc quật ngã, đấm đá liên tục vào người trong khi xung quanh có cả chục học sinh nam lẫn nữ nhưng không ai can ngăn, có người còn cười cợt, cổ vũ.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc là do có mâu thuẫn cá nhân từ trước vì "nhìn đểu" và chửi nhau.

Tháng 4/2022, tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, một nữ sinh lớp 7 bị hai nữ sinh lớp 7 và lớp 8 đánh, dùng điện thoại quay lại. Một số học sinh đứng bên ngoài cũng hò reo, cổ vũ.

Trước đó, vào tháng 3/2022, trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh nhóm 3-4 thiếu nữ mặc áo đồng phục học sinh ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng chặn đường chửi bới, dùng mũ bảo hiểm tấn công một nữ sinh...

Những vụ bạo lực học đường ám ảnh dư luận năm 2022 - 2

Nữ sinh ở Huế bị đánh đến tổn thương cơ thế 23% (Ảnh: Q. Thành).

Tháng 2/2022, có hai nam sinh ở Huế và Bình Phước bị đâm tử vong trong cơn tức tưởi.

Rồi một nữ sinh lớp 10 ở Hương Trà (T.T.Huế) bị bạn học dùng mũ bảo hiểm tấn công đến mức chấn động não, cơ quan chức năng vừa có kết quả giám định tỷ lệ thương tổn cơ thể là 23%.

Bạo lực nhiều khi bắt nguồn chỉ từ ánh "nhìn đểu"

Quả thật kể không hết những vụ bạo lực học đường bị quay clip tung lên mạng ầm ĩ trong năm qua. Tất cả chỉ mới là phần nổi của một tảng băng chìm về nguy cơ bạo lực âm ỉ trong giới trẻ.

Trong quá trình tìm hiểu nhiều vụ việc trên đây, chứng kiến cảnh học sinh lao vào đánh, đấm, thụi, bịch bạn học khiến chúng tôi thật sự xót xa và bức xúc trước các hành vi bạo lực.

Chứng kiến một đứa trẻ đơn độc chỉ biết ôm đầu cúi gằm mặt xuống đất chịu trận đòn như đấm bốc của 5-6 bạn cùng trang lứa, nhiều người vừa xót xa, bức xúc với nhóm trẻ ra tay tàn nhẫn.

Những vụ bạo lực học đường ám ảnh dư luận năm 2022 - 3

Khởi điểm từ những mâu thuẫn vụn vặt và xích mích trên mạng xã hội, nhiều học sinh đánh đập bạn hung hãn (Ảnh: Một vụ đánh nhau của học sinh tại TT Huế).

Theo các chuyên gia tâm lý, bạo lực học đường, có thể là hành vi gây ra những chấn thương thể xác, nhưng đôi khi cũng bao gồm cả những hành động gây nên tổn thương về mặt tinh thần.

Nhiều khi chính những người tạo ra sự tổn thương đó cũng không hề ý thức được tác hại của việc mình làm. 

Khi phóng viên Dân trí tìm hiểu nguyên do của những vụ việc trên đây để phản ánh trên mặt báo cho thấy, phần lớn bạo lực xuất hiện từ những xích mích nhỏ trên mạng xã hội.

Một số nữ sinh cho biết, mình kéo bè kéo cánh đánh bạn chỉ vì nghi ngờ nạn nhân "cướp" bạn trai.

Khởi điểm từ những mâu thuẫn vụn vặt bởi xích mích lời nói hoặc bình luận, bởi cái nhìn bị quy chụp là "đểu", bởi sự ngông nghênh "nhìn thấy gai mắt"…, dẫn đến những trận đánh, những cảnh túm tóc, đập đầu, xé áo giữa nữ sinh hay đấm đá, đâm chém giữa nam sinh cứ dội đến khiến dư luận hãi hùng.

Theo một thống kê của Unicef năm 2018, cứ 3 học sinh trong độ tuổi 13- 15, thì có một em từng bị bắt nạt. Cứ 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp thì có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn.

Riêng năm 2017, có gần 720 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở các quốc gia mà việc trừng phạt thân thể trong nhà trường không bị cấm. 

Những vụ bạo lực học đường ám ảnh dư luận năm 2022 - 4

Học sinh đánh nhau mới đây tại Quảng Trị (Ảnh: Đ. Đức).

Quả thật, xây dựng một ngôi trường không có bạo lực học đường là điều không hề dễ dàng, kể cả với những nền giáo dục tiên tiến nhất, ở những quốc gia phát triển nhất thế giới. 

Bạo lực đang diễn biến đầy bất thường và đáng ngại ngay chính trong môi trường luôn nêu cao đạo lý làm người, luôn đề cao giá trị của tình bạn!

Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã diễn ra thời gian qua với mong muốn: Khi các thầy cô, các bậc phụ huynh và các phụ huynh đều cùng ý thức, cùng hợp tác, thì ám ảnh về bạo lực học đường sẽ được giảm đi rất nhiều.

Những nỗ lực của mỗi gia đình nói riêng hay của tất cả xã hội nói chung, sẽ không thể khiến cho nạn bạo lực học đường bị xóa bỏ một cách tuyệt đối, nhưng hy vọng nó sẽ giảm trong thời gian tới.