Người Nhật dạy con ngoan nhờ "cái ôm 8 giây" và "5 phút thủ thỉ"
(Dân trí) - Người Nhật tin rằng khi một người mẹ truyền đạt tình yêu của mình với con một cách khéo léo bằng việc ôm, thủ thỉ, đứa trẻ ngay lập tức có thể thay đổi thành một đứa trẻ tốt.
Không "chạy đua" theo các phương pháp giáo dục sớm thần kì, những điều người Nhật làm để nuôi dạy những em bé khỏe mạnh và hạnh phúc vô cùng đơn giản, nhưng lại khiến cho cha mẹ khắp nơi phải ngả mũ khâm phục và học hỏi.
Ở xứ sở hoa anh đào, "cái ôm 8 giây" và "5 phút thủ thỉ" là hai phương pháp giáo dục trẻ của giáo sư nổi tiếng Nhật Bản Shichida được nhiều bậc phụ huynh nước này áp dụng. Phương pháp này không chỉ giúp truyền đạt hiệu quả tình yêu của bố mẹ đến trẻ mà còn giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn, vâng lời.
Hệ thống phương pháp Shichida là những triết lý nuôi dưỡng con cái nhưng điều đặc biệt là nó lại hướng vào các bậc cha mẹ. Cha mẹ là những người học phương pháp và cũng là những người thực hiện nó. Nếu phụ huynh thực hiện tốt phương pháp sẽ có tác dụng hiệu quả rèn luyện phẩm chất trong một đứa trẻ, khắc sâu lòng nhân ái, biết chăm sóc cho những người khác, tinh thần hợp tác và sự chân thành.
Trẻ dễ tiếp nhận và lưu giữ thông tin khi chập chờn vào giấc ngủ
Mỗi buổi tối trước khi con đi ngủ là một thời điểm tuyệt vời để các bà mẹ, các ông bố thể hiện tình cảm với con, đặc biệt khi bạn đã xa con cả một ngày dài. Ở Nhật có nhiều ông bố bận rộn đi làm về muộn nhưng vẫn cố gắng dành thời gian buổi tối nằm ru con ngủ, đọc truyện cho con nghe, thì thầm với con những lời yêu thương hay kể chuyện, kể về ước mơ của mình cho con nghe.
Theo nghiên cứu khoa học, lúc trẻ chập chờn vào giấc ngủ, mọi thông tin trẻ nghe sẽ được lưu giữ hoàn toàn vô thức vào não bộ.
Con người có 5 sóng não: Gamma: sợ hãi; Beta: bình thường; Alpha: thư giãn nhẹ; Theta: thư giãn sâu; Delta: trạng thái ngủ.
Khi con người ở trạng thái Theta tức là trạng thái thư giãn sâu trước khi ngủ, lúc này tiềm thức bạn mở ra và tiếp nhận thông tin hiệu quả nhất.
Vì vậy, nó lý giải cho bài viết này là tại sao nên "thủ thỉ" với con trước khi con chìm vào giấc ngủ.
Khi một đứa trẻ tiếp nhận những lời thủ thỉ lúc chúng vừa ngủ, những lời thủ thỉ này có thể êm ái đi vào tiềm thức của con. Các nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản như Shichida, Ibukai Masaru khuyên rằng cha mẹ hãy ru ngủ cho con bằng bài hát, trò chuyện hay nói về những gì mình muốn khuyên con... sẽ có hiệu quả rất lớn.
Mục đích của phương pháp này là dùng những lời lẽ yêu thương, những mong muốn tích cực bạn dành cho con, giúp điều chỉnh những nét tính cách không tốt ở con, đồng thời giúp cải thiện chức năng não bộ của con và cải thiện trí nhớ; thay đổi đứa trẻ nổi loạn thành đứa trẻ biết vâng lời, biến đứa trẻ thiếu tự tin thành đứa trẻ tự tin, đầy nhiệt huyết.
Các bước mà bố mẹ cần thực hiện trong phương pháp này:
1. Thủ thỉ chính: [Tên của bé], bố/mẹ biết hiện giờ con đang ngủ rất ngon, nhưng một phần trong não con vẫn còn thức và lắng nghe những điều bố/mẹ đang nói với con. Và con sẽ nhớ tất cả mọi điều bố/mẹ nói.
2. Thủ thỉ về tình yêu thương: [Tên của bé], bố/mẹ thương con nhiều lắm. Con là một đứa trẻ rất ngoan. Bởi vì con lúc nào cũng vui vẻ và lễ phép, bố/mẹ thương con rất nhiều.
3. Thủ thỉ về mối liên hệ giữa bố/mẹ và con: Bố/mẹ lúc nào cũng ở bên con nên con sẽ không bao giờ phải cảm thấy cô đơn và lo lắng điều gì hết.
4. Thủ thỉ về sự thay đổi mà bạn mong muốn ở con: [Tên của bé], con là một thiên tài... Con sẽ có thể tự thay đổi…
5. Cuối cùng, hãy kết luận bằng nêu ra những lợi ích khi con tự thay đổi và nghe lời.
Một người mẹ mong muốn con của mình sẽ ngoan ngoãn tự giác ngủ trưa. Thực hiện theo các bước của phương pháp trên, mỗi tối trong vòng 5 phút sau khi con vừa ngủ, mẹ sẽ nhẹ nhàng thì thầm vào tai của con mình:
"Bông, con yêu của mẹ, con đã ngủ say chưa? Mẹ biết hiện giờ con đang ngủ rất ngon, nhưng một phần trong não con vẫn còn thức và lắng nghe những điều mẹ đang nói.
Bông là một đứa trẻ luôn vui vẻ, biết vâng lời, là một đứa trẻ ngoan nên bố và mẹ và tất cả mọi người đều rất yêu thương con. Mẹ tự hào về con, con gái yêu. Bố mẹ lúc nào cũng ở bên con nên con sẽ không bao giờ phải cảm thấy cô đơn và lo lắng điều gì hết.
Bông à, con là một thiên tài nên mẹ tin con có thể tự thay đổi thói quen ngủ của mình. Con sẽ cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn trưa. Khi điều đó xảy ra, con hãy tự vào giường ngay lập tức và con sẽ ngủ rất ngon. Con sẽ thích ngủ trưa rất nhiều, mẹ chắc chắn đấy. Con sẽ cảm thấy thật thoải mái và tốt hơn khi con có một giấc ngủ trưa thật ngon đấy".
Có một số ghi nhớ mà bố mẹ nên nằm lòng khi thực hiện phương pháp này. Trước hết, việc gì cũng cần thời gian, không thể nào ngày một ngày hai mà hiệu quả ngay được, bố mẹ cần kiên nhẫn làm theo đúng các bước trên một cách đều đặn và liên tục (mỗi đêm). Nên nhớ không nói nhiều hơn 4 lời thủ thỉ mỗi lần và mỗi lời thủ thỉ phải hợp lý, thực tế. Hãy kiên nhẫn và điều kì diệu sẽ xảy ra.
Kích thích "hormone hạnh phúc" giúp trẻ
Giáo sư Shichida tin rằng, bằng cách này, đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc của bố mẹ và điều đó sẽ thúc đẩy trẻ làm nhiều điều tốt, điều hay để làm cho bố mẹ hạnh phúc.
Đây là phương pháp giúp trẻ được nuôi dưỡng động lực và tính độc lập. Cách thực hiện phương pháp này vô cùng đơn giản: Khi bé hoàn thành công việc nhà mà mẹ giao, như giúp đỡ mẹ quét nhà, hoặc tưới cây, hoặc dọn bát ăn cơm,… hãy ôm bé vào lòng và thì thầm những lời khen ngợi. Cùng lúc đó, tiếp tục ôm con trong 8 giây, khi đó tình yêu từ cha mẹ sẽ được truyền đến trái tim của con.
Các bố mẹ hãy nhớ, kết quả của phương pháp "cái ôm 8 giây" sẽ không đạt được nếu được thực hiện chỉ vì nghĩa vụ hay thực hiện một cách qua loa, hời hợt. Bố mẹ phải thật chú tâm, yêu thương quan tâm con thật nhiều, tôn trọng và tin tưởng vào những khả năng của con, tránh la mắng và phàn nàn về con.
Cũng theo các nghiên cứu khoa học, việc ôm có thể giúp trẻ tiết ra hormone hạnh phúc và kết nối.
Cũng theo nguyên tắc nuôi dạy con nhờ "hormone hạnh phúc", cha mẹ Nhật còn có một cách khác đó là rèn cho con thói quen dậy sớm để vui đùa dưới ánh nắng mặt trời.
Bí mật sâu xa của điều này chính là cha mẹ Nhật đã thực hành hàng ngày những việc làm vô cùng đơn giản để giúp con sản sinh ra nhiều "hormone hạnh phúc" - Serotonin, đây là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ giúp loại bỏ cảm giác lo lắng, căng thẳng để thay thế bằng cảm giác an toàn, thư giãn hơn; giúp não bộ duy trì trạng thái khỏe mạnh và cân bằng; giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ và giấc ngủ…
"Ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng" là thói quen sinh hoạt cơ bản của gần như mọi đứa trẻ Nhật Bản, những thói quen này được cha mẹ Nhật rèn luyện cho con ngay từ khi con mới chào đời và duy trì nó như một yếu tố quan trọng để hình thành tính tự lập cho con.
Có thể dễ dàng nhận ra rằng, ba thói quen sinh hoạt này chính là chìa khóa giúp cho trẻ em Nhật Bản luôn giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng "sức khỏe" của trẻ em trên khắp thế giới, không chỉ thế, nó còn góp phần tạo nên những em bé luôn tràn đầy sinh lực, có sức mạnh tinh thần đáng khâm phục và biết cách làm chủ cảm xúc của mình.
Theo các chuyên gia giáo dục và bác sĩ tại Nhật Bản, khái niệm "bộ não buổi sáng" rất quan trọng đối với trẻ, ngay từ khi trẻ mới chào đời. Lý giải điều này, các bác sĩ cho rằng, nếu ngay từ nhỏ, trẻ được tắm nắng và vận động nhiều vào buổi sáng (trưa) thì não bộ của trẻ sẽ được kích thích thông qua sự tiếp xúc của 5 giác quan để qua đó giúp các serotonin phát triển.
Chỉ với một bí kíp đơn giản là cho con dậy sớm, chơi đùa dưới ánh nắng mặt trời mà hầu hết mọi đứa trẻ ở Nhật Bản đều "ăn ngon, ngủ kĩ" và vô cùng khỏe mạnh, vui vẻ.
Rõ ràng, dù bạn chọn dạy con bằng phương pháp nào thì quan trọng nhất vẫn xuất phát từ tình yêu, kiên nhẫn, sự chân thành. Bởi lẽ, trẻ cần tình yêu hơn là kỷ luật trong quá trình khám phá, học hỏi những điều hay lẽ phải.