Nam sinh trường nghề đạt 27,25 điểm xét tuyển đại học khối C

Hoàng Lam

(Dân trí) - Với 27,25 điểm khối C, Lê Đăng Thạch chứng minh rằng nếu học nghiêm túc, học sinh trường nghề không thua kém trường phổ thông. Tốt nghiệp THPT, em còn có trong tay bằng Trung cấp Nghề để bước vào đời.

Nam sinh trường nghề đạt 27,25 điểm xét tuyển đại học khối C - 1
Lê Đăng Thạch (hàng sau, thứ 5 từ phải qua) cùng cô giáo và các bạn trong lớp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Lê Đăng Thạch (Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam, TP Vinh, Nghệ An) xuất sắc đạt 27,25 điểm xét tuyển đại học khối C (Ngữ văn 8,5 điểm, Lịch sử 9,25 điểm và Địa lí 9,5 điểm). Đây được coi là thành tích không nhỏ đối với học sinh trường nghề này.

Với điểm xét tuyển này, cơ hội vào học đại học nhóm đầu của Thạch rộng mở hơn bao giờ hết. Thế nhưng, những ngày này, Thạch vẫn miệt mài đi làm thợ sơn vì em đã có kế hoạch khác cho mình.

Trước đây vài năm, khi thi vào lớp 10 của một trường công lập, Lê Đăng Thạch trượt vì môn Toán chỉ được 1 điểm. Đây là cú sốc lớn đối với cậu học trò này bởi lẽ hoàn cảnh kinh tế gia đình em khó mà kham nổi học phí trường tư thục.

Hay là đi học nghề? Thạch suy nghĩ nhưng cậu vẫn muốn học hết chương trình THPT để sau này có nhiều cơ hội hơn.

Tìm hiểu và biết một số trường nghề vừa dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa, Thạch đăng ký vào Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Hơn nữa ngôi trường này miễn học phí cho học sinh.

Từ thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), Thạch khăn gói vào TP Vinh và được nhà trường bố trí ăn ở tại ký túc xá để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Thạch chọn nghề Điện vì thấy nghề này có cơ hội việc làm lớn.

Nam sinh trường nghề đạt 27,25 điểm xét tuyển đại học khối C - 2

Một giờ học của lớp Trung cấp Nghề Điện tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam.

Học được 1 năm thì bố qua đời, Thạch càng mong mau chóng kết thúc chương trình, cầm tấm bằng nghề để đi xin việc đỡ đần mẹ. Bởi vậy cậu chỉ chú trọng học nghề và có phần xem nhẹ việc học văn hóa nên trong 2 năm đầu, kết quả học tập cũng chỉ ở mức đủ để lên lớp.

Nhưng rồi, Thạch thay đổi suy nghĩ về sự học bởi em nhận ra rằng, nếu học hành nghiêm túc và có thể học được lên cao, cơ hội việc làm và tương lai sẽ rộng mở hơn.

Cân đối với việc chi phí học tập, cơ hội việc làm và đặc biệt là tình yêu với màu xanh bộ đội khiến Thạch thêm động lực để quyết tâm thi vào trường Quân sự.

"Vừa học nghề, vừa học văn hóa sẽ có nhiều cơ hội hơn bởi khi ngay sau khi tốt nghiệp THPT chúng em đã có trong tay tấm bằng Trung cấp Nghề để có thể lo cho tương lai của mình và giúp đỡ gia đình", Lê Đăng Thạch chia sẻ.

“Em đăng ký sơ tuyển vào trường Quân sự nhưng bị “trượt” vì quá nhẹ, còn thiếu những 2 cân nữa mới đủ tiêu chuẩn”, Thạch chia sẻ.

Cơ hội khoác lên người màu áo lính chưa thể thực hiện được nhưng Thạch vẫn học tập và ôn thi một cách nghiêm túc.

Cô Lê Thị Thái - giáo viên chủ nhiệm của Thạch - cho biết: “Thạch là một học sinh chịu khó, đề ra lịch học cụ thể và nghiêm túc thực hiện.

Thạch không giấu dốt, chỗ nào chưa hiểu em sẽ hỏi cô, hỏi bạn. Hết giờ học ở lớp, em nán lại tự ôn tập. Ban đêm sẽ xuống phòng học chung để học và hiếm khi về ký túc trước 12h đêm”.

Cô Thái cũng không quá bất ngờ với điểm số cậu học trò nghèo đạt được bởi quá trình ôn tập, luyện đề đã chứng minh được lực học của em. Giúp em ôn luyện, cô thường lấy đề thi thử của các trường chuyên để em thử sức.

Nam sinh trường nghề đạt 27,25 điểm xét tuyển đại học khối C - 3
Vừa học văn hóa, vừa học nghề là lựa chọn của nhiều học sinh hiện nay.

“Nhiều đề thi thử của trường chuyên nhưng Thạch làm rất tốt, có bài được điểm 10 nên kết quả này với tôi cũng không bất ngờ. Cũng hơi tiếc vì có câu em làm đúng nhưng do mất bình tĩnh nên khi khảo lại bài lại thay đổi đáp án dẫn đến bị sai”, cô Thái thông tin thêm.

“Khi không còn cơ hội vào trường Quân sự, em cũng rất buồn. Học trường khác không đúng với mơ ước của mình, hơn nữa điều kiện kinh tế của gia đình em cũng không cho phép.

Dù vậy em nghĩ mỗi lần thi là một lần cọ xát lấy kinh nghiệm, hơn nữa em muốn chứng minh học trường nghề không phải là lựa chọn "cùng đường" của học sinh kém.

Nếu nghiêm túc với việc học, có định hướng cụ thể thì không hề thua kém các bạn học sinh trường văn hóa. Hơn nữa, vừa học nghề, vừa học văn hóa sẽ có nhiều cơ hội hơn bởi khi ngay sau khi tốt nghiệp THPT chúng em đã có trong tay tấm bằng Trung cấp Nghề để có thể lo cho tương lai của mình và giúp đỡ gia đình”, Thạch tâm sự.

Vẫn nuôi ước mơ với màu áo lính, Thạch cho biết em sẽ không đăng kí xét tuyển đại học mà sẽ tiếp tục ôn luyện để năm sau thi tiếp. Hiện do đang chờ bằng Trung cấp Nghề từ nhà trường nên Thạch xin đi làm thợ sơn.

Mục tiêu của Thạch là sẽ đi làm giúp đỡ mẹ lo cho em ăn học, dành thời gian ôn luyện và đặc biệt là rèn luyện để trong kỳ thi năm tới em có đáp ứng điều kiện sơ tuyển vào trường Quân sự.