Những tín hiệu vui từ cuộc thi khoa học kỹ thuật

(Dân trí) -Chiều 2/3, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc dành cho học sinh trung học khép lại với nhiều bất ngờ thú vị. Nếu năm 2013 ưu thế dành cho học sinh Hà Nội thì cuộc thi năm nay cho thấy sự rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương.

Sau vòng chấm thi lĩnh vực, trong tổng số 166 đề tài tham dự, có 91 đề tài được trao giải lĩnh vực. Cụ thể: Có 10 giải Nhất (23 HS), 21 giải Nhì (46 HS) và 23 giải Ba (58 HS), 37 giải Khuyến khích (85HS). Ở giải thưởng lĩnh vực có sự xuất hiện của nhiều học sinh vùng khó như Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên… Điều đặc biệt hơn cả là không chỉ có học sinh khối THPT dành được giải mà học sinh khối THCS cũng dành được giải cao, không chỉ có các em học sinh bình thường mà còn có những em khuyết tật cũng náo nức tham gia và đạt giải.

Theo đánh giá của PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn - Thành viên Ban giám khảo, cuộc thi năm nay đã thu hút được nhiều học sinh tham dự với số lượng đề tài tăng gần gấp đôi và chất lượng cũng được nâng lên. Qua đây cho thấy các trường phổ thông đã thực sự quan tâm đến và tạo điều kiện cho HS của mình tham gia vào phòng trào nghiên cứu khoa học.

Nhiều đề tài nghiên cứu rất đơn giản nhưng lại có tiềm năng ứng dụng cuộc sống cao. Có những ý tưởng xuất phát từ những điều các em nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày hoặc thấy sự vất vả của bố hoặc mẹ. Chẳng hạn như, thấy bố mẹ cào ngao vất vả thì em có ý tưởng chế tạo máy đánh bắt ngao..

PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn tổng kết đánh giá cuộc thi
PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn tổng kết đánh giá cuộc thi.

“Năm nay có đến 1/3 đề tài của các em học sinh THCS. Mặc dù kiến thức của các em chưa được như các bạn học sinh ở cấp THPT nhưng ý tưởng thì không thua kém gì. Nhiều dự án có tính khả thi rất cao và được Ban giám khảo đánh giá ngang ngửa với học sinh bậc THPT” - PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết.

Cũng theo PGS Tuấn, các đề tài của học sinh vẫn còn một hạn chế chung đó là thời gian nghiên cứu chưa được thực sự chuyên sâu, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên mới chỉ dừng đến ý tưởng và triển khai được một số bước cơ bản. Thời gian tới cần phải có sự quan tâm hơn nữa để những ý tưởng này có thể phát triển tốt hơn để sớm được đưa vào cuộc sống.

Giải toàn cuộc năm nay được trao cho 31 đề tài, trong đó có 4 giải Nhất (10 HS), 7 giải Nhì (15 HS), 18 giải Ba (41 HS) và 2 giải Khuyến khích. 4 đề tài giải Nhất toàn cuộc gồm: Đề tài Tận dụng nguồn phế thải gypsum điều chế đạm amoni sunphat phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của nhóm HS Trường THPT Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) gồm Nguyễn Trần Phương Linh (lớp 12A1), Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Thanh Tùng (đều là học sinh lớp 10A1); Đề tài Nghiên cứu tách Saponin từ cây dứa sợi (agave americana) và ứng dụng trong bảo quản hoa quả của HS Nguyễn Minh Quang, Trần Vân Anh, Vũ Đức Minh (HS lớp 11 chuyên Hóa Trường THPT Chuyên KHTN Hà Nội); Nhóm Đặng Yến Lan, Trần Tiến Đạt, Đặng Anh Tú của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel; Máy đánh bắt ngao của Trần Thị Lan Anh - HS lớp 11 Trường THPT Tây Tiền Hải (Thái Bình).

Bốn đề tài xuất sắc của 10 học sinh đã giành giải nhất toàn cuộc.
Bốn đề tài xuất sắc của 10 học sinh đã giành giải Nhất toàn cuộc.

Qua đây cho thấy, giải quán quân của cuộc thi không chỉ dành cho các học sinh ở trường chuyên hoặc các trường có cơ sở vật chất tốt. Nếu có ý tưởng và nỗ lực vận dụng kiến thức đã học để giải quyết thì hoàn toàn vẫn có cơ hội giành thứ hạng cao. Điều này được thể hiện rõ nét hơn đối với giải nhì, giải ba toàn cuộc. Chẳng hạn như, nhóm học sinh Nông Thị Thùy Trang, Hoàng Ngọc Huyền và Bùi Văn Linh đến từ Trường THPT số 2 Bảo Yên đạt giải Nhì với đề tài “Chế tạo gậy thông minh cho người cao tuổi”…

Nhiều học sinh vùng khó đã bật khóc khi những nỗ lực của mình đã được đền đáp một cách xứng đáng.

Những giọt nước mắt hạnh phúc của học sinh 
Những giọt nước mắt hạnh phúc của học sinh Trường THPT số 2 Bảo Yên khi đạt giải Nhì toàn cuộc.

Tương ứng các thành tích đạt được, các em HS dự thi được nhận giải thưởng 4 triệu, 3, triệu, 2 triệu và 1 triệu đồng cùng giấy khen của Quỹ hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam. Những tác giả đạt từ giải Ba lĩnh vực trở lên được nhận Bằng khen của của Trung ương Đoàn. Bằng khen của Bộ GD-ĐT tặng cho HS đoạt giải Ba trở lên lĩnh khi tham dự thi toàn cuộc.

Một tín hiệu đáng mừng ở cuộc thi năm nay là đã có sự quan tâm của khá nhiều cơ quan, tổ chức trong nước cũng như quốc tế. Nhiều phần thưởng và đơn “đặt hàng” đã được các tổ chức, cá nhân gửi gắm vào những “nhà khoa học” trẻ tuổi. Trong buổi giao lưu và trao giải đặc biệt tối ngày 1/3 đã có 42 đề án nghiên cứu của HS được các trường ĐH, Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lựa chọn, trao giải, nhiều trường ĐH công bố tuyển thẳng HS đạt từ giải Ba trở lên.

Bên cạnh đó hãng Panasonic tặng 10 phần quà tổng trị giá 20 triệu đến 10 HS đạt giải Nhất toàn cuộc. ĐH Anh Quốc Việt Nam trao 1 suất học bổng trị giá 600 triệu đồng đến 1 HS của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguyễn Hùng