Tư vấn tuyển sinh 2023:

Muốn làm việc trong các tập đoàn viễn thông nên học ngành nào?

Mỹ Hà Nguyễn Liên

(Dân trí) - Thí sinh có thể chọn theo học các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử Viễn thông, Trí tuệ nhân tạo,... sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong các công ty, tập đoàn viễn thông.

Học sinh Quang Tuấn (Hải Phòng) hỏi: "Em muốn có cơ hội làm việc trong các tập đoàn viễn thông như Viettel, Mobifone… thì nên theo học ngành nào? Mức lương em có thể nhận được sau khi tốt nghiệp ngành này?".

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng Khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội trả lời:

Một trong những chương trình em có thể lựa chọn theo học là Điện tử Viễn thông.

Kỹ sư Điện tử Viễn thông có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty lớn như Viettel, VNPT, Mobifone, Vinaphone, Samsung, Toshiba, Panasonic, Intel, Qorvo, FPT Software, FPT, Vinfast, Infineon, Bosch, HCL,...

Hiện nay, chương trình Điện tử Viễn thông đào tạo các kiến thức về kỹ thuật mạch điện tử, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật vi xử lý, ngôn ngữ lập trình, thiết kế vi mạch, kỹ thuật xử lý tín hiệu, mạng máy tính và IoT, kỹ thuật y sinh, trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu.

Kỹ sư ngành Điện tử Viễn thông làm việc trong các lĩnh vực: thiết kế chế tạo thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, thiết bị y sinh, thiết bị IoT, vi mạch; phát triển phần mềm cho máy tính nhúng, phần mềm ứng dụng; vận hành, tối ưu mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị điện tử trong y tế, hàng không vũ trụ, nhà máy dây chuyền tự động hóa; phân tích và xử lý dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính.

Mức lương trung bình của kỹ sư Điện tử Viễn thông mới ra trường là 13-15 triệu/tháng và có thể đạt được mức 30 triệu/tháng sau 5 năm kinh nghiệm.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của chương trình Điện tử Viễn thông ở top 2-3 trong các ngành trường tuyển sinh. Tỷ lệ chọi thường khoảng 1:10 và điểm chuẩn những năm gần đây dao động từ 26-27 điểm.

Mùa tuyển sinh 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xét tuyển chương trình Điện tử Viễn thông theo 3 phương thức: Xét tuyển hồ sơ năng lực; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, nếu có thể, thí sinh nên tham gia tất cả các phương thức xét tuyển nói trên.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT trả lời:

Các em muốn làm việc trong các tập đoàn viễn thông có lương cao, dễ xin việc, có thể chọn ngành lớn đầu tiên là Công nghệ thông tin (CNTT). Từ ngành lớn và có độ phủ rất rộng này, sẽ đi sâu vào các ngành nhánh, hẹp hơn như: Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính,…

Những ngành này tập trung ở các trường đại học như: Đại học Bách khoa, Học viện Bưu chính Viễn thông.

Đại học FPT chỉ là một đơn vị cũng có các ngành liên quan như: CNTT, Công nghệ phần mềm, Trí tuệ nhân tạo,… 

Điểm chuẩn của các ngành này tùy từng trường nên thí sinh cần xem xét kỹ biến động qua từng năm để lựa chọn. Riêng Đại học FPT dự kiến điểm chuẩn các ngành này tương đương năm ngoái.

Đại diện Học viện Bưu chính Viễn thông trả lời:

Tất cả các ngành kỹ thuật của Học viện đều có thể làm việc ở các tập đoàn viễn thông như VNPT, Viettel hay FPT. Còn dễ xin việc hay mức lương cao đến đâu, phụ thuộc vào năng lực của sinh viên trong quá trình học.

Thống kê của đơn vị này trong vài năm trở lại đây cho thấy, các ngành sau tỷ lệ ra trường có việc làm cao nhất là: Công nghệ thông tin 98.28%; An toàn thông tin 100%; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử 74.07%; Kỹ thuật điện tử viễn thông 95.54%.

Dòng sự kiện: Tư vấn tuyển sinh 2023