Làng đại học bên sông Cầu

Nếu trước đây, ngôi làng bên dòng sông Cầu lịch sử được biết đến bởi những tấm lụa tơ tằm óng ả, thì nay, Vọng Nguyệt nổi tiếng trên đất Kinh Bắc bởi khả năng phát huy truyền thống hiếu học của mình.

Trước năm 1994, cả thôn Vọng Nguyệt mới có một người đỗ đại học (ĐH). Đấy là nỗi buồn cho những người có tâm huyết với nghề dạy học ở thôn Vọng Nguyệt như tâm sự của bà Chử Thị Vượng - Hội trưởng hội khuyến học thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
 
Theo bà Vượng, nguyên nhân làm cho một thôn có truyền thống hiếu học như Vọng Nguyệt không có nhiều sinh viên ĐH là: “Vào thời kỳ ấy, những học sinh (HS) giỏi của thôn, cứ học hết cấp III là thôi học ở nhà đi cày. Bởi học cao cũng không thoát được cái cảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau”.

Ông Nguyễn Tiến Cảnh - Chủ tịch hội cựu giáo chức xã Tam Giang bộc bạch: “Tình trạng HS lúc đó bỏ học về đi cày không chỉ là nỗi bức xúc của thôn mà còn là trăn trở của những thầy giáo già trong xã”.

Để cổ vũ tinh thần học tập trong toàn xã, Hội cựu giáo chức Tam Giang được thành lập với đa phần là những thầy cô giáo đã về hưu. Đầu năm 1995, hội chủ trương xây dựng chương trình “ba tiếng trống học ban đêm”. Đấy không chỉ là lời thúc giục các em nhanh chóng ngồi vào bàn học mỗi buổi tối mà còn là lời động viên thúc giục các em tham gia phong trào học tập, nâng cao tri thức.

Vọng Nguyệt là thôn đi đầu trong phong trào “ba tiếng trống”. Để khuyến khích các cháu trong thôn thi đua học tập, ngày 15/11/1995 hội khuyến học của thôn ra đời, đây là hội khuyến học đầu tiên của cả huyện Yên Phong.

Hàng ngày, vào lúc 19 giờ, khi ba tiếng trống học đêm điểm lên, những cựu giáo viên trong hội khuyến học cùng với chính quyền thôn lại đi kiểm tra tình hình học tập của các em.

Bà Vượng kể: “Ngày đầu thực hiện chương trình rất khó khăn, nhiều gia đình chưa ý thức được việc học nên chỉ làm cho qua chuyện, còn nhiều gia đình lúc đó con cái còn phải làm giúp bố mẹ công việc nhà thời gian đâu mà ngồi vào bàn học”.

Tuy nhiên, bằng lời lẽ động viên giải thích, những món quà nhỏ cho những gia đình nghèo có con chăm học, phong trào cũng lên dần dần.

Kể từ khi phong trào “ba tiếng trống học ban đêm” ra đời, ngoài đường làng vắng hẳn tiếng trẻ con, tất cả đang chăm chú cho việc học ở nhà. Những HS chăm ngoan thì được hội khuyến khích khen thưởng, những HS chưa chăm học thì bị phê bình trên loa phát thanh của thôn.

Chính những hoạt động tích cực của hội cùng chương trình “ba tiếng trống” làm cho bộ mặt của thôn thay đổi nhiều. Năm đầu tiên thực hiện chương trình, cả thôn có 3 em đỗ ĐH, 2 em đậu CĐ. Đấy là những kết quả động viên cho những người có tâm huyết với việc học ở thôn. Năm 1996, cả thôn có 6 em đỗ ĐH.

Năm 2006, Vọng Nguyệt có 26 em đỗ ĐH và 17 em đỗ CĐ. Năm 2007 là năm mà những người như bà Vượng hết sức lo lắng bởi đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thí điểm thi trắc nghiệm, với những HS ở nông thôn như quê bà thì việc thích ứng với cách thi mới là hết sức khó khăn. Kết quả vượt qua sức mong đợi: cả thôn có 34 em đỗ ĐH, 17 em đỗ CĐ, chiếm gần 50% số lượng HS đậu ĐH của xã Tam Giang góp phần giúp Tam Giang vươn lên thành xã có thành tích học tập xuất sắc nhất tỉnh Bắc Ninh..

Có được thành tích học tập vượt bậc như vậy không chỉ có một phần đóng góp của những cựu giáo chức có tâm huyết với việc học của thôn, xã, mà theo bà Vượng, nguyên nhân chủ yếu là “do dân trong thôn nhận thức được lợi ích của việc học không chỉ nâng cao tri thức mà còn làm thay đổi cuộc sống của gia đình và con cái họ”.

Tiếng thoi đưa chỉ vẫn vang lên trong những ngôi nhà bên dòng sông Như Nguyệt, nhưng bên cạnh những tấm lụa mượt mà là những tấm gương hiếu học của những gia đình, của dòng họ trong thôn, càng làm cho ngôi làng có truyền thống lịch sử lâu đời này thêm phần đa sắc.

Theo Trần Thị Bình
VOV