Làm thế nào để việc học trở thành nguồn cảm hứng?

(Dân trí) - Nền kinh tế tri thức và yêu cầu đặt ra cho giáo dục các cấp là học sinh có khả năng tự học và học suốt đời. Tuy nhiên, hiện tượng học chỉ để ghi nhớ kiến thức, đối phó với kỳ thi đang trở nên phổ biến từ cấp tiểu học đến đại học.

Tính thời sự của vấn đề này đã được phản ánh rất rõ nét trong hội thảo Đẩy mạnh thực hành dựa trên bằng chứng của Quỹ tài năng trẻ Tâm lý học - Giáo dục học được tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua.

Xây dựng hồ sơ học tập

Một trong những tham luận đáng chú ý về vấn đề này là nghiên cứu của TS. Hồ Thị Nhật, khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội, về việc làm thế nào để sinh viên học tập tích cực, tự chủ.

Theo TS. Nhật, việc đánh giá kết quả học tập hiện nay đang tách rời quá trình dạy học với tính chất đo lường và xác nhận thông qua các kỳ thi diễn ra vào cuối kỳ, cuối môn, cuối năm.

Hậu quả là “Nhiều sinh viên lớp tôi có xu thế học đối phó với kỳ thi và để ghi nhớ kiến thức”, TS Nhật cho biết.

Do đó, theo TS Nhật, cần đổi mới cách đánh giá theo hướng “Đánh giá vì sự tiến bộ học tập” thông qua Hồ sơ học tập sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong chất lượng học của sinh viên.

Hồ sơ học tập này sẽ là một tập hợp các sản phẩm trong suốt quá trình học tập một môn học thể hiện thái độ, năng lực, sự sáng tạo của người học, góp phần rèn cho người học tính trách nhiệm và năng lực tự đánh giá, điều chỉnh hoạt động học.


TS. Hồ Thị Nhật, khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư Phạm Hà Nội trình bày tham luận

TS. Hồ Thị Nhật, khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư Phạm Hà Nội trình bày tham luận

Thực nghiệm cách đánh giá này trên sinh viên năm Nhất khoa Tâm lý giáo dục trong học kỳ 2 của năm học 2016 - 2017 cho thấy học sinh từ hoang mang, lo lắng, tò mò đã chuyển sang cảm giác thú vị, không áp lực, sáng tạo và học được nhiều kỹ năng hơn.

Học lịch sử cần có mục đích

Còn tham luận của nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Quốc Vương, hiện đang là giáo viên dạy sử tại trường Trung học Nguyễn Tất Thành, về việc dạy lịch sử cho học sinh phổ thông lại cuốn hút ngay từ phần “đố vui có thưởng” khi hàng loạt các câu hỏi lịch sử được diễn giả đặt ra và không có khách mời nào trả lời được.

Thông qua hoạt động này, NCS Quốc Vương đi đến kết luận: Giáo dục lịch sử tại Việt Nam hiện nay không có ích cho đời sống, giống như môn thử thách trí nhớ.

Phân tích sâu hơn về cách dạy và học lịch sử hiện tại, NCS Quốc Vương cho biết việc học lịch sử hiện chỉ là truyền đạt lại những gì nhà sử học ghi nhận. Trong đó, giáo viên là người truyền đạt tri thức (dạy dựa trên cơ sở của sử học và truyền đạt thành tựu của sử học) với hình thái truyền đạt duy nhất là thông sử. Còn học sinh chỉ cần ghi nhớ, hiểu, học thuộc lòng, biết cách trình bày.

Do đó, dù là giáo án được công nhận là có sự độc lập sáng tạo thì vở ghi của học sinh vẫn 100% giống nhau với nội dung lấy nguyên từ SGK. Trong khi nội dung SGK lại viết theo lối vô nhân xưng với tranh minh họa (không phải tư liệu sử học).

Hệ quả tất yếu là có hàng ngàn điểm không môn lịch sử (kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ năm 2011), không học sinh nào muốn thi môn sử và đa phần học sinh không thích học sử...


Phần đố kiến thức lịch sử của NCS Nguyễn Quốc Vương gây ấn tượng mạnh tại Hội thảo Đẩy manh thực hành dựa trên bằng chứng

Phần đố kiến thức lịch sử của NCS Nguyễn Quốc Vương gây ấn tượng mạnh tại Hội thảo Đẩy manh thực hành dựa trên bằng chứng

Gợi mở về một phương pháp học mới, NCS Quốc Vương cho rằng trước tiên cần phải xác định mục tiêu: học lịch sử để làm gì?

NCS Quốc Vương đã đưa ra một cách học mới trong đó lấy sử liệu làm nền tảng bởi không thể sáng tạo, thay đổi sự thật của lịch sử. Thông qua truyền đạt thành tựu của sử học, học sinh biết cách làm việc như một nhà sử học (học các phương pháp, kỹ thuật làm việc của nhà sử học).

Trong phần thực hành, thao tác đầu tiên sẽ là tìm chủ đề nghiên cứu? Khai thác sử liệu ở đâu? Cách đọc như thế nào?

Theo đó, giáo dục lịch sử cho học sinh theo cách “nghiên cứu xã hội” - tức là xuất phát từ một vấn đề xã hội và dùng tư duy, phương pháp sử học để giải thích, giải quyết nó. Hay nói cách khác, học sinh học lịch sử trong vai trò như là “nhà sử học nhỏ tuổi”.

Thầy Quốc Vương đã thực nghiệm thực chứng phương pháp trên trong 1 năm và nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh, phụ huynh và cả đồng nghiệp vì đã giúp học sinh tìm ra được mục tiêu - cảm hứng học lịch sử.

Trần Phương