Lời tâm sự của một sĩ tử

Chúng tôi đã nghe đến ù tai những lời trách móc, lên án hành vi gian lận trong thi cử. Chúng tôi đã xấu hổ đến tím mặt về những sai trái mà bạn bè chúng tôi mắc phải được nêu ra. Nhưng đâu có phải lỗi hoàn toàn do chúng tôi?

Tôi nghĩ đến lập luận của một số bạn bè trong lớp. Họ trốn học, bỏ bê bài vở, hoang phí, đàn đúm. Khi tôi hỏi tại sao không cố gắng học tập để đỗ đạt. Các bạn ấy ung dung trả lời: “Tao có bị 10 con số 0, cuối năm thầy cô cũng tự nâng cho đủ điểm, nếu không, họ sẽ bị phiền toái trước. Hơn nữa, cha mẹ tao đã có lịch đi thăm viếng đầy đủ rồi. Còn thi tốt nghiệp hằng năm, mày thấy có ai rớt không?”

 

Mới đầu học kỳ 2 mà ban giám hiệu đã to nhỏ với hội phụ huynh bàn việc góp tiền phục vụ kỳ thi. Uỷ ban năm nay cũng nhập cuộc để tỉ lệ tốt nghiệp phải ở hàng đầu. Tỉ lệ đậu là 100% chắc trong tay rồi.

 

Tại sao các bậc cha mẹ phải làm cái trò đút lót tập thể hàng năm trong các mùa thi? Tại vì họ biết con cái mình còn kém cỏi. Tại sao chúng tôi phải cặm cụi nắn nót từng tờ phao, phải ô nhục giấu giếm chỗ này, chỗ khác, phải gục đầu lấm lét làm chuyện gian dối? Tại vì chúng tôi không hiểu bài. Bài kế tiếp bài. Không hiểu càng không hiểu. Đến bước đường cùng, chúng tôi phải làm công việc không hay ấy để cầu may.

 

Tôi xin góp ý một hoạt động bất hợp lý đã xảy ra tại một số trường, địa phương, đó là xin chấm dứt tình trạng tổ chức dạy thêm đại trà, bắt buộc tại các trường công lập.

 

Tình trạng dạy tư trong trường công lâu nay gây ra những tai hại khủng khiếp: Làm chai lỳ tính năng động chăm học của học sinh.

 

Đã mở lớp dạy thêm buổi chiều tại trường công, tất nhiên học sinh buổi sáng học thầy nào, buổi chiều phải theo học thầy ấy. Không chỉ vì lẽ sợ bị trù úm, mà còn là đạo lý. Không học thầy mình, tức là chê thầy dở. Vậy có thể còn nhìn nhau vui vẻ tại lớp nữa không?

 

Nếu gặp giáo viên dạy buổi sáng giỏi, thì hà tất phải học thêm buổi chiều. Nếu giáo viên dạy buổi sáng không giỏi, học sinh buộc học thêm buổi chiều, vậy số phận những người này sao đây?

 

Việc bắt buộc học sinh học tư buổi chiều tại trường công lập còn gây tác hại đến sự nghiệp giáo dục của giáo viên. Cũng là tốt nghiệp đại học, các thầy cô dạy toán, lý, hoá, văn, Anh văn... thì hầu như buổi chiều nào cũng kín giờ, tiền thu thêm cũng được kha khá. Trong khi các thầy cô dạy công dân, sử, địa, thể dục thì hầu như không dạy được gì. Thậm chí có nhiều vị phải xin giữ xe đạp hoặc quét sân trường. Sự kiện này phát sinh sự phân hoá trong giáo viên. Các vị không thể dạy thêm được thì sinh ra bất mãn.

 

Việc tổ chức dạy tư bắt buộc tại trường công trong buổi chiều còn gây nhiều ảnh hưởng cho các hoạt động của nhà trường. Tôi nhớ trong các năm trước, khi chưa có dạy thêm buổi chiều, cơ sở trường rảnh rang, các buổi sinh hoạt đoàn, tập văn nghệ, hội họp, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi trong học sinh. Từ ngày có dạy tư trong trường công, các hoạt động trên biến mất.

 

Hãy trả lại không khí trong lành ngày xưa cho các ngôi trường.

 

Hãy để trường “công ra công, tư ra tư” một cách minh bạch.

 

Theo Ngô Thuỳ Linh
Lao Động