Những "bóng hồng" cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Trẻ trung và không kém phần xinh đẹp, nhiều cô gái chọn gắn bó cuộc đời với sự nghiệp "trồng người" cao cả. Dù ở môi trường nào, họ đều nỗ lực kiên trì, sáng tạo để nâng bước thế hệ tương lai và được mọi người công nhận.

Sở hữu nụ cười "tỏa nắng", cô Đặng Thị Nhàn - giáo viên ngữ văn Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền (quận 12, TPHCM) dễ tạo thiện cảm với người đối diện.

Cô giáo 9x chia sẻ, tình yêu dành cho Ngữ văn nhen nhóm ngay từ phổ thông. Với cô, "Văn học là nhân học" - nơi cô học những bài học sâu sắc về đạo đức, về cách làm người. Đó cũng là một trong những động lực thôi thúc cô theo nghề, truyền tải tình yêu đó đến thế hệ tương lai.

Cô Nhàn luôn tìm cách trau dồi, bồi đắp thêm cho mình những phương pháp dạy học tích cực. Khi đứng lớp, cô không tự mình phân tích, diễn giải. Thay vào đó, cô gợi mở kiến thức cùng các em trao đổi, thảo luận để khám phá những kiến thức mới. Tiết học ngữ văn của cô Nhàn, vì thế, luôn sinh động và tràn ngập sự hào hứng.

Những bóng hồng cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ - 1
Cô Đặng Thị Nhàn - giáo viên trường THCS Nguyễn Hiền trong một tiết dạy Văn cho học sinh (Ảnh: Hải Long).

Không chỉ hướng dẫn các em lập kế hoạch đọc sách, cô còn khuyến khích hình thành quyển nhật ký đọc sách. Khi đọc được một ý thơ hay hoặc từ ngữ mới, học sinh có thể ghi chép lại và chia sẻ với cô. Nhờ đó, các bạn có thể trau dồi vốn từ và hình thành kỹ năng đọc sách, cảm thụ văn học.

Những nỗ lực của cô Nhàn phần nào đã được ghi nhận qua những thành tích như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, danh hiệu Giáo viên giỏi cấp trường, Giáo viên chủ nhiệm giỏi đến giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp quận, giải Nhì danh hiệu Giáo viên giỏi cấp quận… Hiện cô Nhàn còn theo chương trình cao học, với mong muốn nâng cấp chuyên môn và vững kiến thức.

"Động lực lớn nhất với cuộc đời đi dạy của mình là sự tin tưởng của phụ huynh và sự yêu thương của học trò. Tất cả những điều đó thôi thúc mình rèn luyện mỗi ngày", cô tâm sự.

Những bóng hồng cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ - 2
Cô Nhàn và đại diện ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Hiền đón nhận món quà tri ân nhân ngày 20/11 của nhãn hàng Enchanteur (Ảnh: Hải Long).

4 năm làm giáo viên chủ nhiệm, 8 năm phụ trách dạy tiếng Anh tại trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM), cô Cẩm Nhung cho biết, đến với nghề như một định mệnh và biết ơn vì được trở thành cô giáo.

Hoàn cảnh khó khăn, cô vào Đại học Sư phạm TPHCM để không phải trả học phí. Năm thứ 3 đi thực tập, gặp trực tiếp học trò, cô cảm nhận sự gần gũi, thân thiết với các em nhỏ nên tình yêu với nghề dần nảy nở và ngày một lớn lên khi giảng dạy tại trường Lê Văn Thọ từ năm 2009.

"Gặp học sinh, chính sự hồn nhiên, nét trong trẻo, đáng yêu, những khoảnh khắc, chia sẻ đơn giản nhưng chân thành của các em tiếp thêm nghị lực cho tôi vượt mọi biến cố, lạc quan mỗi ngày", cô Nhung chia sẻ.

Có hôm, đang dạy tiết cuối, một em khóc thút thít, bảo: "Con nhớ mẹ". Cô xuống động viên, an ủi. "Từ đó về sau, bé quấn quýt theo mình. Ra chơi cũng chạy lại ôm cô. Tình yêu với học sinh cứ thế lớn dần theo năm tháng", cô Nhung trải lòng và cho biết, mỗi khi vào tiết dạy, nhìn các mầm non trong veo, mọi buồn phiền tan biến.

Những bóng hồng cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ - 3
"Được dạy học, gặp gỡ học trò hàng ngày là điều hạnh phúc nhất của tôi", cô Cẩm Nhung chia sẻ (Ảnh: Hải Long).

Là giáo viên Tiếng Anh, cô ước mong học sinh tự tin ứng dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, cuộc sống và hội nhập với thế giới.

Giải khuyến khích Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp thành phố; Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố… là những dấu mốc đáng nhớ. Nhưng với cô Nhung, động lực phấn đấu hàng ngày là nhìn thấy học sinh ham thích học tập, chủ động tìm tòi nghiên cứu. Do đó, tìm phương pháp dạy và học sáng tạo, giúp học sinh hiểu nhanh, nhớ bài ngay trên lớp luôn là mục tiêu hướng tới và là thách thức mà cô Nhung đặt ra hàng ngày cho bản thân mình.

Những bóng hồng cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ - 4
Cô Cẩm Nhung trong hoạt động tri ân nhà giáo do nhãn hàng Enchanteur tổ chức (Ảnh: Hải Long).

Với cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên dạy âm nhạc, trường Tiểu học Trần Quang Cơ (quận 12, TPHCM), niềm hạnh phúc nhất trong ngày là được gặp gỡ học trò, nhìn thấy các em ngoan ngoãn, chiều về sum họp bên mâm cơm gia đình cùng chồng con.

"Chưa khi nào tôi thôi yêu nghề. Tình yêu âm nhạc, mong muốn mang lại những tiết học vui tươi, tiếp thêm năng lượng cho học trò nhỏ vẫn vẹn nguyên như ngày mới ra trường", cô Ngân chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp bảo rằng "chỉ có tiết học của cô Ngân, học sinh mới phấn chấn, sôi nổi như vậy", tiếp thêm động lực cho cô giáo 9X gắn bó với lớp, với trường, với đam mê từ thuở nhỏ.

Cô Ngân là giáo viên dạy nhạc duy nhất của trường Trần Quang Cơ. Từ cô gái non tuổi đời, tuổi nghề, 10 năm qua, cô gái quê Đắk Lắk nỗ lực hoàn thiện bản thân, đạt giải Nhất Giáo viên dạy giỏi âm nhạc cấp quận, khẳng định thực lực trong lĩnh vực giảng dạy âm nhạc trên địa bàn TPHCM. 

Gần 10 năm vào Sài Gòn, cô cảm thấy tình người nơi đây ấm áp. Mỗi lúc khó khăn  có bạn bè, đồng nghiệp ở trường giúp đỡ. Đó là khi cô gặp biến cố sức khỏe, lúc mất chiếc xe là phương tiện đi lại duy nhất, cả trường đã giúp đỡ để cô gom góp mua được chiếc xe cũ, là những lời động viên để cô vượt qua nỗi nhớ quê, nỗ lực hết mình trong công việc, mang tới những tiết học chất lượng.

"Chỉ cần làm việc bằng tất cả tấm chân tình, trách nhiệm, bạn sẽ nhận lại kết quả xứng đáng", cô tự nhủ. Do đó, trong giờ dạy học, cô cố gắng chuẩn bị tốt nhất, để âm nhạc phát huy tối đa vai trò "chữa lành, xoa dịu, đẩy lùi mọi áp lực" cho học sinh. Nếu là buổi học về nhạc cụ dân tộc, cô chuẩn bị sáo, trống, kèn, thay vì mở bản nhạc và cho lớp nghe qua loa. Các em được hát ca, hoạt động (dậm chân, vỗ tay…) giúp những giờ học luôn sôi nổi, hào hứng.

Những bóng hồng cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ - 5
Cô Ngân cho biết sẽ gắn bó với công việc dạy nhạc dài lâu, mang lại niềm vui cho các học trò nhỏ của mình (Ảnh: Trần Đạt).

Ước mơ của cô là trường có thể thiết kế phòng học nhạc riêng cho học sinh, để các em có không gian riêng sống, tận hưởng những giây phút thư giãn cùng âm nhạc. Những em có năng khiếu sẽ được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời.

Có hơn 6 năm gắn bó với nghề giáo, cô Phạm Thị Phương Anh (trường Tiểu học,Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Sky-Line, Đà Nẵng) tâm sự, đã có lúc cô rời bục giảng một thời gian ngắn. Và ngày ấy, tiếng chào của học trò cũ thôi thúc cô trở lại với trường lớp, gắn bó với nghề giáo.

Những bóng hồng cần mẫn dạy tri thức cho thế hệ trẻ - 6
Cô Phương Anh mỗi ngày càng thêm gắn bó với nghề nhờ tình yêu thương học trò (Ảnh: Hoài Sơn).

Không chỉ soạn giáo án, cô Phương Anh luôn nghĩ làm sao để học sinh không chỉ được học mà còn trải nghiệm những giờ hạnh phúc khi đến trường. "Vừa là giáo viên, tôi vừa làm bạn với học trò để cô trò gần gũi, từ đó, không khí lớp học luôn lan tỏa năng lượng tích cực, giờ học hiệu quả", cô Phương Anh chia sẻ.

Đồng nghiệp của cô Phương Anh là cô Hà Thị Hoài Nghi - tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, theo nghề giáo để thực hiện ước mơ từ thuở bé của mình.

 Những ngày giãn cách xã hội vì Covid-19, cô Nghi tham khảo, học hỏi để xây dựng những tiết học trực tuyến sinh động như trực tiếp. "Tôi lồng ghép kiến thức trong giờ học, vui như những buổi biểu diễn văn nghệ là cách để học sinh cùng tương tác với giáo viên, học mà chơi, chơi mà học hiệu quả", cô nói.

20/11, chia sẻ về dự định sắp tới, các cô giáo đều có cùng mong ước, đó là nhìn thấy học trò chăm ngoan, trưởng thành hơn, trở thành người có ích cho xã hội, biết giúp đỡ gia đình, cộng đồng, bao dung, nhân ái.