Lựa chọn nghề "bác sĩ sông nước"

Với tiềm năng, giá trị kinh tế cũng như tình hình môi trường của ngành Thủy sản, lựa chọn trở thành “bác sĩ sông nước” là một trong những lựa chọn tốt, đầy tiềm năng và có nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ hiện nay khi thị trường lao động đang khan hiếm nguồn nhân lực này.

Đứng trước thực trạng khí hậu đang biến đổi ngày càng phức tạp, nghề thủy sản đang oằn mình chống chịu với thiên nhiên khi nước biển dâng khiến độ mặn các vùng nuôi tăng đột ngột, các yếu tố môi trường biến đổi khó kiểm soát, các trang trại khốn đốn với dịch bệnh triền miên gây thiệt hại hàng triệu đô mỗi năm cho ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, chưa kể đến trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta, tôm, cá, cua, mực... vẫn luôn bị nghi ngại rằng liệu có an toàn hay không mặc dù giá trị dinh dưỡng chúng mang lại là điều đã được khẳng định.

Thách thức đặt ra là làm sao có được đội ngũ nhân lực đủ năng lực để cùng người dân, các trang trại nuôi trồng thủy sản, các cơ sở ban ngành gánh vác trọng trách tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn về chất lượng, nghề thủy sản thân thiện với môi trường và có giải pháp ứng phó, phòng ngừa với vấn nạn dịch bệnh. Đội ngũ nhân lực ấy được gọi vui là những người làm nghề bác sĩ sông nước.

Các “bác sĩ sông nước” đang tác nghiệp
Các “bác sĩ sông nước” đang tác nghiệp
Thực tế rất nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan… về thủy sản cần các “bác sĩ sông nước” để giúp ngành nghề được phát triển
Thực tế rất nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan… về thủy sản cần các “bác sĩ sông nước” để giúp ngành nghề được phát triển

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế được xác định là Trung tâm đào tạo uy tín, chất lượng cao duy nhất về nông, lâm, ngư nghiệp. Năm 2016, lần đầu tiên trường đưa ngành Bệnh học thủy sản vào tuyển sinh với mã ngành: D620320. Ngành học nghe thì tuy mới nhưng thực tế, tiền thân của ngành nghề này là chuyên ngành Ngư Y (nằm trong ngành Nuôi trồng thủy sản - NTTS) do Bộ môn Bệnh thủy sản (BTS) trực thuộc khoa Thủy sản - 1 trong 8 khoa chuyên môn của nhà trường đảm nhiệm.

Trải qua hơn 10 năm thành lập (2005-2016), với đội ngũ giảng viên cơ hữu 1 PGS, 6 Tiến sĩ và 4 Thạc sĩ, bộ môn BTS đã và đang đào tạo cho thị trường lao động những kỹ sư thực sự có chất lượng, chuẩn về kiến thức - kỹ năng - thái độ với tỷ lệ có việc làm sau ra trường gần như 100%.

Do khác với các năm trước đây khi việc tuyển sinh nghề vẫn gọi vui là Bác sĩ sông nước này không còn tuyển trong cùng mã ngành của NTTS mà có mã mới riêng (theo quyết định 2289/QĐ-BDGĐT ngày 06/07/2016 của Bộ GD&ĐT) nên dường như thí sinh rất ít biết tới nghề này để lựa chọn. Bởi vậy sau khi kết thúc đợt tuyển sinh nguyện vọng một, số lượng thí sinh đăng ký nhập học vào ngành còn rất thấp (chỉ mới hơn 10%). Hiện vẫn còn gần 50 chỉ tiêu cho đợt tuyển sinh bổ sung nguyện vọng 2 sắp tới cho các bạn thí sinh! (Chi tiết xem tại: http://tuyensinh.huaf.edu.vn ; số Hotline tư vấn: 0905.376.055).

Chuyên gia Vương quốc Anh về làm việc với bộ môn Bệnh học Thủy sản, Đại học Nông lâm – Đại học Huế
Chuyên gia Vương quốc Anh về làm việc với bộ môn Bệnh học Thủy sản, Đại học Nông lâm – Đại học Huế

Tuy còn nhiều thách thức trong nghề nhưng với tiềm năng, giá trị kinh tế cũng như tình hình môi trường của ngành thủy sản, lựa chọn trở thành bác sĩ sông nước là một trong những lựa chọn tốt, đầy tiềm năng và có nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ hiện nay khi thị trường lao động đang khan hiếm nguồn nhân lực này.

Từ những năm 1980 đến nay, thủy sản được xem là ngành kinh tế tiên phong trong quá trình đổi mới, đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế nước ta. Theo tinh thần quyết định số 10/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, ngành thủy sản cần “Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả các lĩnh vực ngành thuỷ sản, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao....”, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thuỷ sản bền vững trước thực trạng dịch bệnh trên động vật thuỷ sản ngày càng gia tăng. Điều này cần có nguồn nhân lực có chuyên môn về bệnh học thuỷ sản để giúp nhà nước và người nuôi quản lý và khống chế dịch bệnh.

Khoa Thuỷ sản, trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế bắt đầu đào tạo chuyên ngành Ngư Y (sau này là Bệnh học thuỷ sản) thuộc ngành Nuôi trồng thuỷ sản từ năm 2007 với quy mô đào tạo 50 sinh viên/năm. Sau 10 năm đào tạo với gần 500 kỹ sư ngành Bệnh học thuỷ sản với tỷ lệ có việc làm sau 6 tháng ra trường đạt hơn 90%, đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình. Sau nhiều năm tập trung đào tạo, đến nay nguồn nhân lực của bộ môn Bệnh thuỷ sản (Khoa Thuỷ sản) đã có hơn 80% cán bộ giảng dạy có chuyên môn cao về bệnh học thuỷ sản được đào tạo sau đại học từ các nước phát triển trên thế giới như Vương quốc Anh, Nhật Bản, Bỉ, Australia, New Zealand... Hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh thuỷ sản tại khoa được xây dựng và phát triển, trong đó, phòng thí nghiệm Vi sinh và Bệnh thuỷ sản, đã được Chương trình VLIR-IUC (Vương quốc Bỉ) trang cấp các máy móc, thiết bị nghiên cứu bệnh thuỷ sản hiện đại đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, học viên cao học và sinh viên ngành Bệnh học thuỷ sản.

Hợp tác giữa Bộ môn Bệnh Thủy sản với Công ty Aquacity (Nhật Bản)
Hợp tác giữa Bộ môn Bệnh Thủy sản với Công ty Aquacity (Nhật Bản)

Năm 2016, Khoa Thuỷ sản đã được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành đào tạo Bệnh học thuỷ sản (số 2289/QĐ-BDGĐT ngày 06/07/2016) với chỉ tiêu 50 sinh viên/ năm nhằm đào tạo Kỹ sư Bệnh học thuỷ sản cho các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Thú y, Chi cục Thuỷ sản, các Công ty giống, các Công ty thuốc thú y thủy sản... cho cả nước. Ngành Bệnh học thuỷ sản với chương trình đào tạo hợp lý kết hợp hài hoà giữa kỹ thuật nuôi và quản lý dịch bệnh, với cơ hội việc làm phong phú đang trở thành ngành học đầy hứa hẹn cho sinh viên ngành Thuỷ sản của trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế.

Khóa Sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp – K40
Khóa Sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp – K40

PV