Nâng cao chất lượng giáo viên từ bài toán “đặt hàng”

(Dân trí) - Không có quy hoạch trong việc đào tạo giáo viên dẫn đến việc nơi thừa, nơi thiếu. Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp, các tân giáo viên lại “khổ sở” để tìm đến với nghề. Đây cũng là mấu chốt khiến cho ngành Sư phạm không còn “nóng” như trước kia.

“Đặt hàng” để tránh đào tạo thừa

Với việc hình thành các hệ thống đào tạo nhân lực ngành Sư phạm (SP) bất hợp lý nên dẫn đến quy hoạch cũng như “đặt hàng” gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì nói về dự báo cũng như quy hoạch thì ngành SP được coi là dễ nhất.

Tuy nhiên, hiện tại chỉ có trường SP thuộc UBND các tỉnh/thành phố thì mới có sự “đặt hàng” bởi ngân sách đào tạo do chính địa phương chi trả. Đối với các trường SP trực thuộc Bộ GD-ĐT, thuộc các ĐH vùng hoặc trường đặc thù thì điều này chưa được thực hiện. Chỉ tiêu cấp hàng năm vẫn chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo, sau khi tốt nghiệp tân giáo viên vẫn phải tự thân vận động để tìm kiếm cơ hội đến với nghề.
 
Trách lãng phí trong đào tạo sư phạm và xóa tiêu cực trong tuyển dụng sẽ là nâng

Trách lãng phí trong đào tạo Sư phạm và xóa tiêu cực trong tuyển dụng sẽ là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên (Ảnh minh họa)

Xét về một khía cạnh nào đó, khi địa phương “đặt hàng” để đào tạo thì phải có trách nhiệm sử dụng nguồn nhân lực này nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Nhiều tân giáo viên thuộc các trường SP địa phương vẫn không thể đến được với nghề bởi phải trải qua kì thi tuyển công chức (có thể là xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai - PV). Trong khi đó, các địa phương vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên nên thường mở rộng đối tượng được phép tham gia kì thi tuyển công chức. Sự chồng chéo này một lần nữa cho thấy nghịch lý: Quy hoạch một đằng nhưng tuyển dụng lại một nẻo.

Còn đối với các trường không có đơn “đặt hàng” từ các địa phương trong đó có cả các trường trọng điểm (ĐH SP Hà Nội, ĐH SP TPHCM - PV) thì lại đang phải tự thân vận động. Từ việc trước kia chỉ chuyên đào tạo SP thì giờ đây họ phải mở thêm một số ngành ngoài SP để kiếm thêm nguồn thu để phát triển.

Một chuyên viên của Bộ GD-ĐT phụ trách quản lý khối trường SP chia sẻ: “Thật ra Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến phương án là chỉ giao cho một số trường đào tạo giáo viên cho cả nước. Địa phương nào có nhu cầu thì đặt hàng các trạng này. Đây phải là những trường có chất lượng để đảm bảo đầu ra tốt nhất. Về lý thuyết là như vậy nhưng khi thực hiện không phải là dễ bởi không có cơ chế thực hiên. Hơn hết đó là ngay chính các địa phương cũng khó mà đồng tình khi mà trong tay họ đang quản lý một trường SP đào tạo tại chỗ”.

Bản quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 của Bộ GD-ĐT được hình thành nhằm xác định được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực của ngành, góp phần đảm bảo lực lượng để tiến hành công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này. Bản quy hoạch cũng đã đưa ra được những con số dự báo về đội ngũ giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên đây mới là tổng thể chung còn con số cụ thể ở từng địa phương vẫn đang là một ẩn số cần phải có lời giải đáp.

Và sẽ xóa bỏ tiêu cực trong tuyển dụng

Nói về công tác tuyển dụng giáo viên, một số hiệu trưởng ở Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù nhà trường là nơi sử dụng giáo viên nhưng nguồn thì lại do đơn vị khác tuyển dụng và bố trí điều động về. Chính vì thế rất khó để đánh giá được năng lực thực sự của các em. Nhiều em vượt qua kì thi tuyển công chức được bố trí về dạy, mặc dù là bằng giỏi nhưng thú thực năng lực là rất yếu”.

Cùng quan điểm này, một chuyên viên của Bộ GD-ĐT đánh giá thêm: “Đây cũng là một bất cập trong tuyển dụng hiện nay. Bởi đánh giá về năng lực, chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy thì chỉ có người trong ngành mới có thể nhìn nhận được một cách thấu đáo. Đối với các đơn vị ngoài ngành học có thể tổ chức được các môn cơ sở còn đánh giá về thực hành e rằng là khó”.

Cùng vì bất cập này mà một số trường được phổ thông được giao thí điểm tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên thường dùng giải pháp “đặt hàng” các đơn vị có truyền thống đào tạo để hút được nguồn nhân lực giỏi. Bên cạnh đó nhà trường lại đứng ra tổ chức thi tuyển, sát hạch một cách công khai nên chất lượng giáo viên của trường luôn ở mức cao. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn đối với các trường ngoài công lập có uy tín.

Theo thầy L.T.H, giáo viên của một trường chuyên thì sở dĩ ngày nay ít thí sinh khá giỏi theo học SP không hẳn bởi là kém sức thu hút mà nguyên nhân chủ yếu là sau khi tốt nghiệp, các em không thể tìm kiếm được việc làm bởi những “tiêu cực” trong tuyển dụng. Chỉ khi nào chúng ta tạo ra một cơ chế để tân giáo viên đến được với nghề bằng chính năng lực thực sự thì lúc đó chắc hẳn nhiều em sẽ đầu đơn dự thi vào ngành.

“Theo tôi phương án “đặt hàng” là một bài toán hiệu quả nhưng liệu sau khi đào tạo xong các địa phương có tiếp nhận nguồn nhân lực do chính mình yêu cầu tạo ra hay không thì cần phải xem xét kỹ càng. Nếu “đặt hàng” xong rồi lại không sử dụng thì sự lãng phí sẽ tăng lên gấp bội phần” - thầy H. chia sẻ.

Bài toán nâng cao chất lượng giáo viên không phải là quá khó. Bên cạnh nó nếu chúng ta dùng số tiền lãng phí trong khâu đào tạo ngành SP hàng năm để chi trả thêm lương cho giáo viên và chấm dứt tiêu cực trong khâu tuyển dụng thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ có chuyển biến tích cực. Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa dù có được thực hiện tốt đến đâu đi nữa nhưng nếu đội ngũ nhà giáo chưa đạt chất lượng cần thiết thì việc cải cách giáo dục cũng chỉ là mang tính chất hình thức.

S.H