Thế hệ vàng sau chiến tranh:

May mắn khó tin của chàng trai sinh vào tuần đầu sau Giải phóng

Mẹ anh bị bệnh máu trắng, chạy hóa chất rụng hết tóc nên phải đội tóc giả để đi chụp ảnh thờ. Rồi mẹ anh có bầu, hồi đó bác sĩ đã khuyên nên bỏ cái thai để tránh nguy hiểm tính mạng nhưng mẹ vẫn lén giữ. Cuối cùng, như một may mắn, anh được chào đời. Lại may mắn hơn, anh được nhìn thấy mặt trời ngay tuần đầu tiên đất nước vừa giải phóng.

PGS.TS Dương Tuấn Anh. (ảnh: T.G)
PGS.TS Dương Tuấn Anh. (ảnh: T.G)
 
"Đẻ xong tôi chết cũng được"

PGS.TS Dương Tuấn Anh, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi như vậy về câu nói của mẹ anh mà anh được nghe kể lại. Anh còn hài hước khi chia sẻ với chúng tôi rằng: “Có rất nhiều thứ may mắn nếu không bây giờ tôi đang nằm trong một sọt rác nào đó”.

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngay từ ngày học cấp 1 anh đã được ra phường dự Lễ kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lúc đó phường chọn những người sinh từ 30/4 - 10/5 thì anh may mắn được sinh vào ngày 6/5/1975.

“Ngày nhỏ không nghĩ nhiều đến ngày sinh của mình nhưng được vài lần mời đi dự sự kiện đặc biệt của đất nước thì tôi ý thức được ngày sinh của mình rơi vào ngày đặc biệt của dân tộc, tôi thấy tự hào và có cả sự may mắn ở trong đấy”, PGS.TS Dương Tuấn Anh chia sẻ.

Việc anh ra đời cũng là cả một sự may mắn. Bố mẹ anh đều là thanh niên xung phong của Đoàn Thanh niên Tháng 8 Thủ đô. Năm 1970, mẹ anh sinh ra chị anh. Năm 1972 thì bà bị bệnh máu trắng, phải trị xạ rụng hết tóc. Lúc đó, mẹ anh tiên liệu sự xấu nên đã đội tóc giả đi chụp ảnh để thờ. Thời điểm đó kinh tế rất khó khăn, lại thêm bệnh tật rất vất vả.

Đến năm 1974, mẹ anh lại có bầu. Bác sĩ đề nghị bỏ thai vì “nguy hiểm cho tính mạng”, nhưng lúc đó mẹ anh bảo: “Tôi đau ốm bệnh tật như thế này rất muốn đẻ thêm con vì không biết sống chết thế nào. Đẻ xong chết tôi vẫn muốn giữ”. Sau đó, cũng rất may mắn vì có đoàn bác sĩ người Đức sang Việt Nam để cấy tủy thí nghiệm, mẹ anh được chữa bệnh miễn phí. “Ơn trời là mẹ tôi qua khỏi và sống khỏe mạnh đến bây giờ. Còn tôi đã có mặt trên đời”, anh chia sẻ.

Thi ngành Toán, thành tiến sỹ ngành Văn

Một may mắn nữa là cơ duyên đẩy anh sang ngành xã hội khi anh thi vào chuyên ban Toán bị thiếu điểm, nên được xếp sang ban Văn. Mới đầu dù không hài lòng nhưng khi nghe bố khuyên “Không phải ai cũng làm được điều mình muốn, quan trọng là làm tốt việc mình cần làm”, thế là anh không đổi ban nữa và đi theo một mạch đến giờ.

Khi thi đại học, anh đỗ cả ĐH Luật và ĐH Sư phạm Hà Nội. Trường Luật không có học bổng nên anh tính "bài" giảm bớt khó khăn cho gia đình và đi học Sư phạm. Khi ra trường anh chỉ nghĩ mình sẽ chỉ làm giáo viên cấp 3 và đã được thầy hiệu trưởng Trường THPT Hoàn Kiếm (trường anh từng học) gọi về dạy.

Tưởng rằng đó đã là một may mắn nhưng sau đó, anh lại được thầy Đặng Đức Siêu ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gọi về trường. Anh lên xin ý kiến của thầy giáo Hiệu trưởng Trường THPT Hoàn Kiếm lúc đó là thầy Hoàng Trọng Tuấn, thì thầy nói : “Em nên đi vì ở đây chỉ quanh quẩn thế này thôi nhưng sang ĐH Sư phạm em sẽ “bay” được”.

Trước đó, anh chưa bao giờ nghĩ mình là giảng viên đại học lại còn được nhà trường tạo điều kiện cho đi học thạc sĩ, cho học bổng đi học tiến sĩ - văn học cổ đại ở Trung Quốc. Vậy mà rồi, điều đó lại đến. “Tôi nghiên cứu cổ văn - thông hiểu văn hóa nên bắt nhịp được với cuộc sống ở Trung Quốc rất nhanh. Tôi không sợ xấu hổ khi luyện nói, những ngày đầu mới sang Trung Quốc, tuần đầu tiên tôi cứ lang thang ngoài chợ để học nói. Tôi nói sai được người Trung Quốc sửa cho rất nhiệt tình. Kỹ năng nghe và nói của tôi tăng lên rất nhiều sau một tuần ra chợ”, anh chia sẻ.

Nói về sự trưởng thành của mình, anh cho rằng, có thể vì bố mẹ đã để cho anh tự do nhiều hơn. Họ không ép con học quá nhiều, đi ngủ đúng giờ, còn bài có thể ngày mai học tiếp, việc chọn khoa, chọn trường cũng không áp đặt.

 “Sự phát triển trong cuộc đời đầy những thứ ngẫu nhiên, nằm ngoài những thứ mà mình dự liệu. Được sinh ra trong những ngày đầu đất nước được giải phóng, giang sơn thu về một mối đã là may mắn lớn. Tôi càng không thể nghĩ cuộc đời mình lại thành tiến sĩ, được phong hàm Phó Giáo sư vì tôi biết có rất nhiều người cũng phấn đấu, cũng cố gắng nhưng chưa được như vậy. Nên, có thể nói tôi là người may mắn”.  -  PGS.TS Dương Tuấn Anh

 

Theo Hạnh Mai

Báo Gia đình & Xã hội