Mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đợt 2 vào Trường Đại học Hồng Đức

Trần Lê

(Dân trí) - Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã có thông báo mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy đợt 2 năm 2021 vào nhà trường.

Theo đó, trong đợt này, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức nhận đăng ký xét tuyển vào 34 ngành đào tạo trình độ ĐH và một ngành đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ) hệ chính quy năm 2021.

Mức điểm nhận đăng ký xét tuyển cao nhất thuộc về các ngành đào tạo đại học sư phạm chất lương cao, như: Sư phạm Toán, sư phạm Vật lý, sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch với mức điểm nhận đăng ký xét tuyển là 24 điểm.

Các ngành đào tạo còn lại có mức điểm nhận đăng ký xét tuyển dao động từ 15-19 điểm. Riêng ngành đào tạo CĐ Giáo dục mầm non có mức nhận xét tuyển là 11,33 điểm (đối với 2 môn thi văn hóa).

Mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đợt 2 vào Trường Đại học Hồng Đức - 1

Đối với các ngành đào tạo giáo viên: Thí sinh trúng tuyển được thực hiện các chế độ theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT là tổng điểm 3 môn thi ở tất cả các tổ hợp (không nhân hệ số, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống) và áp dụng cho thí sinh là học sinh phổ thông thuộc khu vực 3.

Đồng thời, mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 đối với thang điểm 10.

Đối với ngành đào tạo giáo viên chất lượng cao, tính theo tổng điểm 3 môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt từ 24,0 trở lên ở tất cả các tổ hợp (không có môn nào dưới 5,0 điểm) và môn chủ chốt của ngành đào tạo đạt từ 8,0 điểm trở lên (môn Toán đối với sư phạm Toán, môn Vật lý đối với sư phạm Vật lý, môn Ngữ văn đối với sư phạm Ngữ văn và môn Lịch sử đối với sư phạm Lịch sử); có học lực đạt loại Khá và hạnh kiểm đạt loại tốt ở cả 3 năm học THPT.

Tổ hợp xét tuyển các ngành có môn thi năng khiếu phải đảm bảo điểm năng thi năng khiếu đạt từ 5,0 trở lên.

Cụ thể năm 2019: Tổng điểm 2 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển + ưu tiên x 2/3 ≥ ngưỡng đảm bảo chất lượng (ĐH: 12,0 điểm; CĐ: 10,67 điểm).

Năm 2020: Tổng điểm 2 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển + ưu tiên x 2/3 ≥ ngưỡng đảm bảo chất lượng  (ĐH: 12,33 điểm; CĐ: 11,00 điểm).

Năm 2021: Tổng điểm 2 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển + ưu tiên x 2/3 ≥ ngưỡng đảm bảo chất lượng  (ĐH: 12,67; CĐ: 11,33. Riêng đối với Giáo dục thể chất: 12,00).

Mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đối với thí sinh xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học tập THPT là tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển ở 3 học kỳ (kỳ 1, kỳ 2 lớp 11 và kỳ 1 lớp 12) không tính điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng.

Các ngành có tổ hợp môn năng khiếu, mức điểm nhận đăng ký xét tuyển là tổng điểm trung bình của 2 môn văn hóa thuộc tổ hợp xét tuyển và điểm thi năng khiếu đạt từ 5,0 trở lên.

Trong trường hợp có 2 hoặc nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau (điểm xét tuyển là tổng điểm bao gồm cả điểm ưu tiên đối tượng và khu vực), theo thứ tự ưu tiên sau:

Ưu tiên 1: Thí sinh có tổng điểm 3 môn thi (trừ 2 ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất là tổng điểm 2 môn thi văn hóa) không bao gồm điểm khu vực, đối tượng (nếu có) cao hơn.

Ưu tiên 2: Thí sinh có điểm môn thi tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển cao hơn, cụ thể: Toán (sư phạm Toán); Lý (sư phạm Lý); Hóa (sư phạm Hóa); Sinh (sư phạm Sinh); Ngữ văn (sư phạm Ngữ văn); Địa (sư phạm Địa); Lịch sử (sư phạm Lịch sử); tiếng Anh (sư phạm tiếng Anh); các ngành còn lại, môn Ngữ văn (đối với các tổ hợp có môn Ngữ văn hoặc có cả Ngữ văn và Toán), môn Toán (đối với các tổ hợp khác).