Mấy đề xuất thay đổi khâu bảo vệ luận án tiến sĩ

Công bằng mà nói, khó có thể đòi hỏi nâng ngay chất lượng đào tạo tiến sĩ nước ta lên tầm quốc tế. Nhưng trước mắt, theo tôi, có thể làm ngay một việc khá đơn giản nhưng giúp cải thiện đáng kể chất lượng đào tạo tiến sĩ. Đó là thay đổi khâu bảo vệ luận án.

Hiện nay, bảo vệ luận án tiến sĩ chỉ thiên về hình thức. Nghiên cứu sinh đã biết trước câu hỏi phản biện từ lâu, nên việc trả lời chất vấn của hội đồng chuyên môn gần như là trả bài và buổi bảo vệ bị biến thành một màn kịch vụng về mà ai cũng biết trước đoạn kết. Thế nên mới có chuyện còn cả tháng nữa mới bảo vệ mà nghiên cứu sinh nào cũng lo đặt tiệc mừng ở nhà hàng hạng sang với băngrôn “Chúc mừng tân tiến sĩ...”.

Lần nọ, một vị giáo sư tên tuổi trong hội đồng đã phê phán khá nặng lời (nhưng đích đáng) luận án của một nghiên cứu sinh là không có phát hiện nào mới, còn nhiều “hạt sạn”, diễn đạt thiếu trong sáng, thiếu chính xác... và kết luận: nếu nghiên cứu sinh này thành tiến sĩ, hướng dẫn lại những người khác nghiên cứu khoa học thì không biết nền giáo dục Việt Nam sẽ đi đâu về đâu. Nhưng cuối cùng vị giáo sư ấy đã thua vì lá phiếu chống lẻ loi của ông là thiểu số so với sáu phiếu thuận. Nghiên cứu sinh ấy nghiễm nhiên thành tiến sĩ.

Cách thức thành lập hội đồng phản biện cũng không đảm bảo tính công bằng, khách quan. Số chuyên gia đầu ngành trong một lĩnh vực chuyên môn sâu không nhiều, thế nên cứ vòng vòng giáo sư A hướng dẫn, giáo sư B phản biện, lần sau lại giáo sư A phản biện, giáo sư B hướng dẫn... Kiểu làm ấy khó tránh khỏi nể nang, bỏ qua cho nhau để “nương tay” với học trò. Chưa kể nghiên cứu sinh và người hướng dẫn đều biết trước những thành viên của hội đồng phản biện nên tránh sao khỏi tiêu cực, “chạy” tiền.

Thử đề nghị vài thay đổi: 1/ có ít nhất một thành viên trong hội đồng phản biện đến từ nước ngoài, 2/ người của cơ sở đào tạo không được phản biện, 3/ nghiên cứu sinh và người hướng dẫn không được biết trước thành viên của hội đồng phản biện, 4/ câu hỏi phản biện phải được giữ bí mật.

Những biện pháp trên không quá khó nhưng sẽ giúp các “ông nghè” xứng đáng với bằng cấp của mình hơn.

Quan trọng là muốn làm, dám làm và biết làm.

Theo Thủy Nguyệt
Tuổi Trẻ