Nghệ An: 30 trung tâm ngoại ngữ tạm dừng hoạt động, giải thể

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Trong hơn một năm qua, do chịu tác động của đại dịch Covid-19, tại Nghệ An hàng loạt trung tâm ngoại ngữ tạm dừng hoặc giải thể.

Ngày 24/6, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An - cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 176 trung tâm ngoại ngữ, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu người học. 

"Hiện nay Nghệ An có 30 trung tâm ngoại ngữ phải tạm dừng hoặc giải thể vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, có một số trung tâm ngoại ngữ đã "bỏ chạy" sau khi đoàn thanh tra của Sở kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm", ông Khoa cho biết.

Nghệ An: 30 trung tâm ngoại ngữ tạm dừng hoạt động, giải thể - 1

Một trung tâm ngoại ngữ trên đường Trần Phú, thành phố Vinh bị đóng cửa (Ảnh: M.H).

Theo đó, sau khi kiểm tra, Sở này đã đình chỉ 3 trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Vinh gồm: Trung tâm Anh ngữ SAS, tại địa chỉ 74-76, đường Trần Phú; Trung tâm Anh ngữ AMES, 41 Trần Phú và Trung tâm Anh ngữ A Plus, số 58, Nguyễn Phong Sắc.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Khoa, hiện nay, Nghệ An có khá nhiều trung tâm phát triển nhanh về quy mô và duy trì tốt chất lượng đào tạo với hơn 74.000 học viên đang theo học và gần 2.500 học viên được cấp chứng chỉ. Các trung tâm này đã triển khai dạy cho hơn 100.000 học sinh trong các cơ sở giáo dục tham gia học tiếng Anh tăng cường.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An - khẳng định: "Quan điểm của Sở là phải cạnh tranh lành mạnh, các trung tâm cần hoạt động theo đúng giấy phép đăng ký và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sở sẽ đồng hành với các trung tâm để phát triển tốt nhất nhưng sẽ xử lý nghiêm những trung tâm hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ".

Nghệ An: 30 trung tâm ngoại ngữ tạm dừng hoạt động, giải thể - 2

Ngoài những trung tâm hoạt động kém hiệu quả, hiện nay vẫn còn nhiều trung tâm ngoại ngữ tại thành phố Vinh có số lượng học sinh đăng ký học nhiều.

Cũng theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc công khai thông tin trên phần mềm quản lý và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cơ sở giáo dục biết, lựa chọn và giám sát.

"Sở chỉ đạo nghiêm túc để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm khi trên địa bàn xảy ra sai phạm về tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, các trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ "đội lốt" để dạy thêm văn hóa khi chưa được cấp phép. 

Chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra một số trung tâm chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động công khai. Hiện nay có khá nhiều đơn vị sử dụng công nghệ, mạng xã hội để quảng bá hình ảnh trung tâm chưa đúng thực tế, chưa đúng nội dung được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị", ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.

Hiện nay, tại các trung tâm ngoại ngữ, việc quản lý giáo viên và sinh hoạt chuyên môn chưa đúng theo quy định, đặc biệt là giáo viên nước ngoài. Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp chưa được chú trọng. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm