Những sai lầm phổ biến khi nuôi dạy con mà bố mẹ nên tránh

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Làm cha mẹ có thể là một trải nghiệm căng thẳng. Đặc biệt nếu bạn luôn lo lắng về việc "mình dạy con như thế đúng hay sai". Thật ra, rất khó để bố mẹ không phạm sai lầm trong hành trình nuôi dạy con.

Khi bạn học cách khắc phục những lỗi nuôi dạy con phổ biến dưới đây, bạn sẽ hoàn thiện mình hơn trong vai trò cha mẹ.  

Đánh giá quá cao hoặc đánh giá thấp vấn đề

Trong quá trình nuôi dạy con, bạn phải xác định được đâu là vấn đề và đâu không phải là vấn đề. Một số bậc cha mẹ đôi khi đánh giá quá cao hoặc đánh giá thấp những vấn đề mà họ đang phải đối mặt với con cái của họ.

Emily Guarnotta, nhà tâm lý học của Mỹ, cho biết: "Các bậc cha mẹ đánh giá thấp các vấn đề của con cái có thể vô tình bỏ lỡ thông tin quan trọng, chẳng hạn như liệu con họ có đang phải vật lộn với chứng trầm cảm hoặc sử dụng chất kích thích hay không.

Mặt khác, "nghiêm trọng hóa vấn đề" thường xuất phát từ sự lo lắng thái quá của cha mẹ và có thể khiến trẻ cảm thấy cuộc sống bị bóp nghẹt.

Tiến sĩ Jaclyn Gulotta, nhà tư vấn sức khỏe tâm thần - nhà tâm lý học, cho biết, khi cha mẹ đánh giá thấp các vấn đề, họ có thể không quan tâm tới cảm xúc của con còn khi bố mẹ "nghiêm trọng hóa" vấn đề có thể sẽ khiến mọi thứ trầm trọng thêm và nhấn mạnh các tình huống tiêu cực.

Có những kỳ vọng không thực tế

Nếu bạn có những kỳ vọng không thực tế về những gì con bạn nên làm, bạn thực sự có thể tạo ra vấn đề cho cuộc sống của con. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy đảm bảo rằng kỳ vọng của bạn phù hợp với mức độ phát triển của con bạn.

Tiến sĩ Gulotta nói: "Khi cha mẹ có những kỳ vọng không thực tế đối với con cái của họ. Họ sẽ đặt ra những tiêu chuẩn không thực tế về chủ nghĩa hoàn hảo trong khi hầu hết trẻ em luôn muốn có cảm giác được người lớn chấp nhận, đặc biệt là cha mẹ của chúng.

Những sai lầm phổ biến khi nuôi dạy con mà bố mẹ nên tránh - 1

Đừng áp đặt con cái theo ý thích của cha mẹ (Ảnh minh họa: CNBC).

Nếu con bạn cảm thấy chúng sẽ làm bạn thất vọng khi không đáp ứng được những kỳ vọng phi thực tế này, chúng sẽ trở nên căng thẳng và lo lắng. Con bạn cũng có thể rơi vào tình trạng kém tự tin và có những hành vi tiêu cực".

Theo tiến sĩ Guarnotta, khi bố mẹ có những kỳ vọng không thực tế đối với con cái, trẻ có thể sẽ cảm thấy xấu hổ nếu chúng không thể đáp ứng được những kỳ vọng đó. Chúng cũng có thể có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân kiểu như là chúng "không có tác dụng gì".

Không nhất quán

Phong cách nuôi dạy con cái không nhất quán không có ích cho sự phát triển của con trẻ. Nếu đôi khi bạn rất nghiêm khắc, nhưng lại nhượng bộ vào những lúc khác, hoặc có lúc không quan tâm đến những gì con bạn đang làm, chúng sẽ rất khó đoán biết là cha mẹ mong đợi gì ở chúng và chúng nên làm mọi việc như thế nào.

Tiến sĩ Gulotta nói: "Khi cha mẹ không nhất quán trong cách nuôi dạy và tính kỷ luật với con cái, điều đó sẽ khiến con trẻ hiểu lầm.

Trẻ em sẽ không coi trọng quyền hạn của cha mẹ nếu cha mẹ không tuân theo các nguyên tắc. Điều này có thể dẫn đến việc con cái thiếu sự tôn trọng với cha mẹ hoặc không biết khi nào thì nên làm gì".

Không áp đặt quy tắc hoặc giới hạn với con cái

Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ rằng, con cái có thể tự do làm bất cứ điều gì chúng muốn nhưng sự thật thì hầu hết trẻ em đều cảm thấy khó để sống mà không có bất kỳ sự hướng dẫn nào.

Khi bạn đặt ra các quy tắc, các giới hạn, tuân theo các thói quen nhất quán và đưa ra các lựa chọn sẽ giúp con bạn biết và mong đợi những gì sẽ xảy ra trong ngày.

Tiến sĩ Gulotta nói: "Khi cha mẹ không có quy tắc hoặc không có giới hạn, các rủi ro có thể tới với con họ là con trẻ nảy sinh hành vi tiêu cực, nóng nảy, thù địch, thách thức để tìm kiếm sự chú ý.

Điều này ảnh hưởng tới con trẻ trong việc chúng học cách phản ứng với các tình huống. Trong ngắn hạn, trẻ có thể vượt quá giới hạn và ít hoặc không tôn trọng cha mẹ. Về lâu dài, trẻ có thể cảm thấy mình được quyền có mọi thứ chúng muốn ngay cả khi có hành vi xấu".

Đánh con

"Cha mẹ thỉnh thoảng đánh đòn con cái không phải là người xấu. Tuy nhiên đã có rất nhiều nghiên cứu và hầu như tất cả đều phát hiện ra những tác động tiêu cực đáng kể liên quan đến việc trừng phạt thân thể", tiến sĩ George W. Holden, giáo sư và chủ tịch khoa Tâm lý học tại Đại học Southern Methodist, Mỹ, tác giả của cuốn Parenting: A Dynamic Perspective, cho biết.

Tại sao đánh con lại không hiệu quả, bởi nó không thay đổi hành vi của con người và nó chỉ ngăn chặn các hành động tiêu cực trong thời gian ngắn.

Bạn có thể đánh một đứa trẻ và chúng sẽ dừng lại vì hiệu ứng giật mình nhưng trận đòn đó không dạy đứa trẻ phải làm gì. Việc chúng dừng lại ngay lập tức không làm ngăn chặn hành vi đó và nó có thể sẽ lặp lại vào một khoảnh khắc hoặc ngày tiếp theo. Nói cách khác, đứa trẻ sẽ không tập trung vào những gì chúng đã làm sai, chúng sẽ chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh đòn.

Không làm gương cho con

Tiến sĩ Guarnotta cho biết, trẻ em nhìn vào các hình mẫu trong môi trường sống của chúng để tìm hiểu điều gì được chấp nhận và điều gì không. Bởi vì trẻ em được tiếp xúc với cha mẹ nhiều nhất, nên việc cha mẹ làm gương cho con là rất quan trọng.

Bố mẹ là hình mẫu tốt cũng cho phép trẻ học những hành vi tích cực. Ví dụ, sẽ có lợi cho trẻ khi thấy bố mẹ thể hiện các kỹ năng giao tiếp lành mạnh và giải quyết xung đột bằng hành động cụ thể.

Tiến sĩ Gulotta nói: "Khi cha mẹ dạy dỗ con bằng những hành vi tích cực và lành mạnh. Trẻ sẽ học cách xử lý những khó khăn hoặc tình huống căng thẳng bằng kỹ năng đối phó tốt. Chúng cũng sẽ có kỹ năng giao tiếp tích cực và biết cách tương tác với người khác".

Giúp con tránh phạm mọi sai lầm

Việc cha mẹ muốn bảo vệ con khỏi phạm sai lầm hoặc mắc lỗi là điều bình thường nhưng đôi khi con trẻ cũng cần mắc lỗi để học hỏi và trưởng thành.

Tiến sĩ Guarnotta nói: "Sai lầm là cơ hội để đánh giá lại những gì bạn đã làm, những gì bạn có thể làm khác đi trong tương lai và chịu trách nhiệm. Đây là những kỹ năng quan trọng.

Việc bố mẹ liên tục "giải cứu" cho con sẽ khiến chúng không thể tự sửa chữa sai lầm và dần dần, chúng có thể không tin rằng bản thân sẽ tự giải quyết được vấn đề.

Khi trẻ gặp vấn đề và không có sự trợ giúp của cha mẹ, chúng khó có khả năng tự phục hồi cũng như tự xoa dịu bản thân. Con trẻ dễ trở thành những người thiếu tự tin và sợ thất bại.

Không lắng nghe con

Những sai lầm phổ biến khi nuôi dạy con mà bố mẹ nên tránh - 2

Bố mẹ nên là hình mẫu tốt để con noi theo (Ảnh minh họa: Freepik).

Khi lắng nghe con bạn, bạn đang xác nhận với con rằng bạn hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của chúng.

Tiến sĩ Gulotta cho biết, việc lắng nghe con cái cũng cho con bạn thấy rằng chúng quan trọng đối với bạn và giúp xây dựng mối liên kết bền chặt hơn giữa bố mẹ và con cái.

Lắng nghe con sẽ giúp chúng phát triển quan niệm lành mạnh về bản thân cũng như cho chúng thấy rằng việc lắng nghe người khác là rất quan trọng.

Tiến sĩ Gulotta nói thêm: "Khi cha mẹ không bao giờ lắng nghe con nói, trẻ có thể cảm thấy bị bỏ rơi và có vấn đề về lòng tự trọng. Trẻ em có thể lớn lên với cảm giác chúng không bao giờ được ai coi trọng và luôn sống trong trạng thái thất vọng".

Hầu hết các bậc cha mẹ bước vào hành trình nuôi dạy con cái với mục tiêu trở thành những người cha, người mẹ tốt nhất có thể. Nhưng cho dù họ cố gắng thế nào, họ vẫn có thể mắc những sai lầm trên hành trình khó khăn này.

Điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần hiểu là việc nuôi dạy con cái là một hành trình dài và cha mẹ phải không ngừng học hỏi, phát triển, thích nghi.

Bằng cách nhận ra những sai lầm phổ biến trong việc nuôi dạy con cái và cố gắng giải quyết chúng trước khi chúng trở thành vấn đề, bạn có thể trở thành những bậc cha mẹ hoàn thiện hơn và con bạn sẽ có một tuổi thơ hạnh phúc hơn.