"Mất một phải bù hai", không còn lựa chọn nào ngoài học online

Hoài Nam

(Dân trí) - Khi trẻ chậm một tháng học thì các thiếu hụt đó cần ít nhất 2 tháng để bù đắp. Do vậy, lúc này, buộc phải chấp nhận giải học online để duy trì việc học cho trẻ - chuyên gia giáo dục nhận định.

Những khó khăn, lợi thế và cả tâm thế "không còn lựa chọn" với việc học online được các chuyên gia giáo dục đặt ra tại Hội thảo trực tuyến: "Học online & offline - Giáo dục trong thời kỳ bình thường mới" diễn ra ngày 4/9.

Mất một phải bù hai, không còn lựa chọn nào ngoài học online - 1

"Học online & offline - Giáo dục trong thời kỳ bình thường mới"

 Trẻ chậm học một tháng, cần ít nhất 2 tháng bù đắp

TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM nhắc lại thống kê vào tháng 4/2020 của UNESCO, 1,5 tỷ học sinh sinh viên (chiếm 91%) trên thế giới đã phải dừng đến trường, gián đoạn việc học do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

UNESCO cũng chỉ ra học sinh trong thời kỳ đại dịch mất đi 54% tiếp xúc giữa người học và người dạy. Tính theo hệ số nhân 2, nếu học sinh mất một tháng việc học thì việc thiếu hụt sẽ cần ít nhất 2 tháng để bù đắp.

Trẻ không duy trì việc học liên tục 3 tháng, 6 tháng sẽ mất cả năm, thậm chí mất nhiều thời gian hơn mới có thể bù đắp được. TS Thu Huyền lý giải, khi việc học không được duy trì liên tục, các kỹ năng, kiến thức của học sinh sẽ không ở yên đó mà sẽ mất dần đi.

Mất một phải bù hai, không còn lựa chọn nào ngoài học online - 2

Dạy học online là biện pháp học tập cần thiết trong bối cảnh mới.

Các nhà nghiên cứu cũng dùng mô hình dự đoán, chỉ ra học sinh lớp 1 của năm 2020, năng lực đọc ở các cột mốc lớp 3, lớp 6, lớp 8 sẽ thấp hơn học sinh vào lớp 1 ở các năm không vướng vào đại dịch. 

Theo TS Thu Huyền, đây là lời cảnh báo để chúng ta cùng tìm giải pháp. Trường học đóng cửa, chỉ có thể học từ xa, khi không chọn được cái tốt nhất là học trực tiếp thì cần chấp nhận giải pháp ít tốt hơn là học trực tuyến để duy trì việc học cho trẻ. 

"Không chỉ năm học này mà với tương lai bất định của thế giới, có thể vài năm tới cũng có thể duy trì việc học online, offline, kết hợp giữa online và offline một cách thường xuyên. Việc học không chỉ duy trì về mặt kiến thức, kỹ năng mà còn về mặt cảm xúc cho học sinh", TS Thu Huyền nhấn mạnh. 

Đối diện với phản ứng từ phụ huynh và cả giáo viên 

TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, khó khăn mà trường học, giáo viên nào cũng sẽ gặp phải là sự từ chối của phụ huynh, nhất là phụ huynh con ở lứa tuổi nhỏ. Phụ huynh gặp khó khăn trong việc sắp xếp vừa làm việc vừa hỗ trợ con học cùng với sự căng thẳng họ có thể trút lên con, lên nhà trường. 

Mất một phải bù hai, không còn lựa chọn nào ngoài học online - 3

Tất cả mỗi người đều cần phải học để thích nghi với điều kiện bình thường mới.

Đối với dạy học online, theo TS Thu Huyền cần một giải pháp có hệ thống tác động lên cả 3 lực lượng giáo dục gồm gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó việc đầu tiên nhà trường phải làm là giải đáp đến phụ huynh vì sao phải học online, cách thức để phụ huynh hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

Một vấn đề nan giải không kém chính là thiết bị, ngay cả những nơi phụ huynh có điều kiện vẫn gặp trục trặc. Việc học online đối các vùng xa sẽ là thách thức rất lớn.

Tại một tỉnh TS Thu Huyền đang tham gia hỗ trợ, qua khảo sát chỉ 33% học sinh có thiết bị điện tử có thể học online (gồm tivi, điện thoại, máy tính bàn, laptop)".

Bà Phạm Thùy Dương, Giám đốc điều hành hệ thống trung tâm và mầm non THT chia sẻ, không chỉ phụ huynh mà chính giáo viên cũng phản ứng. Nhất là ở bậc học nhỏ, giáo viên đã quen tương tác, làm việc trực tiếp với học sinh, để họ chấp nhận dạy online cũng là cả vấn đề.

Việc của các nhà lãnh đạo, quản lý là phải truyền cảm hứng, sự động viên để giáo viên và phụ huynh chấp nhận sự thay đổi. 

Chấp nhận sự thay đổi 

TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ năm 1999, bà đi học ở nước ngoài khi internet chưa phát triển, đã được lựa chọn học giữa online và học offline. Khi đó, bà đã thử học online và rất hứng thú vì chương trình thiết kế gợi mở được sự tò mò và khả năng tự học.

Mất một phải bù hai, không còn lựa chọn nào ngoài học online - 4

TS Nguyễn Kim Dung.

Theo chuyên gia giáo dục này, với người lớn để thay đổi một thói quen, phương pháp rất khó nhưng trẻ bắt nhịp rất nhanh, các em hiện rất thân thiện với công nghệ thông tin. Điều trẻ cần là sự hướng dẫn, đồng hành, lựa chọn chương trình học tập phù hợp từ bố mẹ, thầy cô. 

"Chính người lớn phải tạo tâm thế cho trẻ, trong bất cứ hoàn cảnh nào các con cũng có thể học được", TS Kim Dung nói. 

Từ việc trực tiếp giảng dạy và thực tế, ThS Nguyễn Phạm Khánh Vân cho rằng hiệu quả học online chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Phụ huynh cần biết sẽ không có kết quả tốt nhất ngay từ đầu mà cần thời gian, quá trình tìm sự phù hợp.

ThS, giảng viên Nguyễn Phạm Khánh Vân, là phụ huynh của 3 con, từ 8 - 18 tuổi. Chị kể con đầu của mình học ở Canada, việc học online diễn ra từ năm ngoái và trở nên bình thường. Đó là xu thế tất yếu của toàn thế giới và chúng ta phải chấp nhận. Đó cũng là tiền đề để học sinh tiếp nhận kiến thức ngoài trường học, mở rộng đón nhận những xu thế từ cuộc sống.

Là một người mẹ, chị Khánh Vân thấy việc "đưa trường lớp về tận nhà" có rất nhiều ưu thế. Bố mẹ không phải lo lắng chuyện đi lại, con đói con khát; là cơ hội để quan sát con mình học như thế nào, thái độ, khả năng tương tác với thầy cô, bạn bè ra sao, nắm được chương trình học của con... 

Mất một phải bù hai, không còn lựa chọn nào ngoài học online - 5

ThS Nguyễn Phạm Khánh Vân.

Với việc học online của trẻ, ai cũng cần cố gắng hết sức của mình. Theo chị Vân, bố mẹ hãy tận dụng cơ hội này để đồng hành cùng con, tạo điều kiện để con học online.

Cần bố trí góc học riêng tốt nhất cho con, không có đồ chơi làm con phân tâm; tăng cường hợp tác với giáo viên, quan sát để uốn nắn con... 

Yếu tố quan trọng tác động đến sự hứng thú của trẻ, hiệu quả của tiết học theo chị Khánh Vân là khả năng tương tác của người thầy. Lúc này, mỗi người đều cần phải học, phải nỗ lực để thích nghi với điều kiện bình thường mới.