Lần đầu tiên huyện miền núi Nam Trà My đưa thư viện vào lớp học

Công Bính

(Dân trí) - Trong mỗi lớp học là một thư viện mini để các em không phải đi xe trong giờ giải lao hay ra chơi. Đây là mô hình mới được Trường PTDTBT tiểu học và THCS Trà Nam, huyện Nam Trà My áp dụng.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) có sáng kiến tạo một thư viện nhỏ hay còn gọi là "thư viện con" trong mỗi lớp học.

Đây là trường đầu tiên ở huyện miền núi Nam Trà My đưa mô hình thư viện này vào phục vụ học sinh.

Lần đầu tiên huyện miền núi Nam Trà My đưa thư viện vào lớp học - 1

Một góc thư viện con trong mỗi lớp học ở trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, lâu nay các trường đều sử dụng thư viện truyền thống. Nghĩa là mỗi trường đều có một thư viện chung để cho học sinh cả trường cùng sử dụng. Điều này cũng có cái tiện và bất tiện.

Tiện là vào một nơi, các em có thể tìm được nhiều cuốn sách mình thích và cần, có nhiều bạn cùng trao đổi… Nhưng cũng có bất tiện là thư viện chung thường đông, nhiều đầu sách khiến học sinh tốn thời gian tìm kiếm lâu hơn. Hơn nữa, các em lại phải di chuyển xa hơn, nhất là trong những lúc mưa gió…

Lần đầu tiên huyện miền núi Nam Trà My đưa thư viện vào lớp học - 2
Lần đầu tiên huyện miền núi Nam Trà My đưa thư viện vào lớp học - 3

Mỗi kệ sách có nhiều loại sách khác nhau.

Với ý tưởng đưa thư viện vào lớp học, học sinh có thể đọc sách vào giờ nghỉ giữa giờ, trong giờ ra chơi mà không phải di chuyển đi xa. Trong mỗi phòng học, nhà trường trang bị ở một góc phòng học một vài kệ sách nho nhỏ, trong đó là sách của lứa tuổi hay lớp học mà các em đang học.

Trong giờ ra chơi hay nghỉ giữa giờ, các em có thể ở yên trong lớp và lựa chọn loại sách mà các em thích và ngồi đọc tại chỗ.

Lần đầu tiên huyện miền núi Nam Trà My đưa thư viện vào lớp học - 4

Một góc đọc sách tại lớp học của các em học sinh.

Thầy Võ Đăng Chín chia sẻ: "Trong mỗi lớp học là vài kệ sách nhỏ, trong các kệ này có đủ các loại sách, truyện phù hợp cho lứa tuổi của các em đang học. Mỗi tuần, sách và truyện được luân phiên đến các lớp học khác nhau trong trường để các em khỏi nhàm chán và luôn có sách, truyện mới để đọc".

Ngoài ra, nhà trường cũng có một thư viện chung, gọi là thư viện thân thiện. Tại đây, học sinh tự do ngồi đọc thoải mái. Thư viện này cũng chính là thư viện "tổng", dùng để điều hành các "thư viện con" ở các lớp học; nghĩa là sách và truyện được luân chuyển để các em học sinh của trường luôn luôn được tiếp cận cái mới.

Lần đầu tiên huyện miền núi Nam Trà My đưa thư viện vào lớp học - 5

Không gian lớp học là một thư viện con, giúp các em không di chuyển đi xa mà luôn được tiếp cận cái mới để đọc.

Hiện trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam có 338 em học sinh ở 2 cấp học; tổng cộng có 12 "thư viện con" được tổ chức để các em thuận tiện trong tiếp cận tri thức mới. Ngay cả ở các điểm trường thôn cũng được tổ chức "thư viện con" để giúp các em ở thôn không phải đi xa mà cũng có cái mới để học.

Theo thầy Chín, ưu điểm của những "thư viện con" này là sách được bảo quản tốt hơn, không bị hao hụt vì được giao cho từng lớp. Các em đi học sớm có thể vào lớp đọc sách ngay mà không phải lên thư viện. "Kiểu thư viện này rất gần gũi với các em", thầy Chín chia sẻ.

Một nhược điểm duy nhất của "thư viện con" này theo thầy Chín là đầu sách ít vì không gian lớp học chỉ bố trí được vài kệ sách ở một góc lớp học.

Để luôn luôn có sách mới cho các em học sinh của trường, thầy Võ Đăng Chín cho hay mình thường lên các mạng xã hội kêu gọi vận động các nơi, nếu có sách cũ, sách nào các trường ở miền xuôi không còn dùng nữa thì cho nhà trường; gọi là "cũ người mới ta".

"Ở miền núi Nam Trà My này, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, các em thiếu thốn đủ thứ. Các em đi học được Nhà nước hỗ trợ ăn ở, sách vở nên mình làm cái gì tốt cho học sinh thì cứ làm, mục đích cũng là đưa kiến thức, con chữ đến cho các em một cách tốt nhất", Hiệu trưởng Võ Đăng Chín chia sẻ.