Nghề “trong bóng tối”

Sau khi tốt nghiệp ngành Truyền thông Thị giác, Đan Nguyễn (cựu sinh viên trường ĐH California, Mỹ) đã tự học “disc jockey” (DJ), biểu diễn ở hơn 20 quốc gia và cộng tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

Tạo ra điểm độc đáo

Khi mới bắt đầu công việc DJ, Đan Nguyễn tự học mọi thứ trên mạng. Anh tìm một nghệ sĩ DJ tại Mỹ để xin theo học. Học loại hình này khá tốn kém, vì phải mua đĩa than Vinyl, máy quay đĩa, loa, bộ điều chỉnh âm thanh…

Mỗi ngày, người học cần tập luyện và làm quen với việc giữ và chà đĩa. Đây là một trong những bước khó của người mới tập. “Lúc đó, mình chỉ có chiếc laptop, một phần mềm chỉnh nhạc. Cứ thế, mình bắt tay vào học dù thiếu rất nhiều thiết bị”, Đan Nguyễn kể.

Đến nay, Đan Nguyễn đã có hơn 15 năm làm DJ và nổi tiếng với nghệ danh Demon Slayer. Theo anh, kỹ thuật hiện nay phát triển hơn so với trước nên sự sáng tạo trong DJ đã mất đi rất nhiều.

Nhiều DJ chỉ chơi các bài hát thịnh hành, nổi bật trên các bảng xếp hạng. Điều này làm mất đi nét riêng biệt của từng DJ. Ở Mỹ, sự cạnh tranh trong nghề này rất lớn. Những DJ trẻ dễ chìm nghỉm giữa một rừng tài năng, nếu như không tìm được điểm độc đáo của cá nhân để khai phá.


Đan Nguyễn.

Đan Nguyễn.

“Mình phải liên tục biến hóa trong âm nhạc, sử dụng thêm nhiều “gia vị” âm thanh ở nhiều quốc gia để khán giả nhớ đến. Sự khác biệt trong cách “mix” nhạc của mình là dung hòa giữa sự thư thái và giai điệu sâu lắng.

Ngoài ra, mình còn chú ý việc chọn lựa bài hát cho từng tiết mục, từng chương trình cụ thể, phong cách trình diễn và kỹ thuật sân khấu. Cảm hứng âm nhạc của mình thường phụ thuộc vào chính khán giả, ngay tại thời điểm chơi nhạc.

Mình chọn khoảng 20 bài hát trong kho 200 bài đang có để trình diễn. Mình cũng thường xuyên mang những bài hát Việt vào các bản phối để giới thiệu âm nhạc quê hương đến người hâm mộ”, Đan Nguyễn chia sẻ.

Ngoài vai trò là một DJ, Đan Nguyễn còn được biết đến như một họa sĩ graffiti, giám đốc sáng tạo của các công ty quảng cáo. Các tác phẩm graffiti của anh xuất hiện tại khắp các thành phố lớn trên thế giới, như: Los Angeles, Luân Đôn, Thượng Hải…

Theo Đan Nguyễn, hai công việc này hỗ trợ cho nhau rất nhiều, vì chúng đều xuất phát từ sự sáng tạo của nghệ sĩ. Việc di chuyển liên tục qua các nền văn hóa khác nhau tạo nguồn năng lượng và cảm hứng sáng tác cho anh.

Đan Nguyễn nói: “Với các triển lãm graffiti, thông thường, phòng trưng bày hoặc nhà quản lý dự án sẽ liên hệ với mình để hợp tác. Có thể, họ đã biết đến sản phẩm của mình qua Internet hay qua lời giới thiệu của đồng nghiệp. Điều mình yêu thích nhất là làm ra những ý tưởng và biến chúng thành nguồn cảm hứng cho người xem”.

Đi đâu rồi cũng về Việt Nam

Khi mới bắt đầu chơi DJ, Đan Nguyễn chưa bao giờ xem đó là “công việc”. Với anh, đó là đam mê, là khoảng thời gian tạo nên ký ức vui vẻ cho mọi người. Nhiều người cho rằng, DJ là nghề dễ kiếm tiền nhưng Đan lại nghĩ khác.

Bạn sẽ có nhiều cách khác để kiếm được nhiều tiền hơn, vì công việc này đòi hỏi chất sáng tạo, sự hy sinh và thời gian làm việc không cố định: “Đây có thể là một công việc “trong bóng tối”, nếu bạn không nỗ lực giới thiệu tên tuổi đến khán giả. Mình cũng có thời điểm phải tạm dừng chơi DJ để làm công việc khác, kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở Mỹ, như: Thiết kế “poster”, viết nhạc quảng cáo…

Chưa kể, quan điểm của nhiều người về DJ còn khá tiêu cực. Nhưng cách bạn nhìn nhận và thể hiện sẽ khiến quan điểm đó thay đổi”.


Đan Nguyễn còn là một họa sĩ graffiti.

Đan Nguyễn còn là một họa sĩ graffiti.

May mắn của Đan Nguyễn là được gia đình ủng hộ nhưng họ cũng lo lắng việc liệu anh có thể sống được với nghề DJ hay không. Ba mẹ anh muốn con theo học một nghề thiết thực như bác sĩ, luật sư để… an toàn.

Anh, vì thế, luôn phải trả lời những câu hỏi từ người thân, như: “Đó có phải là một công việc thật sự?”; “Làm thế nào để nuôi gia đình, khi không kiếm ra tiền từ nghề DJ?”… Sau khoảng thời gian nhìn thấy nỗ lực của Đan Nguyễn trong âm nhạc và nghệ thuật, ba mẹ đã rất tự hào và chấp nhận công việc của con trai.

Quá trình làm nghệ thuật của Đan Nguyễn tuy chậm rãi nhưng luôn đạt được hiệu quả nhất định. “Đôi khi, mình cảm thấy không chắc chắn về con đường này. Mình luôn muốn được làm gì đó để giúp đỡ cộng đồng, như trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Sau đó, mình nhận được nhiều e-mail hoặc gặp một số người biết đến mình qua âm nhạc. Họ nói, mình là nguồn cảm hứng, sự lạc quan của họ. Âm nhạc của mình thúc đẩy họ làm việc nhiều hơn, đam mê nhiều hơn. Điều đó như lời cảm ơn rất lớn cho nhiều năm làm nghề của mình”, anh chia sẻ.


Một tác phẩm graffiti của Đan Nguyễn.

Một tác phẩm graffiti của Đan Nguyễn.

Đi biểu diễn ở nhiều quốc gia, phải đến năm 2012, Đan Nguyễn mới có buổi biểu diễn đầu tiên ở Việt Nam, trong một chương trình đón Năm mới. Với anh, đó là khoảng thời gian tuyệt vời, như một đứa con lưu lạc được trở về nhà. Từ đó, anh về nước tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật hơn.

Hiện tại, anh đã về ở hẳn tại Sài Gòn: “Mình đang sống ở quận 4, giữa một thành phố năng động và con người hòa đồng. Dù đã đi nhiều nơi, mình cảm thấy cuộc sống ở đây thật tuyệt vời, tràn đầy sức sống. Mình nghĩ rằng, đi đâu rồi mình cũng về Việt Nam, vì đó là quê hương. Thời gian tới, mình sẽ thực hiện nhiều dự án về âm nhạc và vẽ graffiti cùng các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam”.

Theo Thuận Tùng

Sinh viên Việt Nam