Những kỷ niệm về Bác Hồ của một cựu giảng viên ĐH

(Dân trí) - Gần 90 tuổi đời và có nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, nhà giáo Lê Văn Đàm, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Vinh vẫn nhớ như in những kỷ niệm xúc động về Bác Hồ kính yêu.



Những kỷ niệm về Bác Hồ của một cựu giảng viên ĐH - 1


 
Lần đầu gặp Bác Hồ

 

Nhà giáo Lê Văn Đàm sinh năm 1926 tại Trung Lễ, một làng quê nổi tiếng về truyền thống văn hóa của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Lúc nhỏ, tuy nhà nghèo nhưng Lê Văn Đàm đã quyết noi theo truyền thống gia đình họ tộc, quyết tâm học hành và luôn luôn đứng đầu lớp. Năm 1944, vừa mới bước vào tuổi 18, Lê Văn Đàm đã vinh dự đứng vào hàng ngũ những người làm giáo dục với chức trách là một giáo viên tiểu học.

 

Sau thời gian học tập ở Trung Quốc 3 năm (1953-1956), Lê Văn Đàm về nước, được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường cấp II Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Mùa hè năm đó, Lê Văn Đàm được triệu tập tham gia lớp chỉnh huấn dành cho các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cốt cán toàn miền Bắc tại Hà Nội. Lần này, Lê Văn Đàm vinh dự được gặp Bác Hồ.

Nhà giáo Lê Văn Đàm sinh năm 1926 tại Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ đã có 47 năm đứng trên bục giảng từ bậc tiểu học đến đại học, có hơn 20 năm giảng dạy tại Khoa Tâm lí - Giáo dục trường Đại học Sư phạm Vinh và 10 năm là chuyên gia giáo dục ở châu Phi. Là nhà giáo mẫu mực, cụ đã đào tạo hàng nghìn học trò thuộc nhiều thế hệ. Năm 2009, cụ được tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh "Nhà giáo lão thành có nhiều cống hiến".

Cụ Đàm kể: “Lúc ấy lớp chỉnh huấn tập trung ở hội trường trường Chu Văn An vào ban đêm, dù có điện nhưng không được sáng như bây giờ. Bất ngờ cả hội trường ồ lên khi được tin Bác Hồ đến thăm. Tình hình đấu tranh tư tưởng đang căng thẳng, nên được Bác Hồ đến thăm làm mọi người rất phấn khởi. Bác mặc bộ quần áo kaki trắng giản dị, người hơi gầy với chòm râu thưa. Sau khi ổn định tình hình, Bác nhìn quanh hội trường rồi hỏi: “Cán bộ nữ trong lớp chỉnh huấn của chúng ta được mấy “vắt”?

 

Cả hội trường hết sức bất ngờ vì cách dùng từ dí dỏm của Bác, và nhất là người cán bộ phụ trách chưa nắm được cụ thể có bao nhiêu nữ cán bộ giáo viên có mặt. Thực ra vào giai đoạn này giáo viên nữ, nhất là cán bộ quản lý rất ít. Một cán bộ đáp: “Thưa Bác, nữ được khoảng chục “vắt” ạ!”. Bác nói: “Sao ít thế?”, rồi Người nói về vai trò của phụ nữ, nhắc nhở các cán bộ quản lý giáo dục cần tuyển thêm nhiều giáo viên nữ.

 
Sau đó, Bác hỏi thăm về mức lương, thu nhập của đội ngũ nhà giáo. Nghe cán bộ báo cáo, Người trầm ngâm một lúc rồi nói: “Việc giáo dục hết sức quan trọng, nhà giáo có vai trò đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục, nhưng mức sống của đa số giáo viên còn thấp. Chính phủ phải có chính sách từng bước nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên”.
 
 
Những kỷ niệm về Bác Hồ của một cựu giảng viên ĐH - 2
       Nhà giáo Lê Văn Đàm nay nghỉ hưu tại Hà Tĩnh.

 

Thực hiện lời dạy của Bác, ngành giáo dục sau đó đã có những chính sách để thu hút các nữ sinh vào trường sư phạm. Các nhà trường sư phạm cấp học bổng cho sinh viên, tuy không dư dật song cũng đủ ăn tiêu, không phải dựa vào chu cấp của gia đình. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm đều được phân công công tác tùy theo nhu cầu giáo dục của từng địa phương.

 

Lần đầu được gặp Bác, nhà giáo Lê Văn Đàm nhớ mãi phong thái giản dị, gần gũi, hài hước, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với các nữ nhà giáo và đời sống giáo viên. Những lời dạy của Người sau đó đã được Chính phủ và ngành giáo dục áp dụng trong thực tiễn.

 

“Giáo cụ trực quan” là gì?

 

Nhà giáo Lê Văn Đàm còn có may mắn được gặp Bác Hồ lần nữa. Năm 1959, Bác Hồ đến thăm Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc này nhà giáo Lê Văn Đàm đang học Khoa Tâm lí - Giáo dục. Vì Bác có nhã ý thăm lớp cán bộ quản lý được cử đi học, nên Lê Văn Đàm có cơ duyên gặp Người lần nữa.

 

“Lúc đó, mấy anh em chúng tôi đang lúi húi làm việc thì thấy có tiếng người xôn xao, cửa mở và đã thấy Bác Hồ đến ngay trước mặt. Đúng là như trong giấc mơ. Bác bắt tay từng người rồi hỏi: “Các chú đang làm gì thế?”. Nhà giáo Lê Văn Đàm thưa: “Thưa Bác, chúng cháu đang làm giáo cụ trực quan ạ”. Người hỏi lại: “Thế “giáo cụ trực quan” là gì? Nhà giáo Lê Văn Đàm đáp: “Thưa Bác, “giáo cụ trực quan” là đồ dùng dạy học ạ”. Bác hỏi: “Thế tại sao không nói “đồ dùng dạy học” mà lại nói “giáo cụ trực quan”?. Mọi người im lặng, lúng túng, Bác nói: “Chúng ta giáo dục cho con em nên chú ý việc dùng chữ. Những chữ đã có trong tiếng ta thì cần không vay mượn, cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Hiện nay đang có bệnh sính dùng chữ, cần phải sửa từ những cán bộ giáo dục để làm gương cho học sinh và đồng bào”.
 
Những kỷ niệm về Bác Hồ của một cựu giảng viên ĐH - 3
Trong trái tim nhà giáo lão thành, những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu vẫn vô cùng sâu đậm.

 

Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác từ cuộc gặp gỡ đó mãi in sâu trong tâm trí nhà giáo Lê Văn Đàm và trở thành kim chỉ nam trong cuộc đời làm giáo dục của cụ.

 

Cụ Đàm tâm sự: “Thực ra lúc đó chúng ta dịch giáo trình từ Trung Quốc, Liên Xô nên có vay mượn thuật ngữ. Mặt khác, không ít cán bộ vẫn mắc “bệnh sính chữ”. Lời dạy của Bác không chỉ nói về việc dùng chữ, mà chính là vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong ngôn ngữ, và các nhà giáo phải làm gương cho xã hội”.

 

Sau này, trong những năm đi làm chuyên gia giáo dục quốc tế ở châu Phi (cụ Lê Văn Đàm từng làm chuyên gia giáo dục ở Ghi-nê và Ăng-gô-la hàng chục năm), cụ Đàm luôn tìm cách để giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

 

Dù xa cách ngàn trùng, đất nước và Bác Hồ vẫn rất gần

 

Từ năm 1965 - 1969, nhà giáo Lê Văn Đàm được Chính phủ cử đi làm chuyên gia giáo dục tại Ghi-nê. Trước khi lên đường, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật và dặn dò nhà giáo Đàm. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ giúp bạn phát triển giáo dục cũng quan trọng không kém việc đánh giặc bảo vệ Tổ quốc (lúc này chiến sự đang rất căng thẳng), đồng thời nhắc mỗi người cần giữ gìn tư cách, tác phong của người Việt Nam khi ở nước bạn.

 

Khí hậu châu Phi khắc nghiệt, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những người đã quen gian khổ như cụ Lê Văn Đàm thì không phải là vấn đề đáng ngại. Chỉ có nỗi nhớ Tổ quốc, nhớ Bác Hồ là luôn canh cánh bên lòng. Lúc đầu, các nhà giáo xa xứ nghe tình hình Việt Nam qua bản tin quốc tế tiếng Pháp của các nước, sau một thời gian mới bắt được sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.

 

Dù bận đến mấy, việc nghe đài Việt Nam luôn được ưu tiên hàng đầu. Những tin tức chiến thắng dồn dập làm cho các nhà giáo phấn khởi vô cùng. Vì các sinh viên Ghi-nê rất muốn nghe về thời sự Việt Nam, nên nhà trường đã tổ chức mời nhà giáo (họ gọi là giáo sư - Professeur) Lê Văn Đàm diễn thuyết trước sinh viên toàn trường về thời sự đánh giặc Mỹ của Việt Nam. Chương trình chỉ có ba tiếng từ 8 giờ đến 11 giờ), nhưng đến 11 giờ, sinh viên yêu cầu nói thêm, chưa ăn cơm cũng được. Thế là giáo sư Lê Văn Đàm phải nói thêm 2 tiếng nữa mới nghỉ. Cả trường lặng phắc lắng nghe, cả ông bảo vệ trường cũng say sưa nghe giáo sư Đàm diễn thuyết. Sau này vì các sinh viên muốn tìm hiểu thêm, nhà giáo Lê Văn Đàm liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để mượn các bộ phim về chiếu cho sinh viên xem. Làn sóng hâm mộ Việt Nam dâng cao, đến mức đại diện ngoại giao Mỹ tại Ghi-nê phản đối, cho rằng nhà trường “thiên vị” Việt Nam. Nhưng nhà trường nói vì sinh viên yêu thích nên họ không “bắt lí” được.

 

Sau 5 năm công tác, Lê Văn Đàm về Hà Nội vào đúng ngày 2/9/1969, được người nhà báo tin Bác ốm rất nặng. Sáng ngày 3/9, Lê Văn Đàm và người dân cả nước đau đớn khi được tin Bác Hồ đã từ trần. Lê Văn Đàm vội đến quảng trường Ba Đình để xem tình hình nhưng không vào được, chen chúc trong cả biển người chan hòa nước mắt giữa trời mưa tầm tã. Lê Văn Đàm đã ở lại Hà Nội tham dự lễ tang Bác, 12 ngày sau mới về gặp gia đình ở Hà Tĩnh.

 

Bài và ảnh: Quang Đại - Văn Dũng