Một trường đại học tăng chỉ tiêu bất thường, có ngành tăng 91 lần sau 2 năm

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Trong 2 năm liên tiếp, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhiều lần so với trước đó. Đáng nói, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tăng chóng mặt.

Chỉ tiêu tăng bất thường?

Năm 2023, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM vừa công bố tuyển 10.000 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo. Điểm mới đáng chú ý là trường chia ngành đào tạo thành các chuyên ngành nhỏ. Trong các chuyên ngành nhỏ lại xuất hiện hệ đại trà và chất lượng cao. Vì thế, từ 21 ngành cơ bản, trường đã "vẽ" ra thành 61 chương trình đào tạo.

Đáng nói, đây là năm thứ 2 liên tiếp trường này tăng chỉ tiêu đột biến. Nhớ lại năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.050, tăng đến 3.440 sinh viên so với năm 2021 chỉ có 1.610 chỉ tiêu. Việc tăng chỉ tiêu "khủng" dẫn tới điểm chuẩn nhiều ngành giảm tới cả chục điểm, nhiều nhất tới 11 điểm.

Một trường đại học tăng chỉ tiêu bất thường, có ngành tăng 91 lần sau 2 năm - 1
Số liệu chỉ tiêu, số sinh viên nhập học vào Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Số liệu do nhà trường công bố (Biểu đồ: Huyên Nguyễn)

Phân tích các thông số chỉ tiêu tuyển sinh 3 năm qua của trường này cho thấy nhiều bất ngờ.

Theo nhà trường công bố, tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến lên đến 10.000. Trong đó, "khủng" nhất là ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng với hai chương trình đào tạo của trường năm nay có tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 5.480. Chỉ một ngành này đã có chỉ tiêu cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2022. Nếu so với mức chỉ tiêu 810 của ngành này năm 2022 thì chỉ tiêu tăng gần 7 lần sau 1 năm. Còn so với 60 chỉ tiêu năm 2021 thì tăng tới hơn 91 lần.

Đó là chưa kể, trong năm 2023, ở lĩnh vực logistics, nhà trường còn đào tạo nhiều chuyên ngành thuộc các ngành đào tạo khác như chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ngành quản lý cảng và logistics (chương trình liên kết với Hàn Quốc, 2 năm đầu học tại Việt Nam 80 chỉ tiêu/ngành).

Ngoài ra, ngành kỹ thuật cơ khí có chuyên ngành công nghệ kỹ thuật logistics; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có chuyên ngành logistics và hạ tầng giao thông; khai thác vận tải có chuyên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức; khoa học hàng hải có chuyên ngành quản lý cảng và logistics. Các ngành trên đều có đào tạo chương trình chuẩn và chương trình chất lượng cao từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu.

Một trường đại học tăng chỉ tiêu bất thường, có ngành tăng 91 lần sau 2 năm - 2

Bảng so sánh chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM (Tổng hợp: Huyên Nguyễn).

Trường chưa cập nhật danh sách giảng viên

Việc Trường ĐH Giao thông vận tải THPT tăng chỉ tiêu chóng mặt khiến nhiều người bất ngờ bởi các ngành đào tạo của trường này khá đặc thù, khan hiếm đội ngũ giảng viên.

Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, tại đề án tuyển sinh, các trường phải công bố đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có danh sách giảng viên nhưng hiện trường này chưa công khai danh sách giảng viên trong đề án tuyển sinh năm 2023. Lục lại đề án tuyển sinh năm 2022 trên website của trường thì hệ thống báo lỗi, không thể truy cập.

PV tiếp tục tìm thông tin trong mục ba công khai cũng chỉ nhận được danh sách cán bộ giảng viên từ năm 2021 trở về trước.

Một trường đại học tăng chỉ tiêu bất thường, có ngành tăng 91 lần sau 2 năm - 3
Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM chưa cập nhật danh sách giảng viên từ năm 2022 đến nay (Ảnh chụp màn hình).

Trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông của một trường ĐH công lập ở TPHCM cho rằng việc tăng chỉ tiêu đột biến như vậy là rất khó hiểu.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực đào tạo tương ứng. Trong đó, quy định về số sinh viên trên một giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo.

Tính bình quân, mỗi giảng viên sau khi quy đổi có thể dạy khoảng 30 sinh viên, gồm cả số đang học và sẽ tuyển mới. Khi tăng chỉ tiêu tuyển sinh đột biến như vậy, nhà trường cần có một đội ngũ giảng viên "khủng khiếp" để đảm bảo theo quy định.

"Trường ĐH Giao thông vận tải đào tạo những ngành rất đặc thù và cực kỳ hiếm giảng viên có trình độ TS, PGS, GS; trình độ ThS kiếm cũng khó. Tôi cho rằng cần làm rõ về đội ngũ giảng viên đáp ứng việc giảng dạy", vị này cho hay.

Tương tự, một phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH khác cũng nhận định: "Mảng logistics hiện cực kỳ khan hiếm giảng viên. Năm rồi, chúng tôi tìm mãi mới được một tiến sĩ có chuyên ngành gần để đào tạo logistics. Vậy mà chỉ riêng năm 2023, trường xác định hơn 5.400 chỉ tiêu cho ngành này, chưa kể các chuyên ngành có liên quan. Không biết trường kiếm đâu ra số lượng giảng viên lớn như vậy".

Trước đó, Dân trí cũng đã phản ánh cách tuyển sinh "lạ lùng" năm 2023 của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM. Chưa hết đợt xét tuyển 1, thí sinh nộp hồ sơ đã ngay lập tức được thông báo trúng tuyển có điều kiện, hồ sơ không được rà soát kỹ lưỡng. Cách tuyển sinh này khiến nhiều người lo ngại về tính nghiêm túc của kỳ thi.

Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết sẽ kiểm tra các thông tin phản ánh về vấn đề tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM mà báo chí nêu.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, một trong các lỗi vi phạm mà người đứng đầu hội đồng tuyển sinh các trường và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật là xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP Chính phủ, với nhóm vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt tiền cao dần lên theo cấp, bậc học. Vượt từ 3% chỉ tiêu trở lên là bị phạt. Bên cạnh đó, việc các trường không công bố đề án tuyển sinh, không công khai đề án tuyển sinh, tuyển sinh sai đối tượng, tuyển vượt chỉ tiêu... đều có thể bị xử phạt tiền. Mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng cho một vi phạm.

Cùng với đó, sẽ có những chế tài phạt khác đi như buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu…