Bạn đọc viết:

Lớp học Lịch sử chỉ có 36/90 sinh viên theo học và người thầy đặc biệt

Nguyễn Thị Thúy Hiền

(Dân trí) - "Bao nhiêu sinh viên thầy cũng dạy, quan trọng là các em học với thầy phải nghiêm túc, tích cực".

30/4 - 1/5/2021, chúng tôi vẫn ngậm ngùi gọi là kỳ nghỉ lễ (chào mừng ngày Giải phóng miền Nam và Quốc tế Lao động) dài nhất trong lịch sử. Lần thứ ba này, sự trở lại của Covid-19 lại đặt ra một thách thức lớn trên tất cả các lĩnh vực, giáo dục cũng không phải là ngoại lệ.

học trực tuyến là giải pháp thích ứng an toàn trong bối cảnh này. Ắt hẳn, việc học tập trực tuyến còn đó những khó khăn, vất vả. Nhưng là một sinh viên năm 2, đã học rất nhiều môn, tiếp cận với các công cụ hỗ trợ học trực tuyến như UPM, Zoom, Google Meet… trong thời gian rất dài, tôi thấy học trực tuyến có những giá trị lớn.

Tuy nhiên, cũng như học trực tiếp, việc học trực tuyến của mỗi sinh viên, ở mỗi học phần, cùng mỗi giảng viên sẽ thu lại những kết quả ở những mức độ khác nhau. Tôi vẫn nghe học sinh trung học phổ thông than vãn "Học trực tuyến thế này thì làm sao qua được Toán 11, hiểu Lịch sử 12, hay phân tích được thơ văn đây?".

Đấy là các em chưa hiểu được nỗi lòng của sinh viên khi đối mặt với Toán cao cấp, Logic học đại cương và chưa nếm trải nỗi "ám ảnh" của các anh chị đối với các học phần lý luận chính trị "khó nhằn" như Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, hay Xã hội học đại cương…

Thế nhưng, nguồn cảm hứng của những giờ học trực tuyến lại xuất phát từ người thầy. Đó là cảm nghĩ của tôi khi học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với sự đồng hành của PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Tôi đã từng hoang mang khi tên giảng viên xuất hiện trên cổng thông tin điện tử của trường, lo sợ khi thấy thư điện tử ký tên thầy Liệu gửi đến trước buổi học đầu tiên, lập tức mở giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam lật đi lật lại thật kĩ càng và vội vã bật camera, chuẩn bị âm thanh cùng một tâm thế sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng cho buổi học của thầy.

Song, trái ngược hoàn toàn với những gì bản thân đã nghĩ, đã cảm trước đó, đến với Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là khi có sự đồng hành của thầy trong những bài giảng, tôi mới thấy: Lịch sử Đảng không hề khô khan, nhàm chán như người ta nói mà trái lại, rất hay, lý thú. Và PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cũng không hề "đáng sợ" như tôi đã lầm tưởng.

Lớp học Lịch sử chỉ có 36/90 sinh viên theo học và người thầy đặc biệt - 1

PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHXH&NV, giảng viên bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những bài học của thầy luôn được sắp xếp bố cục hợp lý theo những mốc lịch sử nhất định và xoáy sâu vào những vấn đề trọng tâm. Chúng tôi không còn ngộp thở với những tiết học quá nhiều chữ hay chán nản đến mức chả buồn học những sự kiện nối tiếp không hồi kết.

Thầy gói ghém nguồn cảm hứng học Sử cho chúng tôi chủ yếu qua hình ảnh, video và bằng những dấu mốc quan trọng. Để từ đó, những tiết học của thầy như kêu gọi sự tò mò, khơi gợi niềm hứng thú và dẫn lối chúng tôi đến với Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam một cách tự nhiên, say mê và đầy hứng khởi.

Việc học trực tuyến cũng không cản trở được sự tương tác giữa chúng tôi với thầy. Vô số câu hỏi được thầy đặt ra yêu cầu chúng tôi không ngừng động não vì bản thân có thể bị gọi bất cứ lúc nào và vì chúng tôi muốn chinh phục những dấu cộng khó nhằn đến từ thầy. Kể cả nội dung câu hỏi hay đề thi giữa kỳ vừa qua, sẽ thật xui xẻo thay nếu ai đó nghĩ rằng tất cả sẽ có trên mạng.

Những câu hỏi mở, theo dạng đề mở không khó nhưng không tìm hiểu kĩ thì chẳng dễ dàng chút nào. Điều đó kích thích tư duy, khơi dậy nguồn cảm hứng, hẳn là mục đích của thầy và là đường đi của chúng tôi để đến với Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đừng hỏi tại sao lớp học hơn 90 sinh viên chỉ còn lại 36 người học. Bởi chúng tôi ở đây cùng thầy là để tìm hiểu Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam một cách nghiêm túc.

"Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Cũng như thầy chia sẻ: "Bao nhiêu sinh viên thầy cũng dạy, quan trọng là các em học với thầy phải nghiêm túc, phải tích cực". Và bản thân tôi tự hào là một trong số 36 con người đang cùng người thầy đặc biệt ấy lĩnh hội những tri thức sử học nước nhà.

Hy vọng rằng, đời sinh viên của các bạn cũng sẽ được một lần may mắn như tôi, gặp được những người thầy "truyền lửa" như vậy.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục, học sinh sinh viên giáo viên mọi miền sẽ thích ứng hoàn toàn với việc học trực tuyến. Và đặc biệt, hi vọng rằng, thời kỳ khó khăn này sẽ qua mau, Covid-19 sẽ bị đẩy lùi sớm, để ngày đến trường hội ngộ thầy cô, bạn bè yên mến không còn xa nữa.